Một Số Bệnh Thường Gặp Trên Cây Gừng
Ở nước ta, cây gừng (Zingiber officinale) được trồng phổ biến trong các hộ gia đình, chủ yếu để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Vài năm trở lại đây, gừng trở thành cây có giá trị kinh tế khá cao. Thấy vậy, nông dân đổ xô nhau chuyển sang trồng gừng. Thế là các dịch hại trước đây ít được quan tâm thì nay có dịp bộc phát. Dưới đây là một bệnh thường gặp trên cây gừng, nông dân và quý đồng nghiệp có thể sử dụng như 1 tài liệu để tham khảo.
1/ Bệnh cháy lá
Tác nhân gây bệnh là nấm Piricularia grisea
Triệu chứng gây hại: Vết bệnh đầu tiên trên phiến lá, mép lá hoặc chóp lá là những đốm xanh tái, sau đó vết bệnh lớn lên ở giữa vết bệnh có màu xám, xung quanh có viền nâu. Vết bệnh có thể lớn từ 3 – 7mm, Trên lá có nhiều vết bệnh và những vết bệnh này liên kết lại với nhau thành mảng lớn làm cháy cả lá. Cây gừng bị bệnh gây hại nặng bị cháy xơ xác lá, cây bị bệnh cho củ nhỏ và ít, làm giảm năng suất.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, gom những cây bị bệnh đem chôn.
- Chọn giống sạch bệnh.
- Mật độ trồng vừa phải bón phân cân đối NPK
- Thăm ruộng thường xuyên. Nếu phát hiện trên lá có đốm bệnh, nên ngắt bỏ để hạn chế lây lan.
- Phun thuốc Kasai, Trizole, Filia, theo nồng độ khuyến cáo.
2/ Bệnh thúi khô củ
Tác nhân gây bệnh: Do nấm Rhizoctonia solani.
Triệu chứng gây hại: Vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở bẹ lá gần mặt đất có màu nâu hoặc nâu xám, sau đó lan rộng ra, không có hình dạng nhất định, xung quanh vết bệnh có viền nâu đen. Vết bệnh có xu hướng ăn lan xuống dưới gốc làm thúi 1 phần củ gừng, vết thúi khô hơi xốp. Cây bị bệnh nặng nấm có thể làm chết cây và củ bị thúi hoàn toàn.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, gom những cây bị bệnh tiêu hủy.
- Lên liếp cao, thoát nước tốt, tránh mặt liếp bị úng ước.
- Bón phân hữu cơ hoai, không tủ rơm khị bệnh đốm vằn lên mặt liếp.
- Mật độ trồng vừa phải, bón phân cân đối.
- Thăm đồng thường xuyên. Khi phát hiện bệnh, phun Validacin, Monceren, Anvil, … .
3/ Bệnh thúi nhũn củ gừng
Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Erwinia carotovora.
Triệu chứng gây hại: Vết bệnh đầu tiên trên củ gừng có màu nâu xám, hơi mọng nước. Sau đó bết vệnh lớn lên và ăn sâu vào trong củ làm một phần củ bị thúi mềm, cắt ngang chỗ bị thúi hoặc lấy tay ấn vào chỗ bị bệnh, thấy có dịch nhờn chảy ra, ngửi có mùi hôi. Cây bị bệnh lá úa vàng cuối cùng cây gục chết. Khi thu hoạch bệnh dẫn tiếp tục gây hại làm thúi củ trong lúc bảo quản.
Biện pháp phòng trừ:
- Đối với chân ruộng thường xuyên bị bệnh gây hại, nên luân canh với cây trồng khác.
- Bón vôi để khử đất trước khi trồng.
- Chọn giống sạch bệnh, trước khi trồng nhúng củ gừng vào dung dịch sulfat đồng và phun dung dịch này vào hốc trồng để ngừa bệnh.
- Lên liếp cao thoát nước tốt. Khi chăm sóc, tránh làm tổn thương đến rễ, củ gừng.
- Khi phát hiện một vài cây bị bệnh trên ruộng, nên đào cây lên, đem toàn bộ cây và đất ra khỏi ruộng, sau đó dùng vôi rắc vào hố để khử độc. Tránh bỏ những cây bị bệnh xuống nguồn nước tưới.
- Sử dụng thuốc Kasuran, Starner để phun.
4/ Bệnh héo xanh
Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanascerum
Triệu chứng gây hại: Cây gừng đang xanh tốt, bị héo đột ngột vào buổi trưa. Cây gừng có tươi lại vào buổi chiều mát, sau vài ngày toàn bộ cây bị vàng và chết. Bệnh lây lan rất nhanh. Ban đầu chỉ thấy vài cây, sau đó bệnh có thể lan ra cả liếp trồng. Bệnh lây lan do vết thương cơ học hoặc do côn trùng gây ra. Khi nhổ cây bị bệnh lên, thân cây bị bệnh sủng nước, tách rời củ có màu sậm, ấn vào đỉnh sinh trưởng, có màu đục như sữa chảy ra và có mùi hôi đặc trưng.
Biện pháp phòng trị:
- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom những cây bị bệnh ra khỏi ruộng để tiêu hủy.
- Bón lót vôi để khử đất.
- Chọn giống sạch bệnh.
- Trước khi trồng, nhúng củ gừng vào dung dịch sulfat đồng hoặc copper – B và sau đó phun dung dịch này lên hốc trồng.
- Khi chăm sóc ruộng, tránh làm tổn thương bộ rễ.
- Để phòng ngừa bệnh gây hại, khi thấy cây gừng có hiện tượng xoắn lá thì phun thuốc Supracide để trừ rầy mềm và rệp sáp, kết hợp với thuốc trừ vi khuẩn như Kasuran, Starner, …
- Khi phát hiện bệnh, nên nhổ bỏ những cây bị bệnh để tiêu hủy, tránh bỏ những cây bị bệnh xuống nguồn nước tưới.
- Khi thấy bệnh gây hại trên ruộng, ta có thể tiến hành thu hoạch sớm để tránh thiệt hại vì bệnh lây lan rất nhanh.
- Ở chân ruộng thường xuyên bị bệnh, nên luân canh với cây trồng khác.
5/ Bệnh thúi vàng
Tác nhân gây bệnh: Do nấm Fusarium
Triệu chứng gây hại: Bệnh làm cho lá bị vàng sau đó lá rụng và chết cả cây. Bệnh làm cây chết tương đối chậm. Vết bệnh trên củ có màu nâu, làm cho củ nhăn nheo và tóp lại. Trên vết bệnh có phủ lớp tơ màu trắng. Bệnh thường gây hại trên chân ruộng bị ngập úng kéo dài.
Biện pháp phòng trừ:
- Bón vôi liên liếp để khử đất trước khi trồng,
- Lên liếp cao, thoát nước tốt, tránh mặt liếp bị đọng nước.
- Trước khi trồng, nhúng củ gừng vào dung dịch thuốc sulfat đồng và phun thuốc vào hố trồng.
- Khi chăm sóc, tránh làm tổn thương bộ rể.
- Khi phát hiện bệnh, có thể dùng thuốc Ridomyl, Aliete, Curzat
Có thể bạn quan tâm
Khi gừng gió được trồng trên những gốc cây lớn, cổ thụ đã bị gãy và mục chỉ còn lại phần nằm sát đất, phần mùn của gốc cây mục sẽ giúp gừng gió phát triển tốt
Những năm gần đây nhu cầu sử dụng gừng ngày càng nhiều, thị trường tiêu thụ mạnh, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.
Trồng gừng trong giỏ tre ngăn chặn được sâu bệnh do cách ly mầm bệnh, giúp nhà nông tiết kiệm chi phí mà lại có năng suất cao
Kỹ thuật trồng cây gừng mini là phương pháp tương đối dễ dàng ai cũng có thể thực hiện được. Nếu áp dụng thành công, phương pháp trồng này vừa có thể làm cảnh
Để đạt năng suất và chất lượng cao, nông dân cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Kỹ thuật trồng gừng đem lại năng suất chất lượng cao