Đã Có Dự Báo Ngư Trường Hải Sản Ngắn Hạn
Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN- PTNT) mới đây đã xây dựng các bản dự báo ngư trường khai thác hải sản ngắn hạn ở vùng biển Hải Phòng và lân cận.
Các bản dự báo này đã được phát thử nghiệm trên website của Viện Nghiên cứu Hải sản và Hệ thống Đài thông tin Duyên hải Hải Phòng.
Qua đây, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng quy trình dự báo ngư trường cấp vùng, địa phương.
Các bản dự báo cũng phát huy tác dụng trong bối cảnh hiện nay các bản tin về dự báo ngư trường của toàn quốc mang tính tổng thể chung cho các vùng biển trên phạm vi rộng (30x30 hải lý), hiệu quả áp dụng trong hoạt động khai thác ở cấp độ địa phương chưa cao.
Mặt khác, hiện nay ngư trường khai thác của ngư dân trong vùng biển Hải Phòng và lân cận chủ yếu dựa theo kinh nghiệm hoặc lưu lại trên máy định vị từ những chuyến biển trước, ngư dân không cập nhật, nắm bắt ngư trường. Các bãi cá khai thác thường xuyên, liên tục nên hiệu quả khai thác không cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng.
Nhằm giúp ngư dân nắm bắt ngư trường, chủ động trong hoạt động khai thác, Viện Nghiên cứu Hải sản đã xây dựng quy trình công nghệ dự báo ngư trường khai thác hải sản ngắn hạn (1 tháng hoặc 10 ngày) với phạm vi không gian hẹp hơn (15x15 hải lý) cho 3 nghề khai thác chính ở vùng biển Hải Phòng và lân cận là nghề chụp mực, rê trôi và kéo đáy đơn.
ThS. Nguyễn Tự Trọng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Hải phòng phấn khởi cho rằng, việc xây dựng được các bản dự báo ngư trường khai thác hải sản ngắn hạn trong vùng biển Hải Phòng và lân cận có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để ngành nông nghiệp khuyến cáo mùa vụ khai thác đối với các nhóm nghề khai thác hải sản.
ThS. Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo ngư trường khai thác hải sản cho biết, ông và cộng sự đã khai thác hệ thống thông tin về nguồn lợi nghề cá từ “Kho Dữ liệu nghề cá Vịnh Bắc bộ” với module (chương trình) tự thiết kế, chạy được trên các máy tính thông thường. Module này có thể khai thác thông tin phong phú với độ chính xác cao.
Sau quá trình nghiên cứu đặc trưng cấu trúc hải dương quy mô vừa và nhỏ với sự tập trung của các loài cá ở vùng biển Hải Phòng và lân cận (từ Quảng Ninh đến Nghệ An), nhóm nghiên cứu phân tích mối tương quan giữa các yếu tố đặc trưng của môi trường vùng biển này với năng suất khai thác hải sản. Kết quả xử lý tương quan đã xây dựng được các phương trình dự báo với sai số cho phép.
Từ đó, quy trình dự báo ngư trường khai thác hải sản ngắn hạn được xây dựng gồm các bước cụ thể, đơn giản, thuận tiện sử dụng. Thông tin phản hồi từ ngư dân cho kết quả khả quan với trên 62% dự báo đạt yêu cầu trở lên. Trong đó, kết quả dự báo ngư trường khai thác cho nghề rê trôi đạt độ chính xác tới gần 78%.
“Đây là quy trình dự báo ngư trường, đánh giá kiểm chứng rất tiện ích cho các dự báo viên thao tác nghiệp vụ” - PGS.TS.Nguyễn Ngọc Thạch – Khoa Địa lý, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đánh giá. Ông Thạch cũng cho rằng, muốn có hiệu quả thực sự, việc triển khai mô hình dự báo phải được thực hiện triệt để, kể cả khâu quản lý, lưu trữ và cung cấp dữ liệu, chính sách và đào tạo nhân lực có trình độ công nghệ để vận hành phần mềm.
Ông Nguyễn Văn Thảo – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tư liệu và Viễn thám biển (Viện Tài nguyên và Môi trường Biển) nhận định, dự báo ngư trường khai thác hải sản luôn là một trong những công việc khó khăn và phức tạp nhưng rất quan trọng đối với công tác quản lý cũng như ngư dân.
Nó góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản trên các vùng biển, đồng thời là cơ sở khoa học để cơ quan quản lý nghề cá của TP Hải Phòng định hướng phát triển nghề và vùng khai thác. Để tiếp nối thành công này, chúng ta cần xây dựng một cơ sở dữ liệu dự báo ngư trường trên nền tảng web phổ thông để người dân có thể dễ dàng truy cập và khai thác thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Đàn chim cút tăng nhanh trong thời gian ngắn là do giá trứng, thịt chim cút trên thị trường lên cao, người chăn nuôi có lời nên nhiều trại đã mở rộng trại nuôi và tăng quy mô đàn. Các huyện có tổng đàn chim cút lớn là Thống Nhất và Trảng Bom.
Năm 2012, lãnh đạo 2 huyện Vân Canh và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) là 2 đơn vị kết nghĩa tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Huyện Hương Sơn giới thiệu mô hình nuôi hươu sao lấy nhung vốn đã giúp nhiều gia đình ở đây vươn lên thoát nghèo cho Vân Canh.
Các hộ nuôi thủy sản bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh với nhiều giống mới, có giá trị kinh tế và cho năng suất cao, điển hình như: Mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính dòng Đường nghiệp và cá chép lai 3 máu. Sự thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng và khai thác tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh ngày càng ổn định và bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã cấp miễn phí được 178.619 liều tinh, đạt 50% kế hoạch, trong đó có 10.000 liều tinh lợn Pietrain kháng stress, TTNT cho trên 80.000 lượt con lợn, tỷ lệ đậu thai đạt trên 85%. Năng suất, chất lượng con giống ổn định, số lợn sơ sinh bình quân/ổ từ 10 - 12 con, trọng lượng lợn bình quân sau cai sữa đạt 7,5kg/con. Tỷ lệ TTNT lợn trên địa bàn TP đạt trên 58%.
Trong những năm trở lại đây, mô hình đưa màu xuống chân đất lúa được bà con nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) áp dụng đạt hiệu quả. Bên cạnh cây chủ lực như dưa hấu, đậu xanh, khoai cao, thì cây mè đen cũng là một trong những cây được bà con nông dân trong huyện lựa chọn, vì mè đen là loại màu dễ trồng, ít tốn thuốc, chi phí đầu tư thấp, nhưng thu nhập mang lại tương đối khá và ổn định.