Một số kỹ thuật chăm sóc và khai thác cao su tiểu điền có hiệu quả
Để cao su tiểu điền phát triển bền vững thì người trồng cao su cần nhìn nhận và xem xét lại các định mức về quản lý, chăm sóc vườn cây đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo năng suất, có thu nhập và vẫn giữ vững vườn cây cao su, tránh trường hợp khi giá cao thì trồng, khi thu hoạch được lại mất giá thì bỏ mặc hoặc chặt bỏ đi vào vòng xoáy chặt – trồng – chặt, hoặc khai thác một cách cạn kiệt không mang tính bền vững. Từ thực tế đó người trồng cao su tiểu điền cần lưu ý và thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Vấn đề mở miệng cạo:
Do người dân vội vàng trong mở cạo khi cây chưa đủ tuổi, mở cây cạo không đúng với chiều cao thiết kế so với quy trình (vanh thân 50cm và độ cao mở miệng là 1,3m) nhưng có vườn chỉ mở chiều cao 60cm và vanh thân 35 - 40cm làm cây suy kiệt không tăng vanh thân những năm về sau, sản lượng mủ ngày càng kém, không có quy hoạch vỏ cạo, khi mở miệng cạo chiều cao 60cm, các năm cạo về sau vỏ cạo bị óc đảo sản lượng thấp, nhưng điều này rất khó sửa sai vì không có thiết kế ban đầu.
Vấn đề quản lý khai thác vườn cây kinh doanh:
- Độ sâu cạo mủ: cạo sâu cách tượng tầng 1 – 1,3mm cho mủ tốt nhất, cạo cách phần tượng tầng ≥1,3mm là cạo cạn, cạo chạm vào gỗ là cạo phạm, cạo phạm sẽ dẫn đến khô miệng cạo và vỏ không tái sinh lại được.
- Lượng hao dăm trên mỗi lần cạo xuôi là: 1,1 – 1,5mm (hao tối đa 16cm/năm) đối với d3, hao dăm 20cm đối với cạo d2.
- Lượng hao dăm trên miệng cạo ngược có kiểm soát là: 1,5 – 2mm/ lần cạo (Hao vỏ tối đa 3cm/tháng).
- Với nông dân 1 năm cạo 35 - 40cm/năm. Do vậy 1 năm cạo bằng 2 năm vì vậy vỏ nguyên sinh chỉ có 6 - 8 năm là không còn và không có quy hoạch vỏ cạo, không quản lý được độ sâu cạo phạm, cạo sát dẫn đến không cạo lại được vỏ tái sinh.
- Chu kỳ cạo: d3 (cạo 3 ngày 1 lần)
Vấn đề sử dụng thuốc kích thích:
Thuốc kích thích là loại hóa chất kích thích mủ được sử dụng có hoạt chất Ethephon và hợp chất kích thích bằng khí Ethylene (Rrimf low), các sản phẩm khác có tên trong danh mục thuốc BVTV do Bộ NN & PTNT ban hành.
Nồng độ hoạt chất sử dụng là: 2,5% cho cây từ 1-18 năm tuổi khai thác và 5% là nhóm cây 18 năm tuổi khai thác đến khi tận thu thanh lý vườn cây.
Liều lượng sử dụng thuốc kích thích: Cây cạo có tuổi từ 1 - 5 bôi 0,5 – 1g/cây/lần, cây cạo có tuổi từ 6 - 10 bôi 0,75 – 1,5g/cây/lần, cây cạo có tuổi từ >10 bôi 1,75 – 2g/cây/lần.
Khoảng cách lần giữa các lần bôi thuốc kích thích là 3 tuần.
Thuốc kích thích được coi là yếu tố điều tiết cường độ cạo dễ dàng và có hiệu quả nhất, ta có thể tăng giảm nồng độ, số lần bôi phù hợp với dòng vô tính, tuổi cây tình trạng sức khỏe của cây. Tuy nhiên không nên lạm dụng kích thích, việc áp dụng quá mức thuốc kích thích sẽ dẫn đến suy kiệt hệ thống ống mủ và cuối cùng là khô mủ.
- Chỉ sử dụng thuốc kích thích khi cây sinh trưởng bình thường, kỹ thuật cạo tốt.
- Không bôi thuốc kích thích cho những cây bị cụt ngọn, cây bị bệnh nặng, cây có dấu hiệu khô mặt cạo hoặc cây quá nhỏ.
Thời vụ áp dụng kích thích mủ:
- Bôi chất kích thích vào các tháng 5, 6, 7, 10, 11 và 12.
- Bôi chất kích thích trước nhát cạo kế tiếp 24 giờ - 48 giờ.
- Không bôi khi cây còn ướt hoặc lúc trời sắp mưa.
- Không được bôi khi thời tiết khô hạn, mùa rụng lá qua đông.
Phương pháp bôi chất kích thích mủ.
- Phương pháp bôi trên vỏ tái sinh (Pa: Panel application): Khuấy đều chất kích thích trước khi sử dụng, dùng cọ hoặc bàn chải bôi một băng rộng 1,0 cm, mỏng đều trên vỏ tái sinh tiếp giáp với miệng cạo.
- Phương pháp bôi trên miệng cạo không bóc lớp mủ dây (La: Lace application): Khuấy đều chất kích thích trước khi sử dụng, dùng cọ hoặc bàn chải bôi một lớp mỏng đều ngay trên miệng cạo. Phương pháp này áp dụng cho miệng cạo úp.
Vấn đề phân bón.
Cây cao su cũng như các loại cây trồng khác, cần được bón phân hợp lý và đầy đủ thì mới bảo đảm sự tăng trưởng và năng suất. Ngoài bón phân vô cơ hàng năm chúng ta nên bón phân hữu cơ nhất là các loại phân vi sinh để cải tạo đất, nâng cao hàm lượng hữu cơ, giúp gia tăng mức độ hấp thụ dinh dưỡng cho cây (Tùy theo độ tuổi của cây mà hàng năm ta cần bón lượng phân hữu cơ và vô cơ như sau: Lượng phân vi sinh hoặc phân hữu cơ khác cần bón cho 1ha từ 1500kg – 2000kg/năm và lượng phân vô cơ cần bón cho 1 năm/ha là: Năm cạo từ 1 – 10 là Ure: 152kg, Lân: 400 kg, kali: 117 kg; năm cạo từ 11 đến 20: ure:277 kg, lân: 500 kg, kali: 167).
Thông thường đối với người trồng cao su tiểu điền, mỗi lần sử dụng thuốc kích thích là bón phân vô cơ, hàng năm lượng phân vô cơ sử dụng rất lớn trên vườn mà ít quan tâm đến phân hữu cơ. Bón phân vô cơ nhiều chỉ tập trung giải quyết một cách tức thời, không có tính bền vững, hậu quả độ màu mỡ của đất ngày càng suy kiệt nhanh chóng.
Không cho phép sử dụng phân chuồng, phân bắc chưa hoai và chất thải công nghiệp, chất thải các nhà máy chế biến chưa qua xử lý theo đúng quy định Nhà nước trên vườn cây cao su kinh doanh.
Vấn đề chăm sóc.
Vào cuối mùa khô, cây cao su cũng nghĩ đông có thời kỳ thay lá. Bộ lá cũ rụng xuống trả lại 10% chất mùn và dinh dưỡng cho cây (theo viện nghiên cứu cao su). Tuy nhiên, thông thường bà con nông dân đốt lá chủ động phòng cháy trong mùa khô.
Vấn đề này nơi nào cần thiết có thể đốt để đảm bảo không xảy ra cháy (như đường đi), song nên giữ lá rụng trên vườn để tăng độ phì đất. Đốt lá trong mùa khô nhiều lần, nhiều năm liên tục làm phá vỡ cấu tượng đất, phần rễ long hút sẽ bị cháy, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của năm sau.
Có thể bạn quan tâm
AT 8-3-8 là sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sinh học Nông nghiệp Văn Giang (VAB Co) - một trong những công ty hàng đầu về nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao các loại chế phẩm sinh học, phân bón trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Hiện cây cao su đang trong thời kỳ rụng lá và ra lá non nên rất mẫn cảm với một số sâu, bệnh như nhện đỏ, nhện vàng và bệnh phấn trắng, vàng rụng lá gây ra. Đặc biệt là bệnh phấn trắng thường xuất hiện và gây hại nặng cho cây trong thời kỳ này.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay thì rất dễ làm phát sinh các loại sâu bệnh hại trên cây cao su, nhất là vào thời điểm cây ra lá non, thuận lợi cho các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nhện đỏ, nhện vàng phát sinh gây hại.