Một Chặng Đường Nỗ Lực Cho Kinh Tế Tập Thể
Ngày 23-10, Đại hội lần III Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ chính thức diễn ra. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về những thành tựu của hoạt động kinh tế tập thể (KTTT) 5 năm qua, ông Hà Văn Biên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh (ảnh), cho biết:
- Nhìn chung, khu vực KTTT trong tỉnh đóng vai trò khá tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế cho địa phương. Kết quả rõ nhất là hiện nay, thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã (HTX) đã được tăng lên 1,8 lần so với cuối năm 2009.
Ngoài ra, các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng HTX, tổ hợp tác (THT) khá giỏi có tăng so với cuối nhiệm kỳ II. Cụ thể, THT tăng 557, số HTX loại khá, giỏi chiếm 61,86% (Nghị quyết giao là 60%); vốn điều lệ của HTX là hơn 171,5 tỉ đồng, tăng 2,96 lần so với cuối nhiệm kỳ II. Tỷ lệ HTX, liên hiệp HTX là thành viên Liên minh HTX là 91,2% (Nghị quyết là 90%).
Thành tựu nổi bật nhất của nhiệm kỳ qua là gì, thưa ông ?
- Đó là sự nở rộ của những mô hình KTTT có hiệu quả trong việc liên kết sản xuất, toàn tỉnh đã tăng 679 THT, HTX. Với bản chất của các thành phần KTTT là hình thành trên cơ sở tự nguyện, phát triển dựa trên sự nỗ lực của các thành viên.
Từ ý thức tự nguyện, vì lợi ích tập thể mà các thành viên HTX đã hướng đến một mục tiêu chung nhằm tạo điều kiện giúp nhau tăng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho chính mình và các thành viên tham gia.
Nhiều HTX đã linh hoạt, chủ động đổi mới trong tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tiễn, tạo được mối liên kết tốt với nội bộ thành viên, nhà khoa học, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn để xây dựng các mô hình trình diễn, cũng như tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, nâng cao kiến thức cho thành viên…
Từ đó, giúp cho HTX khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từng bước tăng số lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm so với kinh tế hộ. Một số HTX đã tranh thủ được nguồn lực để tổ chức các dịch vụ phục vụ thành viên với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo như: bơm tưới, làm đất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi, vật tư phục vụ sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nội bộ…
Đây là những cách làm hay, có sự nỗ lực từ nội tại của HTX, THT. Qua đây, xuất hiện những mô hình KTTT tiên tiến, mỗi năm thu về doanh thu lên đến hàng tỉ đồng, với quy mô lao động trên 1.000 người/mô hình. Tiêu biểu có HTX Kim Ngân (huyện Long Mỹ), HTX Thạnh Phước (huyện Châu Thành),...
Theo ông, đâu là sự nhạy bén của các HTX trong thời gian qua ?
- Các HTX đã biết nắm bắt nhu cầu thị trường, nhu cầu của tỉnh nông nghiệp đó là đáp ứng nhu cầu giống lúa, cây ăn trái chất lượng cao phục vụ gieo trồng cho nông dân như: HTX Nông nghiệp Phước Trung, huyện Châu Thành A; HTX Nông nghiệp - Nhân giống ở huyện Long Mỹ; HTX Vị Thủy I, huyện Vị Thủy; HTX Thạnh Phước, HTX Phú Thành, ở huyện Châu Thành...
Hơn nữa, để tăng thu nhập cho thành viên, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, nhiều HTX đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, xây dựng nhãn hiệu tập thể. Tính đến nay, đã có 7 HTX được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho nông sản có thế mạnh cạnh tranh của tỉnh như: quýt đường Long Trị, bưởi hồ lô Phú Thành, chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang, dưa hấu VietGap... Những sản phẩm này đã từng bước khẳng định được thương hiệu, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
5 năm qua, Liên minh HTX đã thể hiện vai trò, chức năng của mình ra sao, thưa ông ?
- Trong 5 năm qua, Liên minh HTX đã chủ động kết hợp với các địa phương kịp thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các hộ gia đình, các thành viên để vận động, tư vấn, hỗ trợ thủ tục cho bà con khi có nhu cầu thành lập THT, HTX mới. Vì vậy, trong nhiệm kỳ đã thành lập mới các THT, HTX vượt kế hoạch về số lượng, chất lượng tăng hơn so với nhiệm kỳ trước.
Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, địa phương hỗ trợ cho 23 dự án (1 THT, 22 HTX) với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, giúp các tập thể này có tư liệu sản xuất, vốn mở rộng các loại hình kinh doanh, tăng lợi nhuận khoảng 1,5 lần so với trước khi thực hiện dự án.
Ngoài ra, còn phối hợp với các sở, ngành tỉnh trong việc hỗ trợ khoa học, công nghệ, xúc tiến thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, thay đổi giống cây trồng vật nuôi, bảo quản, chế biến nông sản, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, xây dựng quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX…
Qua 5 năm, số tiền hỗ trợ, đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng, với hơn 70 lớp đào tạo nghề cho 2.600 lượt thành viên, người lao động trong HTX và lao động nông thôn học tập, có được nghề nghiệp, thu nhập ổn định từ các mô hình HTX, THT.
Theo ông, những điều trăn trở trong nhiệm kỳ qua là gì ?
- Hiện nay, khu vực KTTT toàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy số lượng HTX khá nhiều nhưng quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất kinh doanh; cơ sở vật chất, thiết bị sản xuất còn lạc hậu; trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu; một số HTX còn thiếu định hướng và tầm nhìn lâu dài. Nhiệm kỳ qua, mặc dù công tác xúc tiến thương mại có quan tâm nhưng kết quả còn chừng mực dẫn đến thị trường sản phẩm của HTX, THT chưa rộng, khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã hàng hóa chỉ dừng lại trên một số sản phẩm.
Đây là những khuyết điểm mà Ban chấp hành Liên minh HTX nhiệm kỳ mới sẽ phải cố gắng giải quyết để thúc đẩy hoạt động KTTT tỉnh nhà. Nhất là trong nhiệm kỳ III, sẽ tập trung thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020”, với nhiều chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để đưa thành phần KTTT tỉnh nhà lên một tầm cao mới.
Xin cảm ơn ông !
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, người dân ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của nhiều hộ dân.
Thông qua trung tâm nông nghiệp huyện, từ đầu năm đến nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Đam Rông phát triển sản xuất, chăn nuôi trong các chương trình dự án lên đến trên 3,996 tỷ đồng, bao gồm: Chương trình trợ giá cây giống cà phê Robusta, sầu riêng giống mới cho người dân các xã Đạ Tông, Đạ M’rông, Liêng S’rônh, Rô Men, Phi Liêng, Đạ K’Nàng, với tổng kinh phí 322,5 triệu đồng;
Thôn Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) được nhiều người quen gọi là “Xóm Ao”. Bởi tại đây có rất nhiều nông hộ đang triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thả cá kết hợp chăn nuôi, với khoảng 10ha diện tích ao hồ. Trong số đó có anh Nguyễn Phúc Lợi.
Trong những năm gần đây, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có hơn 40 nghìn ha rừng được bảo vệ và phát triển tốt. Mỗi năm huyện trồng mới hàng nghìn ha rừng, góp phần giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng.
Thời gian qua, chuối trồng ở các xã An Lĩnh, An Xuân, An Thọ (huyện Tuy An) bị bệnh rũ lá, sau đó chết khô mà không biết nguyên nhân. Xung quanh vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên.