Mua, Bán Cây Huỳnh Đàn Người Dân Cần Thận Trọng
1 năm trở lại đây, xuất hiện nhiều nhóm người ở các tỉnh phía Bắc vào miền Trung tìm mua cây huỳnh đàn có từ 5 đến 7 năm trở lên với giá hàng chục triệu đồng/cây. Có điều lạ là họ chọn mua cây rất gắt gao, thậm chí cả một huyện chỉ mua một vài cây. Trước khi quyết định mua, họ khoan vào thân cây kiểm tra đường kính, chất lượng lõi. Thực trạng trên khiến nhiều người nghi ngờ, liệu đây có phải chiêu “nhử mồi”, sau đó bán cây giống với giá cao.
ĐỘT BIẾN GIÁ
Huỳnh đàn còn gọi là cây sưa (tên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain). Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người lùng sục mua loại cây này với giá hàng tỉ đồng. Vì có giá trị kinh tế cao nên thời gian qua liên tục xuất hiện “huỳnh đàn tặc” lén lút chặt hạ cây có tuổi thọ hàng chục năm trên các đường phố thuộc các thành phố lớn, sau đó bán sang Trung Quốc để trục lợi. Tuy nhiên, đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào khẳng định, những người mua loại cây này là ai, dùng vào việc gì, tại sao có giá trị cao như vậy.
Tại Phú Yên, cách đây chừng 7 đến 8 năm, cây huỳnh đàn giống mà người dân thường quen gọi là huỳnh đàn đỏ được những người từ các tỉnh phía Bắc mang vào bán với giá từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/cây. Nghe đồn về giá trị của loại cây này, nhiều người dân, nhất là ở các huyện miền núi mua về trồng trong vườn nhà mà không cần biết nguồn gốc xuất xứ, có phải là loại huỳnh đàn có giá trị kinh tế cao hay không.
Qua tìm hiểu được biết, người mua ít từ 5 đến 10 cây, nhiều thì hàng trăm cây. Cũng như bao người dân khác, ông Huỳnh Ngọc Công ở xã Đức Bình Đông, Sông Hinh mua 14 cây từ năm 2005, trong đó trồng 10 cây trong vườn nhà và 4 cây tại bờ ranh đất rẫy. Hiện những cây trong vườn nhà cao trung bình khoảng 7m, đường kính gốc hơn 20cm. Mới đây, có nhóm người ở tỉnh Vĩnh Phúc tới trả mua 7 cây, giá 25 triệu đồng/cây.
“Trước khi mua, họ dùng khoan khoan vào thân cây kiểm tra đường kính lõi từ 6cm trở lên mới mua, sau đó cắt lấy chiều dài từ gốc lên khoảng 3m. Có điều lạ là trong buổi sáng trước đó, có người đến trả giá một cây huỳnh đàn chỉ 1,5 triệu đồng rồi bỏ đi, đến chiều cùng ngày quay lại nâng giá lên 15 triệu đồng nhưng tôi không bán”, ông Công cho biết.
Mua cây giống và trồng cùng thời điểm với ông Công còn có ông L.D ở cùng xã. Ông L.D trồng khoảng 100 cây huỳnh đàn cùng loại, nhưng nhóm người này không chọn mua được cây nào với lý do lõi không đạt yêu cầu. Theo một số người dân xã Đức Bình Đông, phần lớn cây giống huỳnh đàn họ mua lại của một người dân trong xã tên N.T.H, quê gốc ở tỉnh Vĩnh Phúc. Người này mua cây giống ở đâu không rõ, vận chuyển về xã bán với giá 12.000 đồng/cây cách đây từ 7 đến 8 năm.
Không chỉ ở huyện Sông Hinh, thời gian gần đây, tại huyện Sơn Hòa cũng có nhiều nhóm người lùng sục tìm huỳnh đàn nhưng họ mua rất “khiêm tốn”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả một xã, họ chỉ chọn mua một vài cây, người dân không biết họ mua để làm gì, vận chuyển đi đâu. Tuy nhiên, một người dân tiết lộ, họ nghe nhóm người mua huỳnh đàn nói, cây được bán sang Trung Quốc nhưng không cho biết giá cả bao nhiêu, dùng vào việc gì”.
HUỲNH ĐÀN “KHÔNG CHÍNH CHỦ”
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cây huỳnh đàn được người dân trồng phân tán, rải đều khắp các địa phương nên không thể quản lý, thống kê được số lượng. Người ít thì trồng 10 cây, nhiều thì 50 cây. Cách đây khoảng 10 năm, cây huỳnh đàn được bày bán tại ngã tư xã Đức Bình Đông nhưng không biết chủ là ai.
Ông Sự cho biết thêm, năm 2012, có người của Công ty TNHH Cây trồng Quyết Thắng ở tỉnh Hưng Yên đến giới thiệu cây gỗ sưa đỏ (huỳnh đàn đỏ) với nội dung: “Xin được phát động phong trào tận dụng đất để trồng và phát triển kinh tế hộ gia đình từ việc trồng cây gỗ sưa đỏ.
Công ty tự chọn mô hình nhỏ ở các xã, mỗi xã chọn ra các ban để thực hiện. Công ty xin chịu trách nhiệm về nguồn giống đạt tiêu chuẩn. Hộ dân tham gia mô hình phải chịu trách nhiệm trồng, bảo vệ và một mô hình không quá 300 cây. Cây có thể trồng phân tán hoặc tập trung, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của nhân viên công ty theo định kỳ, sau đó sẽ đánh giá kết quả mô hình để nhân rộng ra các địa phương khác…”.
Ngoài ra, Công ty TNHH Cây trồng Quyết Thắng còn cung cấp tài liệu tham khảo và quy trình kỹ thuật trồng cây gỗ sưa đỏ quý hiếm và bảng báo giá tại thời điểm năm 2012 là 15.000 đồng/cây. “Một cây huỳnh đàn đỏ khoảng 10 năm tuổi giá trị từ 8 đến 10 triệu đồng. Nếu bà con trồng 1.000 cây 10 năm tuổi thì giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng”, công ty này khẳng định.
Tuy nhiên, khi ông Sự đề nghị cung cấp giấy tờ kiểm định và nguồn gốc cây giống thì người đại diện Công ty TNHH Cây trồng Quyết Thắng không chứng minh được bằng văn bản, mà chỉ đưa ra bản tiếp nhận công bố tiêu chuẩn số 348 ngày 3/8/2009 của Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên gửi công ty, trong đó nêu rõ: “Ngày 22/7/2009, Sở NN-PTNT Hưng Yên nhận được hồ sơ công bố tiêu chuẩn của Công ty TNHH Cây trồng Quyết Thắng.
Bản tiếp nhận này chỉ ghi nhận sự công bố tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, không có giá trị chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định trong những quyết định khác có liên quan”.
Qua đối chiếu các giấy tờ của công ty này cho thấy, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế số 090058434 (đăng ký lần đầu ngày 9/6/2010) với 22 mục ngành, nghề kinh doanh cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong khi đó, ngày 22/7/2009, công ty này đã có bản công bố tiêu chuẩn gửi Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên.
Điều này cho thấy, trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty này đã gửi bản công bố tiêu chuẩn cho Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên để được xác nhận tiêu chuẩn cây giống huỳnh đàn đỏ và một số loại cây khác? Ông Sự cho biết thêm, từ đó đến nay, không thấy công ty này quay lại cung cấp giấy tờ theo yêu cầu của Phòng NN-PTNT huyện.
Như vậy, cây huỳnh đàn được bán trên thị trường Phú Yên như đã nêu trên chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, xác nhận nguồn gốc. Giá trị, hiệu quả kinh tế của loại cây này cũng chưa được ngành chức năng đánh giá. Từ thực tế trên nhiều người lo ngại, việc bỏ tiền ra mua một cây lớn, để rồi bán được hàng triệu cây con, rất có thể chỉ là chiêu “thả con tép, bắt con tôm” lừa bịp người dân để trục lợi.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm là một trong những yếu tố quan trọng cho những mô hình trang trại, đặc biệt đối với chăn nuôi của người dân ở tỉnh ta hiện nay. Xác định rõ tầm quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân; trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tổng số tiền hỗ trợ cho mô hình là hơn 60 triệu đồng. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 3-2014, đến nay sau 7 tháng trọng lượng cá đạt 1 - 1,2kg, hạch toán kinh tế đối với mô hình nuôi cá chép lai V1 với giá thị trường hiện nay là 50.000đ/1kg thì lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với nuôi các loại cá truyền thống khác.
Đó là tâm sự của nhiều ND sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh. Họ nói rằng, bản thân dù làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng chỉ cần một trận mưa lớn, hay giá thị trường lên xuống thất thường là cầm chắc…lỗ! “Chẳng bì với ND Hàn Quốc, họ sản xuất với đủ thứ máy móc, từ cắt lúa đến hái bắp, từ trồng rau đến vắt sữa bò... Đến mùa thu hoạch thì họ chưa kịp gọi điện đã có người tới ruộng trả tiền; rồi cho xe cắt, hái.
Xác định rõ điều đó, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập nhưng vì nhiều lí do, việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến thu nhập, phát triển sản xuất tại các địa phương vẫn còn gặp khó khăn. Sau gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, toàn tỉnh vẫn còn 15 xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí.
Trong quý I năm 2014, do trời mưa kéo dài và rét đậm nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất của 319ha/348ha chè kinh doanh ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Đặc biệt, đợt mưa lũ trong quý III vừa qua cũng đã làm nhiều diện tích chè kinh doanh ở các xóm của xã Tân Cương có địa hình thấp nằm dọc theo sông Công, như: Soi Vàng, Guộc, Gò Pháo, Hồng Thái 1, Hồng Thái 2... bị xói bật gốc, sạt lở.