Mùa Cá Ra Sông
Mỗi năm đến tháng 10 âm lịch, lũ rút nhanh cũng là lúc cá từ đồng tìm đường ra sông. Mùa cá chỉ có duy nhất một lần trong năm nên người dân sống vùng sông nước lại hối hả chuẩn bị chài, lọp để đánh bắt.
Trên các con sông, con đập, chỉ cần một chài từ sớm đến chiều là ngư dân cũng kiếm được vài chục ký cá. Người lưới, người chài, người đặt lọp, đóng đáy, dỡ chà… rất nhiều phương thức đánh bắt. Anh Nguyễn Hữu Thanh, dân chuyên đặt lọp trên đầu nguồn An Phú (An Giang) cho biết, mùa cá ra, người ta thường đánh bắt từ sáng sớm đến chiều, nhưng cũng có người hoạt động từ chiều đến khuya vì thời điểm này ít ghe, chịu khó một chút sẽ thu được nhiều cá hơn. Bình quân mỗi ghe thu được cỡ chục ký, bèo lắm cũng 4-5 kg với đủ loại cá, tôm, tép, nhưng nhiều nhất vẫn là cá linh. Mỗi chuyến đi, dân chài kiếm được 300-400 ngàn đồng. Đối với những gia đình có điều kiện, sắm ghe lớn “xông pha” lên tận Campuchia, chỉ cần đóng thuế đầy đủ là mỗi chuyến có thể thu về tiền triệu mỗi ngày với hàng trăm ký cá.
Năm nay là năm thứ 7 ông Võ Văn Tường (ấp Búng Bình Thiên, xã Quốc Thái, An Phú) sống gắn bó với nghề cá. Chiều chiều, hàng chục ghe lớn nhỏ kéo nhau đến các cánh đồng Khánh An, Long Bình giăng lưới, đặt lọp, đợi qua một đêm mới quay ra thu cá. Dân sống bằng nghề cá ở Quốc Thái chuộng nhất là kiểu bắt cá bằng đú “12 cửa ngục”. Loại này có rất nhiều cửa, cá chui đường nào cũng lọt. Mùa này cá linh đã già, thân cá độ chừng 4 phân đến 4 phân rưỡi nên khi đã chui vào lọp sẽ khó thoát ra hơn. Vì đường xa nên ghe về đến nơi cũng tầm 1-2 giờ chiều, đây chính là lúc chợ quê họp đông đúc nhất. Bạn hàng thu mua cá xếp hàng xe đợi sẵn, cảnh bán mua nhộn nhịp hẳn lên và trong phút chốc đã chở đi hết. “Bây giờ cá ít lắm rồi, chứ hồi xưa cá nhiều vô kể. Năm nay, nhờ con nước lớn chứ năm rồi dân chài tụi tôi đói dài dài, phải đi các cánh đồng xa gần Campuchia mới có cá mang về” - ông Tường nói.
Trong vùng Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), để có được những con cá tươi ngon, người dân nơi đây phải thức từ 3 giờ sáng, chạy xuồng từ kênh 9 đến kênh 14, nhờ có xả lũ nên nguồn cá ở đây rất dồi dào. Loại cá đánh bắt được nhiều nhất là cá chốt bằng hình thức giăng lưới. Chưa kịp trưa, cá đã được các ghe vận chuyển theo các kênh về tập trung tại vựa. Trước khi giao cho bạn hàng, cá được cắt đầu, vây, đuôi và chủ yếu chuyển về Châu Đốc bán cho các tiểu thương làm mắm. Nhờ có thêm công đoạn sơ chế mà nhiều bà nội trợ lẫn trẻ em trong vùng cũng tham gia kiếm được chút thu nhập phụ trong mùa này. Chị Châu Thị Mộng, một trong những thương lái mua cá từ ngư dân, cho biết: Hằng ngày, cơ sở của chị thu mua vài chục ký cá chốt, với giá mua 9.000 đồng/kg, thuê thêm người sơ chế cá tính công 2.000 đồng/kg. Chỉ qua thao tác này, cá được bán lại cho tiểu thương đã lên đến 18.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ vựa cá tại địa phương thông tin thêm: “Thời điểm nước rút hàng năm là lúc nhiều dân chài trong vùng kênh 7 (xã Vĩnh Thạnh Trung) và kênh 10 (xã Thạnh Mỹ Tây) tranh thủ đánh bắt cá với số lượng lớn. Nội trong ấp Vĩnh An (Vĩnh Thạnh Trung) đã có tới ba - bốn vựa thu mua cá, mỗi ngày mua vào từ vài trăm đến cả tấn, làm không xuể tay nên nhà nào cũng thuê trên duới chục nhân công”. Thường cá sẽ không được bán hết. Người ta chọn những con cá lớn chừa lại xẻ làm khô, ướp tẩm gia vị kỹ lưỡng để có thành phẩm mới, số cá con “lộn xộn” đủ loại thì nấu mắm để dành ăn trong nhà. Vì vậy, nhiều người hay nói mùa nước nổi là mùa của mắm đồng chính hiệu.
Theo kinh nghiệm của những dân chài, tháng 10 âm lịch cá chỉ đổ ra sông vào hai đợt mùng 10 và ngày 25 là nhiều nhất. Dù năm nay lũ lớn hơn năm ngoái, nước rút chậm và cá nhiều hơn nhưng tính ra số cá đánh bắt được giảm đi rất nhiều. Ông hai Tính, hộ chài cá mưu sinh trên đập Tha La than: “Đợt đầu cá ra, trên đập tụ họp hàng chục ghe nhỏ, cứ quăng chài xuống là dính, mỗi ghe thu chừng 10 - 20 ký. Còn mấy ngày thường, gặp bữa hên lắm thì được một - hai ký, có bữa suốt buổi chiều chỉ đánh được vài con. Tụi tôi đang nóng lòng đợi đợt cá ra lần hai sẽ vớt vát cú chót, mong mùa nước này được chút thu nhập kha khá”.
“Được mấy mẻ cá lớn thì đem ra chợ bán cũng đủ đổi lại bữa cơm, còn ít hơn thì để dành bà xã làm khô, nấu mắm. Mấy năm nay, cá ít dần nên gặp cá nhỏ thì tui thả trở lại sông, chứ cứ đánh bắt hoài e rằng thời gian nữa chẳng còn cá đâu mà ăn. Nghề chài lưới cũng có vận hên xui theo mùa nước, thiên nhiên đâu có nuôi mình hoài được” – ông Nguyễn Văn Xuân (xã Phú Thạnh, Phú Tân) tâm sự.
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên diện tích tôm - rừng ở Cà Mau hiện chưa đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng của tiêu chuẩn tôm sinh thái là tỷ lệ diện tích rừng/tôm phải đạt 6/4 và vệ sinh môi trường, nên đã qua diện tích này chưa được chứng nhận nhiều.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Biến đổi khí hậu đang ngày một tác động mạnh mẽ đến sản xuất thuỷ sản. Đây là một trong những loại hình nuôi rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, nhất là con tôm.
Nhận được thông tin vùng biển Lý Sơn – Quảng Ngãi trúng đậm cá nục, nhiều tàu công suất lớn của Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên đã về đây mua cá. Họ mua cá không phải để chuyên chở đi nơi khác tiêu thụ kiếm lời mà đưa cá vào muối mắm ngay trên biển.
Dịch cúm gia cầm xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước làm 300 con gia cầm mắc bệnh. Số gia cầm buộc phải tiêu huỷ là 500 con.
Trong bối cảnh người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn vì con giống, thức ăn, thuốc thú y liên tục tăng giá nhưng thị trường đầu ra lại bấp bênh; nguy cơ dịch bệnh rình rập… thì mô hình liên kết chăn nuôi giữa Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam với một số chủ trang trại trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) mở ra hướng đi mới đầy triển vọng.