Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mua Nước Về Tưới Cho Hành

Mua Nước Về Tưới Cho Hành
Ngày đăng: 25/08/2014

Dù đang sắp bước vào mùa mưa nhưng hầu hết các giếng khoan, giếng đóng của các hộ dân ở xã Bình Hải (Bình Sơn) đều khô khốc, nhất là ở hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện. Hàng chục hécta hành đang ngóng nước về để “duy trì sự sống”. Nhiều hộ dân phải mua nước về tưới cho hành với kinh phí không nhỏ.

“Bài ca khát nước”

Thường lệ, năm nào thời tiết thuận lợi, với vài cơn mưa rả rích vào tháng 8, chu kỳ sinh trưởng của cây hành ở Bình Hải sẽ phát triển và cho năng suất khả quan.

Tuy nhiên, thời tiết năm nay lại khác. Những cơn mưa thỉnh thoảng vẫn đổ xuống khắp nơi trong tỉnh nhưng nơi đây vẫn không có lấy một giọt. Hơn 1.000 hộ dân làm nông nghiệp ở hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện điêu đứng khi hơn 20ha lúa và hơn 30ha hành khô héo dần.

Cặm cụi nhổ từng bụi hành hư hỏng, củ trắng bạch vì thiếu nước quăng lên bờ, chị Trịnh Thị Cúc, ngụ tại thôn Thanh Thủy ngậm ngùi: “Không có mưa, thiếu nước phải đóng và khoan giếng. Giếng đóng thì chạy tầm 5 phút lại hết. Hai cái giếng khoan hơn 80m, tốn gần 50 triệu cũng chẳng thấy nước đâu”.

Không có nước, không ít hộ trắng tay vì nợ nần và bỏ khô ruộng hành. Cùng chung cảnh ngộ, cách đó không xa, anh Ngô Thành Lộc, ngụ tại thôn Thanh Thủy cũng ca “bài ca khát nước”. Bốn sào hành trồng được 20 ngày nằm rũ rượi chờ “nước trời”.

Căng quá, những hộ dân trồng hành như anh Lộc và chị Cúc phải thuê xe tải chở nước từ đập ngâm Gò Chùa cách Thanh Thủy khoảng 2km đem về tưới. Anh Lộc thở dài: “Mỗi ngày phải chở ba xe, ngốn hết 600.000đồng. Gối đầu ba ngày lại chở một lần nhưng… vẫn không cứu vãn được gì”.

“Đó là chưa kể, mỗi ngày còn phải tốn gần cả trăm nghìn tiền dầu để bơm nước vì điện yếu. Mọi năm trồng hành “bỏ túi” được chút ít, năm nay trồng lấy lại vốn là mừng lắm rồi”, anh Lộc chép miệng.

“Bài ca khát nước” đang nóng lên từng ngày. Để giúp dân chở nước, những nhà có xe tải như anh Nguyễn Thành Trinh, Võ Ngọc Lịnh, ngụ tại thôn Thanh Thủy dùng đến xe tải.

Nhà có ba chiếc xe tải, anh Trinh huy động cả ba chiếc. Anh bơm nước vào bạt ở trên xe, rồi chở về để dân dự trữ trong hồ. Mỗi chuyến như vậy, anh lấy khoảng 200.000 đồng. Với anh chỉ đủ tiền xăng dầu, còn với dân, đó là số tiền không nhỏ.

Cây khát, người cũng khát. Với đặc thù là xã ven biển, nguồn nước bị nhiễm mặn rất nặng. Hơn 3.500 hộ dân ở xã Bình Hải khốn khổ với nguồn nước “chè hai, chè ba” này. Cảnh tượng dân xách can mua nước về uống tiếp diễn như cơm bữa.

Công trình “đắp chiếu”

Trong khi hơn 1.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước, gần 3.500 hộ dân ở xã Bình Hải khát nước sạch thì công trình nước sạch vệ sinh môi trường phục vụ cho thôn Phước Thiện và Thanh Thủy ở thôn Vạn Tường vẫn nằm im.

Hoạt động được 4 năm, từ 2009 đến 2012, công trình chỉ mới phục vụ cho thôn An Cường, thôn Vạn Tường và xóm Hải Hòa (thôn Thanh Thủy). Đến nay, toàn bộ đường ống nhựa dẫn nước hư hỏng nặng, sữa chữa nhiều lần và mới khắc phục được khoảng 60%.

Ông Bùi Trạng, Chủ tịch UBND xã Bình Hải phân trần: “Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư quá thấp nên hoạt động không hiệu quả. Đã nhiều lần xã bù lỗ bằng cách vận động nguồn kinh phí nhân dân để sữa chữa đường ống, kéo nước về tận nhà nhưng vẫn không giải quyết được bao nhiêu. Hiện tại, xã đã giao lại cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý”.

Về phương án chống hạn cấp bách, ông Trạng lắc đầu: “Chưa năm nào khô hạn như năm nay nên phương án chống hạn ở xã gặp nhiều khó khăn. Các hồ, đập trên địa bàn đều khô khốc. Sắp tới, xã sẽ làm thêm một đập nhưng chắc chỉ để phục vụ cho năm sau, vì đào hoài mà chẳng thấy nước”.


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong

Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang (Hà Tĩnh), nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...

08/06/2013
70% Đàn Vịt Mang Máu Vigova 70% Đàn Vịt Mang Máu Vigova

Nhờ ưu thế vượt trội, có tới hơn 2/3 tổng đàn vịt ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam bộ là giống Vigova. Sức mạnh của con giống tốt đã giúp nông dân làm lợi hàng trăm tỷ đồng/năm…

08/06/2013
Cẩn Thận Với Giống Cây Trồng Nhập Ngoại Cẩn Thận Với Giống Cây Trồng Nhập Ngoại

Nỗi ám ảnh về giống Trung Quốc của bà con nông dân Quảng Nam ngày càng lớn sau câu chuyện cây ớt chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Đại Lộc…

08/06/2013
Nông Dân Trúng Mùa Trái Sơ Ri Nông Dân Trúng Mùa Trái Sơ Ri

Nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) đang thu hoạch rộ và trúng mùa trái sơ ri. Đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra ổn định.

08/06/2013
Mãng Cầu Vẫn Là Loại Trái Cây Có Giá Mãng Cầu Vẫn Là Loại Trái Cây Có Giá

Những ngày này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cố gắng mở rộng diện tích mãng cầu ta trong toàn tỉnh lên vài ngàn ha thay vì 2.000 ha như hiện nay. Người dân được khuyến khích thâm canh mãng cầu qua việc Trung tâm Khuyến nông của tỉnh giúp nông dân thực hiện những khu vườn mãng cầu thí điểm mà năng suất đạt 7 tấn trái/vụ, với giá bán tùy theo loại, từ 12 - 32 ngàn đồng/kg. Ước tính người trồng mãng cầu thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/vụ.

08/06/2013