Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa xoài thất thu

Mùa xoài thất thu
Ngày đăng: 27/06/2015

Xoài mất mùa

Thông thường, vụ xoài thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6, 7 âm lịch mới kết thúc; nhưng năm nay, đầu tháng 5, xoài đã hết. Những ngày này, các vựa xoài tại huyện Cam Lâm chuẩn bị đóng cửa, không còn cảnh xe cộ tấp nập đóng hàng...

Đưa giỏ xoài cuối cùng tới vựa, bà Phạm Thị Ánh (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) cho biết: “Năm nay, người trồng xoài chẳng có gì để thu, kiểu này chắc đói dài...”. Bà Ánh có 1ha xoài giống Thủy Triều nhưng do nắng hạn nên xoài èo uột, trái nhỏ. Hàng ngày, bà phải bỏ tiền ra mua nước tưới (70.000 đồng/bồn 2m3); đồng thời tăng cường xịt thuốc bảo vệ thực vật để diệt bọ trĩ, thế nhưng vẫn không thể cứu vãn, sản lượng xoài chỉ đạt 10 tấn, thất thu hàng chục triệu đồng.

Nhà bà Trần Thị Nhi (thôn Bãi Giếng 2) cũng chịu cảnh mất mùa. Bà Nhi cho biết, mỗi ngày, vườn xoài rộng hơn 3ha của bà ngốn tới 10 bồn nước nhưng cũng không ngăn được dịch bọ trĩ tung hoành, sản lượng tụt giảm mạnh do xoài rụng sớm. Cả vườn xoài chỉ thu được 40 - 50 tấn, nhưng số bỏ đi chiếm hơn 3/4. Thêm vào đó, giá bán thấp (loại 1: 5.000 đồng/kg; loại 2: 2.500 đồng/kg) khiến bà thất thu hơn 100 triệu đồng. “Xoài rụng nhiều nên phải tăng cường người hái. Mỗi ngày, tôi thuê 5 người hái, xoài bán được cũng chỉ vừa đủ tiền trả công, chẳng được lợi gì...” - bà Nhi nói.

Xoài rụng nhiều, nông dân thất thu, nhưng đây lại là cơ hội tốt cho những người làm bánh xoài. Hàng ngày, hai mẹ con bà Phạm Thị Tơn (thôn Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức) cố làm tăng thêm nhưng vẫn chế biến không xuể. Xung quanh nhà, bánh xoài phơi kín, từ hàng rào, trên ghế, trên sân... “Xoài chín rụng nhiều vô kể. Mỗi ngày, mẹ con tôi cố lắm cũng chỉ chế biến được 50kg xoài. Sản phẩm làm ra tiêu thụ ở Quy Nhơn (Bình Định) với giá bán 15.000 đồng/kg. Mỗi ngày, tôi thu nhập 500.000 - 600.000 đồng” - bà Tơn chia sẻ.

Thương lái Trung Quốc thâu tóm xoài Úc

Trong khi các giống xoài: Thủy Triều, Bồ, Cát... giảm phẩm chất vì sâu bệnh thì giống xoài Úc vẫn được thương lái đẩy giá lên cao. Bà Nguyễn Thị Mỹ Anh - chủ vựa xoài tại thị trấn Cam Đức xác nhận: “Xoài Úc không bị mất mùa. Chúng tôi phối hợp với thương lái Trung Quốc thu mua 2 - 3 tấn/ngày, giá bình quân từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg...”.

Bà Nguyễn Thị Phu - chủ vựa xoài ở thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây cho biết, đến thời điểm này, khi mùa xoài sắp kết thúc, bà mới bán được vài tấn xoài cho thị trường phía Bắc. Lý do là các giống xoài: Thủy Triều, Cát, Bồ hay bị sâu bệnh, người tiêu dùng chê nên khó tiêu thụ, trong khi đó việc thu mua xoài Úc gặp khó khăn. Các vựa khác thuộc khu vực thị trấn Cam Đức, Cam Thành Bắc có nhiều thương lái Trung Quốc đứng chốt thu mua xoài Úc.

Theo Công ty TNHH EMU Việt Nam, năm nay, công ty chỉ thu mua được khoảng 100 tấn xoài Úc (mọi năm 240 tấn), tương đương 10% tổng sản lượng xoài Úc trên địa bàn. Nguyên nhân là do thương lái Trung Quốc tăng cường cắm chốt thu mua tại một số vựa trên địa bàn. Điều đáng nói, họ cạnh tranh không lành mạnh, khi công ty ra giá, lập tức họ đưa ra giá cao hơn nên đã mua hết sản lượng xoài Úc. Tình hình này đã diễn ra 3 - 4 năm, nhưng năm nay rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và việc kinh doanh của công ty đối với thị trường thế giới. Công ty là người đặt nền móng cho cây xoài Úc phát triển ở Khánh Hòa, đưa vùng chuyên canh phát triển hơn 1.500ha, xây dựng nhà máy thu mua, đóng gói xuất khẩu, lập vùng sản xuất theo quy trình Global GAP, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được cơ quan thẩm quyền cấp mã vùng sản xuất. Nhưng hiện nay, việc kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn..

Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: Năm nay, xoài mất mùa, năng suất chỉ đạt 8 tấn/ha (bình thường 10 tấn/ha). Riêng xoài Úc không bị mất mùa, giá khá cao, lên tới 30.000 - 50.000 đồng/kg. Về vấn đề này, huyện nhiều lần khuyến cáo người dân không chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên đối tác lâu dài. Công ty TNHH EMU Việt Nam đã xây dựng nhà máy chế biến tiêu thụ xoài Úc, nông dân cần tỉnh táo khi mua bán, tránh làm xáo trộn, tiếp tay cho thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Mất Mùa Lúa Sau Phun Thuốc Mất Mùa Lúa Sau Phun Thuốc

Vụ đông xuân 2013-2014, nhiều hộ nông dân ở Kiên Giang đã mua cặp thuốc “9 trong 1” của Công ty TNHH Hóa nông Lúa Vàng (Công ty Lúa Vàng) về phun cho lúa, nhưng sau khi phun, lúa cứ lụi dần và không thể trổ bông…

18/03/2014
Ngư Dân Nhơn Hải Ngư Dân Nhơn Hải "Trúng Biển"

Từ đầu tháng 3/2014 cho đến nay, vùng biển xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) xuất hiện rất nhiều tôm hùm giống, ngư dân trong xã vui mừng vì “trúng biển”.

18/03/2014
Cơ Hội Xuất Khẩu Hàng Thủy Hải Sản Sang Singapore Cơ Hội Xuất Khẩu Hàng Thủy Hải Sản Sang Singapore

Ngày 19/2, phát biểu tại buổi việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, ông Ng Teck Hean, Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam cho rằng hai lĩnh vực mà Singapore có thể hợp tác ngay với Bến Tre là đào tạo nguồn nhân lực và nhập khẩu nông- thủy-hải sản.

21/02/2014
Người Trồng Rau Đã Người Trồng Rau Đã "Dễ Thở" Hơn

Chênh lệch giá bán rau từ người sản xuất tới người tiêu dùng đã giảm. Người trồng rau ít nhiều được hưởng lợi, "dễ thở" hơn trước.

18/03/2014
Chuyện Nuôi Bò Ở Ninh Đảo (Khánh Hòa) Chuyện Nuôi Bò Ở Ninh Đảo (Khánh Hòa)

Sau thời gian nuôi tôm hùm thất thu vì dịch bệnh, nhiều người dân ở thôn Ninh Đảo (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi bò. Đàn bò nơi đây liên tục tăng trưởng, giúp người dân có cuộc sống no đủ.

21/02/2014