Mùa Thanh Trà Buồn Ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)
Thanh trà Hương Thủy năm nay mất nghiêm trọng, nhà được thì 40%, có nhà trắng tay.
Thanh trà rơi rụng
Dọc theo vùng Vĩ Dạ, Tân Ba xã Thuỷ Bằng, thanh trà xanh mướt. Chỉ có điều, vẻ xanh mướt ấy càng tươi tắn bao nhiêu thì lòng người càng héo hon bấy nhiêu.
Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.
Ông Đoàn Lâm (thôn Vĩ Dạ) là một trong những hộ gia đình may mắn còn có thanh trà bán, nhưng lượng rất ít. Năm ngoái, chỉ riêng vườn thanh trà cạnh nhà, ông đã bán được 70 triệu đồng. Nay đang chính vụ, nhưng ông mới bán được 3,5 triệu. “Cả vụ e cũng được 10 triệu.
Chưa khi mô thanh trà mất thê thảm như năm nay. Tui còn có một vườn khác khoảng 50 gốc, năm ngoái cho hơn 3.000 trái, năm ni gắng lắm chắc cũng chỉ khoảng 200 trái thôi”, ông Lâm ngậm ngùi. Bà Trần Thị Nguyệt (vợ ông Đoàn) đón chúng tôi ra thắm thanh trà não nề: “Nhìn tụi hắn rụng trái mà mình chảy nước mắt”.
Bên kia sông Hương, vừa qua khỏi bến đò Tân Ba là đến vườn thanh trà của gia đình bà Bùi Thị Thuý - một trong những hộ có nhiều thanh trà của Dương Hoà. Dẫn chúng tôi đi xem đống thanh trà bị rụng vàng, bà Thuý buồn buồn: “Rụng không biết mấy mà kể, cỡ mô cũng có.
Tui phải lượm thu đi kẻo bạn buôn thấy là ép giá. Mấy năm trước 50-70 triệu đồng ngon ơ, năm ni giỏi lắm cũng chỉ được khoảng 25 triệu. Rứa mà bạn buôn lên còn đòi bớt nữa”.
Theo ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Thuỷ Bằng, đầu mùa thanh trà ra hoa rất nhiều, nhưng rụng hết, tỉ lệ đậu trái chỉ đạt khoảng 10%. Những trái đậu được thì cũng không khoẻ, có cỡ to như cái tách trà thì rụng, lớn hơn một tý cũng rụng.
Ngay từ khi thấy hoa bị rụng nhiều, địa phương đã báo lên ngành chức năng của thị xã và bà con cũng đã được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn thêm cách chăm bón, nhưng tình hình vẫn không khả quan. Nguyên nhân chính khiến thanh trà mất mùa năm nay là do đợt cây trổ hoa đại trà đã gặp lạnh và sương muối. Sau lại thêm nắng nóng kéo dài, cứu không lại.
Đa dạng cây trồng và chuyển giao thêm kỹ thuật
Trong chiến lược phát triển kinh tế vùng gò đồi của thị xã Hương Thủy, thanh trà là một trong những loại cây trồng nông nghiệp chủ lực, được thị xã quan tâm quy hoạch. Với người dân vùng thanh trà hiện nay, điều an ủi lớn nhất chính là cuộc sống vẫn có thể xoay xở được nhờ bà con đa dạng cây trồng, cũng như ngành nghề. Nhờ đó, qua mùa thanh trà đắng này, bà con vẫn có thể hy vọng vào những mùa sum suê quả ngọt khác.
“Nhà tui không nhiều thanh trà như người ta nhưng cũng mất không kém gì. May là mình còn cây tiêu, cây chè. Năm ni hai loại ni được giá nên kinh tế gia đình cũng không bị ảnh hưởng là mấy. Những lúc ni mới thấy giá trị của việc đa dạng cây trồng vật nuôi, ông Nguyễn Văn Thái (Cư Chánh 2), nói.
“Coi như năm ni mình không có đồng mô để dành dụm làm việc lớn cả. Có thể năm ni không có trái, sang năm cây lại có sức để nuôi trái tốt hơn, cho chất lượng ngon hơn. Nhưng có ri mới thấy, mình phải hiểu biết nhiều hơn về giống cây trồng thì mới làm chủ được. Chúng tôi hy vọng, các ngành các cấp tăng cường hướng dẫn kỹ thuật để bà con áp dụng khoa học mới vào sản xuất để chủ động chăm sóc vườn nhà tốt hơn”, ông Đoàn Lâm đề nghị.
Cũng có nguyện vọng tương tự, bà Bùi Thị Thuý nói: “Biết là thời tiết thì bất khả kháng, nhưng nguyên nhân vì răng hoa thanh trà rụng hết, đến quả to rồi cũng bị rụng nhiều nữa thì chúng tôi rất muốn biết nguyên nhân cụ thể, cũng như rất cần có thêm sự hỗ trợ về kỹ thuật nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, phong trào nuôi rắn ri voi (ri tượng) phát triển mạnh ở Cà Mau và các tỉnh ÐBSCL. Giá rắn ri voi thương phẩm và rắn giống rất cao, nên nhiều bà con quan tâm và chọn nuôi loài động vật này để phát triển kinh tế. Nhiều kiểu nuôi rắn được áp dụng như: nuôi trong khạp, trong lưới, trong bể xi-măng, trong ao đất…
Bên cạnh thế mạnh về thủy sản, thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) còn chú trọng phát triển đàn vật nuôi, nhất là nuôi bò, nuôi dê sinh sản, giúp cải thiện cuộc sống người dân.
Vùng cực nam Trung Bộ vừa trải qua một vụ nóng hạn tồi tệ. Cuộc sống con người bị chao đảo vì thiếu nước. Những cánh đồng nứt nẻ, cây trồng héo khô. Nhiều đàn gia súc ốm o, xơ xác vì khát. Những hình ảnh này gợi lên suy nghĩ về nhu cầu khẩn thiết là nước ngọt cho chăn nuôi.
Không chỉ mất cân đối về quy hoạch giữa nguồn lương thực xuất khẩu và nguồn nguyên liệu chăn nuôi trong nước, gây những xáo trộn mà những quan sát mới nhất từ các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, vị thế cây lúa đã qua “thời gái son”, không chỉ thị trường xuất khẩu co hẹp mà còn đang làm sụt giảm đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp...
Những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều hướng người chăn nuôi sản xuất theo hướng tập trung, chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn duy trì và hằng năm cung ứng một sản lượng không nhỏ phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT khẳng định tiếp tục bám sát mục tiêu đề ra, song vẫn có những hỗ trợ cần thiết cho chăn nuôi nhỏ lẻ, từng bước chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.