Mong Ngày Hái Quả
Vượt qua mọi khó khăn, mạo hiểm ban đầu, đến nay giấc mơ chinh phục “vàng trắng” với người trồng cao su ở Điện Biên đang dần hiện thực hóa khi dòng “vàng trắng” đầu tiên sắp chảy về. Với người dân góp đất trồng cao su cũng như những người “đứng mũi chịu sào” thì ngày “hái quả” đang đến gần.
Ước mơ về một cuộc sống mới của người dân không phải không có lý do khi những vườn cao su xanh mướt, căng tràn nhựa sống phủ xanh khắp núi đồi.
Đến xã Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Pồn (huyện Điện Biên) bây giờ, hẳn ai cũng náo nức khi được tận mắt thấy những triền đồi trơ trọc trước đây giờ được phủ một màu xanh bạt ngàn cao su.
Được sự giới thiệu của đồng chí Hờ A Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, chúng tôi đến bản Đỉnh Đèo – nơi có diện tích lớn cao su được đưa vào trồng thí điểm từ năm 2008. Cũng như người dân nơi khác, người dân bản Đỉnh Đèo khi mới bắt đầu thực hiện góp đất trồng cao su cũng không ít ý kiến lo ngại khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với cao su.
Trưởng bản Đỉnh Đèo Vàng A Nhè nhớ lại: Năm 2008, bà con nghèo lắm. Lương thực thực phẩm đảm bảo cuộc sống chỉ trông cậy vào đất sản xuất. Thế nên khi được vận động góp đất để trồng cao su, bà con hoang mang, bởi chưa biết hiệu quả thế nào, chờ cao su cho mủ thì phải mất nhiều năm nữa nhưng không còn đất trồng lúa, ngô, sắn thì cái đói cận kề trước mắt.
Để đảm bảo cuộc sống cho người dân góp đất trồng cao su, ngày 30/5/2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định 16/2011/QĐ – UBND ban hành chính sách tạm thời về hỗ trợ phát triển cây cao su. Theo chính sách này, những hộ góp đất trồng cao su sẽ được hỗ trợ từ 4,5 - 7 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn được hỗ trợ cây giống cây công nghiệp ngắn ngày để trồng xen canh ở khu vực trồng cao su trong 2 năm đầu, khi cao su chưa phát tán. Những hộ góp đất cho công ty tiến hành trồng cao su sẽ được ăn chia theo tỷ lệ 10% giá trị sản phẩm sau khi khai thác (sản phẩm thô, chưa qua chế biến).
Sau những băn khoăn, chờ đợi, giờ đây, hầu hết người dân xã Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Pồn… đã có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng từ chính cây cao su trên mảnh đất này. Chị Lò Thị Hiên, bản Đỉnh Đèo, mừng ra mặt vì sắp được “gặt hái” thành quả từ việc góp đất trồng cao su. Chỉ tay về phía đồi cao su xanh tốt, chị Hiên nói: “Nhà mình trước góp 1ha đất trồng cao su. Lúc đầu cũng tâm tư nhiều lắm, nhưng giờ nhìn những cây cao su xanh tốt thế này lại được cạo mủ, ai nấy đều vui mừng”.
Xoay quanh câu chuyện sắp đón dòng “vàng trắng” đầu tiên, bà con bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn cũng rất tin tưởng và hy vọng về một cuộc đời mới. Ngồi quanh ấm trà nóng, những câu chuyện về việc công ty tạo điều kiện cho người dân trồng xen canh cây nông nghiệp dưới cây cao su, hay chuyện con em trong bản được tuyển vào làm công nhân… như làm ấm cả không gian giá rét những ngày cuối năm.
Ông Quàng Văn Tiện, bản Huổi Chan 1, tâm sự: “Tôi đã gần 70 tuổi, nhưng chưa bao giờ thấy bà con trong bản này vui như bây giờ. Trước kia bà con làm lụng quanh năm mà đời sống vẫn khó khăn. Từ khi trồng cây cao su người dân trong vùng vừa có việc làm vừa có thu nhập ổn định vài triệu đồng mỗi tháng”.
Khi chúng tôi hỏi ông Tiện về việc cao su chuẩn bị cho mủ, ông Tiện nói như khoe: Dù chưa biết cao su có cho nhiều mủ hay không, chất lượng ra sao, nhưng có một điều nhìn những vườn cây cao su xanh ngắt, cây thẳng tắp là người dân mình vui rồi.
Với người dân các bản trong vùng trồng cây cao su trên địa bàn, giờ đây không ít gia đình đã coi việc lao động, chăm sóc ở vườn cao su là công việc chính của gia đình. Nhiều người dù chỉ là lao động thời vụ, nhưng đều vui mừng vì có thu nhập ổn định trong những tháng đi làm. Anh Lò Văn Viên, bản Huổi Chan 1 vào làm việc tại Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã được gần 4 năm, thu nhập cao và ổn định hơn so với làm nương lúa, nuôi gà… trước kia.
Còn với chị Phạm Thị Phương, Đội cao su bản Huổi Chan 1, thì việc được nhận vào công ty trở thành công nhân đã vui lắm rồi. Vì trước đây Phương không có việc làm ổn định nên thu nhập chẳng là bao; còn giờ đây đã khác, vào Nông trường được hưởng rất nhiều chính sách cũng như sự quan tâm của công ty lại có việc làm, thu nhập ổn định.
Trao đổi với anh Nguyễn Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên được biết: Có đến 95% công nhân của Công ty là người dân ở các điểm bản trồng cao su. Tất cả đều được Công ty ký hợp đồng, đóng bảo hiểm… đảm bảo ổn định cuộc sống. Năm 2016 tới đây, sẽ có hơn 700ha cao su cho cạo mủ và người dân góp đất sẽ được hưởng lợi 10% giá trị sản phẩm, tin rằng cuộc sống sẽ dần đổi thay, hướng tới xóa đói giảm nghèo.
Do đó, để tạo thuận lợi trong khâu vận chuyển, chế biến sản phẩm, Công ty đang gấp rút xây dựng Nhà máy chế biến mủ tại khu vực bản Huổi Chan 1. Dự kiến, quý II năm 2015, Công ty sẽ khởi công xây dựng và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo đầu năm 2016 sẽ bắt đầu chế biến mủ với công suất giai đoạn đầu trên 3.000 tấn/năm, giai đoạn hai trên 4.000 tấn/năm.
Cũng theo tính toán của anh Nguyễn Hồng Thắng, năm đầu tiên khai thác dự kiến năng suất mủ sẽ đạt trung bình từ 1 - 2 tấn/ha. Với chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su, các gia đình, cá nhân sẽ được hưởng 10% sản phẩm sau khi thu hoạch là cơ sở để người dân yên tâm liên kết với doanh nghiệp.
Niềm tin của người dân với loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” này càng được nhân lên khi Tập đoàn Cao su Việt Nam đánh giá, cao su ở Tây Bắc sinh trưởng khá, không thua kém các vùng cao su truyền thống ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ - nơi nhiều người dân đổi đời nhờ loài cây hy vọng này. Do đó, người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, người dân xã Thanh Nưa, Hua Thanh và Mường Pồn - nơi sẽ đón những dòng “vàng trắng” đầu tiên có quyền hy vọng về một tương lai no ấm.
Có thể bạn quan tâm
Chiều qua 16.11, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức cuộc họp nhằm xét các tiêu chí nông thôn mới tại 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp.
Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, không nên trộn lẫn cà phê nhân của niên vụ trước với niên vụ này để xuất bán, dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu cà phê của Việt Nam.
Đoàn thanh tra chuyên ngành, Bộ NN & PTNT phối hợp Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường-C49 vừa tiến hành niêm phong, lập biên bản xử phạt công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú vì hành vi sử dụng chất cấm gồm Vàng-ô và chất tạo nạc sabutamol.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino có khả năng tiếp tục kéo dài đến năm 2016 và trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua, ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016.
Việt Nam tham gia Hiệp định TPP sẽ có đến 184/186 chủng loại hàng hóa dệt may không phải áp dụng nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.