Mùng 3 Tết, Nông Dân Xuống Đồng
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, nông dân cả nước lại xuống đồng để bắt đầu vụ mùa mới với hy vọng một năm bội thu
Ngày 25/1 (tức mùng 3 Tết Nhâm Thìn), tranh thủ tiết Xuân thuận lợi, nông dân tỉnh Bắc Ninh bắt đầu ra đồng gieo cấy vụ Xuân.
Theo kế hoạch, năm 2012, tỉnh Bắc Ninh trồng khoảng 40.5ha cây vụ Xuân, trong đó diện tích lúa Xuân chiếm 36.000ha, còn lại là hoa màu.
Để vụ Xuân 2012 giành thắng lợi, Bắc Ninh đã triển khai kế hoạch sản xuất tới tất cả các địa phương trong tỉnh.
Toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 20/02, hoàn thành việc đổ ải vụ lúa Xuân.
** Để chủ động điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất vụ Xuân trong điều kiện thời tiết khô hạn, Chi cục thủy lợi tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị nạo vét kênh mương nội đồng, đôn đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi, hợp tác xã tu bổ, sửa chữa hệ thống trạm bơm, máy bơm, chuẩn bị sẵn sàng để bơm nước khi cần thiết.
Chi cục khuyến cáo bà con nông dân và các công ty khai thác thủy lợi tận dụng triều cường sông Hồng, sông Đáy để nhập nước tối đa vào ao hồ và kênh tiêu.
Do lịch đổ ải vụ Xuân trùng với một số ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, nên Sở NN&PTNT Hà Nam bố trí cán bộ trực suốt ngày đêm, tranh thủ khi có nước là bơm vận hành ngay, không để xảy ra tình trạng thiếu nước.
**Sáng nay (25/1), tức ngày mùng 3 Tết, tại cảng cá Sa Huỳnh, ngư dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ ra quân đánh bắt đầu năm.
Đây là Lễ hội truyền thống của ngư dân miền biển Sa Huỳnh. Trước đây, lễ hội này được ngư dân gọi là Lễ “nhúng nước lưới đầu năm”. Trước khi phát lệnh dong thuyền ra khơi- mở đầu cho mùa biển mới, ngư dân Sa Huỳnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như: Hát múa bả trạo, múa sắc bùa- một diễn xướng dân gian vùng sông nước ở huyện Đức Phổ.
Lễ ra quân đánh bắt đầu năm đã thu hút hàng ngàn người dân đến xem và cầu cho mưa thuận gió hòa được mùa tôm cá.
Ông Lê Hạnh, ngư dân ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi hy vọng: “Tôi cầu mong cho ngư dân đánh bắt được no ấm hơn, thắng lợi hơn”.
** Nhờ chăm chỉ làm ăn, áp dụng khoa học chuyển đổi cây trồng phù hợp, bà con Êđê, ở Buôn Alê B, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có một mùa Xuân vui vẻ đầm ấm.
Mùng 3 Tết, nhiều hộ nông dân đã ra đồng nạo vét kênh mương, chuẩn bị bước vào vụ mới. Theo ông Y Noa Niê, buôn trưởng buôn Alê B, phong tục này có từ lâu, đến nay vẫn được người dân trong buôn phát huy.
** Gia đình ông Y Ser, dân tộc M’Nông ở bon Đắc K’măn, xã Đắc Sắc, huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông có hơn 3ha sắn, 2ha cà phê. Năm ngoái, nhờ áp dụng theo đúng kỹ thuật canh tác của khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn, diện tích cà phê và lúa của gia đình ông đạt năng suất cao, cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Sau mấy ngày vui Tết, ngày 25/1, gia đình ông bắt đầu ra quân sản xuất. Ông Y Ser nói: “Năm cũ đã qua, năm mới 2012 đến rồi, bây giờ bà con bắt đầu làm đất trồng sắn, tháng 4 bắt đầu trồng. Chúng ta phải cố gắng làm ăn hơn nữa, một năm chúng ta có thể làm 2 vụ, cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, chăm sóc tốt cho cà phê, tưới nước, bón phân đầy đủ.
**Đã thành thông lệ hàng năm, cứ mỗi dịp đầu Xuân năm mới, sau những ngày đón Tết vui vẻ, chính quyền và nhân dân các địa phương ở tỉnh Kon Tum tổ chức ra quân làm thủy lợi, sửa chữa đường giao thông.
Ngay trong ngày đầu tiên ra quân, dự kiến có hàng trăm km đường giao thông liên thôn, liên xã trong tỉnh được làm mới, tu sửa tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân.
Bên cạnh đó, hàng chục km kênh mương nội đồng cũng được nạo vét, nhiều đập tạm, đập bổi được sửa chữa nâng cao khả năng dẫn nước, tích nước đảm bảo nước tưới cho diện tích cây công nghiệp và lúa vụ Đông Xuân./.
Có thể bạn quan tâm
Bà Thức cho biết, vì trồng thử nên bà không quan tâm lắm đến việc phòng trị bệnh cho ớt, nhưng tính toán lại, tổng cộng diện tích bờ ruộng khoảng 2 công, cả vụ ít nhất cũng thu hoạch được 200kg ớt/công, hiện giá bán là 20.000 đồng/kg, bà sẽ thu về hơn 10 triệu đồng. Bà Thức chia sẻ “Hôm vừa rồi trồng mùa thuận thì thấy trái dữ lắm, giá 15 ngàn/kg trở lên thì thấy có ăn”.
Ngày nay, xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các khả năng nhiễm bẩn thực phẩm, an toàn cho người tiêu thụ.
Việc thâm canh tăng vụ thời gian qua luôn tiềm ẩn nguy cơ sản sinh nhiều loại dịch hại trên đồng ruộng. Theo nhiều nông dân, từ đầu mùa khô đến nay, trên nhiều cánh đồng trong tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện chuột cắn phá với tình hình căng thẳng hơn các năm trước.
Mùa mưa năm nay đến muộn hơn nên lịch xuống giống các cây trồng cạn ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chủ yếu sử dụng nước mưa như cây bắp lai, cây đậu đều bị chậm lại. Những trà bắp tỉa đón mưa tại khu vực này mọc không đều, bị chết cây, héo lá; việc bón phân định kỳ không thực hiện được.
Trong mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Ngành Nông Nghiệp khuyến khích và áp dụng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến hàng hóa nông – lâm - thủy sản để thúc đẩy sản xuất hàng nông sản chất lượng cao trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, vừa phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thúc đẩy thương mại-dịch vụ phát triển.