Mở thêm cơ hội cho lúa, cá An Giang
Cá tra được yêu thích
Được khảo sát thực tế vùng nuôi cá tra dọc theo tuyến sông Hậu trên địa bàn An Giang, đoàn doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thủy sản của TP. Trùng Khánh không khỏi trầm trồ, thích thú.
“An Giang có điều kiện rất tốt để nuôi cá tra, nhờ sự ưu đãi của dòng Mê Kông.
Chúng tôi đã khảo sát vùng nuôi, nhà máy và làm việc với một số DN lớn như Công ty Cổ phần (CP) Thủy sản Nam Việt, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish)…
Chúng tôi thấy những DN thủy sản của An Giang có diện tích vùng nuôi lớn, nhà máy hiện đại, công nhân lành nghề, năng lực sản xuất rất tốt.
Với nguồn nước tự nhiên được cung cấp từ sông Hậu, cá tra phát triển đạt yêu cầu về chất lượng.
Khi quá trình chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân Trùng Khánh rất sẵn sàng đón nhận sản phẩm cá tra của An Giang bởi đây là điều chúng tôi luôn quan tâm” – ông Liu Dong, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thủy sản đông lạnh TP. Trùng Khánh, nhận xét.
Là một DN có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu thủy sản ở Trung Quốc, ông Kuang Dong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Guang Lei Trùng Khánh, cho rằng, với dân số đông, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trùng Khánh tăng mạnh hàng năm.
“Trong cuộc sống hiện đại, người tiêu dùng ngày càng có khuynh hướng sử dụng các thực phẩm tốt cho sức khỏe, chuyển từ ăn thịt sang ăn cá nhiều hơn.
Cá tra Việt Nam thuộc họ cá da trơn, chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe nên được người dân Trùng Khánh nói riêng, Trung Quốc nói chung ưa thích.
Tại Trùng Khánh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng bình quân từ 20 – 30%/năm, trong khi An Giang lại có lợi thế nuôi cá tra đạt năng suất, chất lượng cao.
Đây là điều kiện tốt để DN hai bên hợp tác làm ăn” – ông Kuang Dong đánh giá.
Thị trường tiềm năng
Sau chuyến khảo sát vùng nuôi cá tra, các DN thủy sản Trùng Khánh đã tham gia hội nghị kết nối giao thương với DN An Giang, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh tổ chức.
Các DN nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Trùng Khánh, như: Guang Lei, Hu Mao, Tong Hao, Jiu Long Po… đã tiếp xúc, nghiên cứu sản phẩm của các DN thủy sản An Giang, gồm: Agifish, Nam Việt, Thuận An, Cửu Long, Việt An, Tuấn Anh, Đông Á…
Các sản phẩm fillet, cá tra nguyên con, cá tra cắt khúc… của DN An Giang thật sự hấp dẫn các nhà nhập khẩu đến từ thành phố đông dân Trùng Khánh. Các DN đã trao đổi brochure, bảng chào giá, địa chỉ liên hệ, năng lực cung ứng, điều kiện hợp tác… để có thể liên kết làm ăn lâu dài.
Trong chuyến làm việc lần này, bên cạnh thủy sản, DN Trùng Khánh cũng quan tâm nhiều đến mặt hàng gạo và một số nông sản khác.
Các DN nhập khẩu, chế biến gạo hàng đầu của thành phố này là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp (PTNN) Jiang Xiang và Công ty TNHH PTNN Fu Liang đã khảo sát và làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tại Nhà máy Vọng Đông; gặp gỡ, kết nối với Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Khiêm Thanh…
Đây là những DN có năng lực cung ứng gạo đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp với người tiêu dùng ở TP. Trùng Khánh.
“Chúng tôi có nhu cầu lớn về gạo chất lượng cao nhưng giá không quá đắt đỏ, đặc biệt là phải an toàn. Tôi thấy các DN lương thực của An Giang có dư khả năng đáp ứng yêu cầu này. Chúng tôi sẽ tăng cường kết nối, hợp tác với DN của An Giang để cung cấp cho người dân chúng tôi sản phẩm tốt nhất” – ông Feng Haigeng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH PTNN Jiang Xiang, nhấn mạnh.
“Chúng tôi có thể sắp xếp để các DN của An Giang sang Trùng Khánh khảo sát thị trường, đánh giá nhu cầu tiêu thụ nông sản cũng như năng lực của các nhà nhập khẩu tại thành phố này.
Tôi tin rằng, khi quá trình hợp tác được đẩy mạnh, không chỉ có cá tra và gạo, mà những mặt hàng nông sản khác của An Giang như tôm, rau màu, trái cây… cũng không khó để tìm chỗ đứng ở Trùng Khánh” – ông Đào Việt Anh, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Không sử dụng kích điện, chất nổ hay thuốc độc, người dân khu vực xã Trung Chải (Sa Pa) đánh bắt bằng phương pháp thủ công là dùng vợt và lưới để bắt cá.
Một đêm theo tàu ra biển đánh bắt cá cơm, chúng tôi chứng kiến những vất vả và sự bấp bênh bám nghề của các ngư dân...
Với 42,5km bờ biển và 3 cửa lạch lớn: Hà Nẫm, Lạch Bạng, Lạch Ghép nên hoạt động khai thác hải sản trên biển lẫn nuôi trồng nước lợ của Tĩnh Gia khá phát triển.
Phát huy thế mạnh giống gà Móng quý hiếm bản địa, bác Trần Xuân Xưởng ở Tiên Phong, huyện Duy Tiên, Hà Nam có thâm niên mấy chục năm nay nuôi giống gà này để phát triển kinh tế gia đình.
Làng Nha, phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) có anh Nguyễn Văn Tiến, được dân trong làng gọi là Tiến “trâu”. Không phải anh khỏe như như trâu mà vì hiện anh là chủ sở hữu của một đàn 300 con trâu.