Một niên vụ thất bát
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London
Cà phê càng trữ càng thua
Nhìn lại năm qua, điều đáng tiếc nhất phải nói là nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ ít ra hai cơ hội bán giá cao nhất: một xảy ra ngay đầu vụ vào giữa tháng 10-2014 và một vào giữa tháng 2-2015 ngay dịp đón Tết Nguyên đán.
Thật vậy, giá cà phê nội địa đang trầm lắng ở mức 38 triệu đồng/tấn trong tháng 9-2014 đã nhanh chóng vượt lên 41 triệu đồng/tấn vào giữa tháng 10-2014 khi cà phê nhiều nơi còn trên cây. Rồi khi đã thu hoạch xong, hàng cà phê hầu như đâu đó để sẵn chực bán, giá vụt lên lại 41 triệu đồng/tấn ngay những ngày trước Tết Nguyên đán, khi nhiều cơ sở kinh doanh đều đã đóng cửa nghỉ vui xuân.
Ngoài hai cơ hội vàng ấy, giá đều ở mức thấp, đặc biệt càng về cuối vụ giá càng xuống, thậm chí đến ngày 23-9 giá vẫn còn lập đáy sâu mới ở mức 33,5 triệu đồng/tấn trước khi bình bình vào ngày cuối vụ chừng 35 triệu đồng/tấn.
Cái bẫy giá tăng chết ở chỗ thấy giá lên mạnh đầu vụ và dịp tết, nhiều doanh nghiệp tin chắc giá càng về sau càng cao hơn như cách đi của giá thị trường nhiều năm trước, thế là người người rủ nhau “đợi giá”, thậm chí còn mua trữ với giá cao, để rồi phải chịu thua lỗ từ 5-8 triệu đồng/tấn vào thời điểm cuối vụ.
Giá xuất khẩu tăng, doanh nghiệp vẫn lỗ
Đau hơn, tưởng giá lên cao, nhiều doanh nghiệp bán xuất khẩu với mức trừ dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn, đầu vụ có người bán cà phê robusta loại 2 hạt đen bể tối đa 5% trừ 80 rồi trừ 100 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB).
Nhưng giá càng về sau càng thấp, mức bán FOB co lại và có lúc loại này được giao dịch ở mức cộng 80 đô la/tấn trên giá niêm yết.
Vì thế nên cách biệt giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch với giá kỳ hạn cũng khá rộng, từ 150-180 đô la/tấn. Điều đó có nghĩa là đầu vụ ai bán xuất khẩu loại cà phê này ở mức trừ 80 đô la/tấn thì sau này phải mua giao với mức cộng 80 đô la/tấn, lỗ 160 đô la/tấn.
Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn arabica New York
Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn suốt niên vụ 2014-15 cũng đi theo chiều xấu, càng lúc càng chìm sâu.
Giá kỳ hạn ngược chiều thông tin
Trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các doanh nghiệp Việt Nam thường lấy giá để tham chiếu, đỉnh giá nằm tại thời điểm mới vào vụ mức 2.214 đô la/tấn thì đáy sâu nhất 1.511 đô la/tấn lập ngày 22-9 khi còn một tuần nữa là chấm dứt niên vụ cũ, mất 703 đô la/tấn. Giá mở màn ngày 1-10-2014 ở mức 2.106 đô la/tấn thì ngày cuối vụ 30-9-2015 chỉ còn 1.557 đô la/tấn, mất 549 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).
Giá kỳ hạn arabica New York cũng đi một nhịp với giá nội địa tại Việt Nam và giá kỳ hạn robusta London.
Vào đầu vụ, một hãng kinh doanh cà phê đa quốc gia bất ngờ bắn tin rằng hạn hán trầm trọng xảy ra tại Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới.
Giá cà phê tại Mỹ đang nằm mức 208 xu/cân Anh (cts/lb) nhảy lên 228 cts/lb hai tuần sau đó, tăng 20 cts/lb tương đương với 440 đô la/tấn!
Đợi đến Tết Nguyên đán Việt Nam, khi giao dịch trầm vắng, họ lại bắn thêm một tin hạn hán khác, giá sàn này có dịp tưng lên 190 cts/lb sau một thời gian chìm nghỉm, phụ đẩy giá robusta tăng lên mức trên 2.100 đô la/tấn, nhưng cuối năm giá có lúc chỉ còn 115 cts/lb, cà phê arabica mất hẳn 2.500 đô la/tấn so đỉnh với đáy! (xin xem biểu đồ 2)
Có lẽ khỏi cần phải nói thêm, mức độ hạn hán có trầm trọng hay không, cho dù thời tiết có cực đoan chi lắm, thì cũng không đến nỗi phải tăng nhanh và mạnh để rồi sau đó giá sụp liên hồi.
Như vậy mục đích của người bắn tin hạn hán chỉ nhằm đầu cơ, trục lợi, đánh trúng tâm lý thị trường và cách kinh doanh bầy đàn của nước khác để bán tồn kho hay ngăn nước khác xuất khẩu hầu bán hàng được mùa trước đó từ Brazil và các nước xuất khẩu arabica.
Giá kỳ hạn đóng cửa hôm qua 2-10 sàn robusta chốt mức 1.578 đô la/tấn, tăng 22 đô la so với ngày đầu niên vụ nhưng giảm 18 đô la/tấn so với tuần trước; sàn arabica tăng 1,6 cts/lb từ 122.70 cts/lb tuần trước lên 124.30 cts/lb tuần này.
Giá cà phê nội địa sáng nay quanh mức 35-35,5 triệu đồng/tấn.
Thị phần mất oan uổng
Nếu nói thị trường là nơi phản ánh trung thực nhất cung-cầu, thì với cách đi của giá trên các sàn kỳ hạn và thị trường nội địa của niên vụ vừa qua như cái bẫy:
Dáng ra phải lưu ý thị trường rằng hạn hán vừa phải, nhu cầu tiêu thụ cà phê không thiếu như người ta vẽ ra. Thế mà thị trường cà phê nội địa Việt Nam cả năm vừa qua đều tin theo các nguồn tin ấy!
Đến nỗi khi mất thị phần xuất khẩu, nhiều người vẫn nại lý do Việt Nam mất mùa cà phê chứ không phải do rủ nhau đầu cơ trữ hàng gây thiệt hại lớn cho ngành và cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ước tính của Tổng cục Hải quan cho rằng cả niên vụ 2014-15 xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ đạt chừng 1,2 triệu tấn, tức bình quân mỗi tháng 100.000 tấn, giảm khoảng 20.000-30.000 tấn so với trung bình vài năm trước đây, giảm chừng 30% so với niên vụ trước.
Con số mới hiện có do Tổ chức Cà phê Thế giới phát hành cho rằng trong mười tháng đầu niên vụ, xuất khẩu cà phê của thế giới đạt 92,9 triệu bao (60 kg x bao) giảm 2,8% thì việc xuất khẩu cà phê Việt Nam năm qua giảm 30% nói lên rằng thị phần xuất khẩu cà phê nước ta đang về tay ai đó.
Kế hoạch trữ hàng đợi giá tăng thêm một lần nữa thất bại hoàn toàn.
Nhiều cư dân tại vùng sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu thất điên bát đảo vì một mặt thua lỗ, mặt khác cà phê được cất quá kỹ nên không có hàng ra trên thị trường để các doanh nghiệp xuất khẩu mua nhằm giao hàng thực hiện hợp đồng, dù vậy giá cứ ì ạch.
Có thể khẳng định rằng những đề nghị, chương trình trữ hàng trước đây nếu nhiều doanh nghiệp có lời hầu hết đều “ăn may” do giá thị trường tăng chứ không phải là một phương sách hay công cụ kinh doanh hữu hiệu như năm vừa qua đã minh chứng.
Hãy chọn một phương cách mua bán mới, thâm nhập đúng chuỗi cung ứng, sử dụng đầy đủ các công cụ kinh doanh hàng hóa cà phê thì mới mong thoát khỏi cảnh mất mùa, mất giá, mất cả thị phần.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, ở huyện Cư M’Gar, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hộ mạnh dạn cưa đốn hàng nghìn ha cà phê vối hết chu kỳ kinh doanh, chọn chồi tái sinh để ghép chẻ nối ngọn bằng các dòng cà phê vô tính chọn lọc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình anh Ama Nghé, ở xã Ea Tur là một điển hình với 1 ha cà phê sau khi cưa đốn chọn chồi tái sinh và ghép chẻ nối ngọn đã cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Trong khi giá heo và gia cầm đang trên đà tuột dốc thảm hại thì giá bò ở Bình Định vẫn đứng ở mức cao, đầu ra rất thênh thang. Những hộ chăn nuôi bò ở tỉnh này đang tở mở ăn nên làm ra.
Vùng tây nam Nghệ An mấy ngày qua nắng nóng trên 41oC; khu vực Cửa Rào (Tương Dương); Châu Khê, Cam Lâm (Con Cuông) nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 42oC.
Ngày 14-5, PGS.TS Dương Nhựt Long - trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt (Đại học Cần Thơ) - cho biết vừa thu hoạch hai ao tôm càng xanh vốn là ao nuôi cá tra trước đây tại An Giang với kết quả “một lời một”.
Ở Lâm Đồng, “Gạo Cát Tiên” là sản phẩm lúa gạo duy nhất được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Đó là loại gạo được sản xuất từ giống lúa OM 4900.