Mở Rộng Diện Tích Trồng Màu Xen Mía

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao và bù đắp một phần tổn thất trong vụ mía vừa qua, trong niên vụ mía 2011-2012, nông dân vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp tập trung phát triển diện tích rau màu ngắn ngày xen với cây mía, đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại hiệu quả cao.
Trong năm 2011, do ảnh hưởng của nước lũ nên nhiều diện tích lúa, mía, cây ăn trái của nông dân Hậu Giang bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt, ở vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp, nếu như các năm trước, sau khi thu hoạch xong vụ mía, bà con tranh thủ xuống giống một vụ lúa liếp, còn năm qua hầu như không xuống giống được vì bị ngập nước khá sâu. Do đó, diện tích lúa Đông xuân 2011-2012 trên liếp của huyện giảm đi khá nhiều (khoảng 4.200ha). Để bù đắp lại diện tích lúa trên nền liếp mía đã mất, hiện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh cùng chính quyền địa phương đang vận động bà con trồng hoa màu xen với cây mía ngay đầu vụ sản xuất nhằm tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.Theo kế hoạch, trong niên vụ mía 2011-2012, toàn huyện Phụng Hiệp sẽ trồng khoảng 1.100ha hoa màu ngắn ngày xen với cây mía, tăng 530ha so với cùng kỳ năm trước, các giống màu chủ yếu như: bầu, mướp, bí, bắp, dưa leo, khổ qua,… Theo tính toán của người dân, một công mía trồng xen rau màu, qua gần 2 tháng chăm sóc, sau khi thu hoạch cho lợi nhuận từ 1,5-3 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn, nhưng phần nào giúp người dân san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại nhiều kết quả khả quan và đang được các địa phương nhân rộng. Ông Mai Thanh Rồi, nông dân trồng mía ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Năm nay, gia đình tôi đã dành toàn bộ 14 công mía để trồng màu, mô hình trồng màu xen với mía nhằm tăng nguồn thu nhập trên cùng một diện tích canh tác đã được người dân nơi đây biết đến từ lâu và tùy theo điều kiện lao động của mỗi gia đình mà diện tích trồng ít hay nhiều. Riêng năm nay, tại ấp Quyết Thắng B, nhà nào cũng trồng màu xen mía, một mặt được chính quyền địa phương vận động, mặt khác qua nhiều năm sản xuất người dân thấy đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn trồng để có tiền xoay xở”.
Năm nay, việc mở rộng nhiều diện tích trồng màu xen với mía nên vấn đề đầu ra của sản phẩm đang là điều trăn trở của bà con nông dân. Anh Nguyễn Văn Đời, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng màu xen với mía ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, bộc bạch: “Mọi năm, thị trường đầu ra của rau màu rất thuận lợi, tuy có lúc giá cả hơi bấp bênh, nhưng người dân không mấy lo lắng. Còn năm nay, bà con mở rộng trồng thêm diện tích nên tôi đang lo tới đây khi mặt hàng cung ứng dồi dào thì đầu ra sẽ gặp trở ngại. Bên cạnh nỗi lo về thị trường đầu ra, bà con nơi đây đang mong các ngành, các cấp có chính sách hỗ trợ về cây, con giống để giúp nông dân vượt qua khó khăn để an tâm sản xuất vụ mía mới”.
Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho hay, đến thời điểm này, nông dân đã cơ bản xuống giống xong diện tích trồng màu xen với mía trong vụ mía 2011-2012. Để giúp bà con giảm một phần chi phí trong sản xuất và thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện đang lập danh sách những hộ trồng màu để có chính sách hỗ trợ lại tiền mua hạt giống cho bà con. Năm nay, diện tích trồng màu xen với mía trên địa bàn huyện tăng khá nhiều so với các năm trước, nên ngay từ đầu vụ sản xuất ngành đã vận động bà con trồng đa dạng hóa các mặt hàng nhằm tránh tình trạng dội chợ, bị thương lái ép giá. Đồng thời, để có được vụ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành cũng khuyến cáo nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới nước hợp lý để cây phát triển tốt. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV phải thận trọng, đúng quy tắc để nông sản an toàn cho người sử dụng, tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt, theo dõi chặt thị trường để có hướng sản xuất hợp lý, cung ứng đúng nhu cầu của thị trường cần để thu được lợi nhuận cao.
Có thể bạn quan tâm

Theo anh Pơloong Vinh, thành viên nhóm hộ chăn nuôi bò thôn Pa Lan, từ ngày triển khai mô hình này, người dân trong thôn đều cùng nhau chăm sóc và xem như tài sản chung của cả làng. “Sau này, nếu đàn bò đẻ thêm nhiều con, chúng tôi sẽ xem xét tặng cho hộ nào khó khăn nhất để làm vốn phát triển kinh tế” - anh Vinh cho hay.

Theo mô hình tham khảo từ tổ hợp khu chức năng chợ cá quốc tế Busan (Hàn Quốc), mỗi Trung tâm nghề cá đều có các hạng mục công trình chính là: tòa nhà văn phòng, chợ đầu mối, bãi đỗ xe, khu vực kho lạnh, khu lưu giữ hải sản tươi sống, khu phân loại và cảng cá có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 20.000 tấn...

Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), năm nay, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lấy thôn là địa bàn triển khai. Đây là cách làm sáng tạo mang lại kết quả tích cực.

Vụ Chiêm xuân 2014-2015, toàn tỉnh Bắc Giang có kế hoạch xây dựng 103 cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 3.100 ha. Trong đó, xây dựng mới 49 cánh đồng mẫu và duy trì 54 cánh đồng từ năm 2014.

Đến thăm cánh đồng mẫu thôn Quang Hiển, Thanh Lương, xã Quang Thịnh, trước mắt chúng tôi là những thửa ruộng trồng dưa bao tử xanh tốt, nối tiếp nhau trải dài. Nhiều nông dân đang nhanh tay thu hái quả để bảo đảm đúng yêu cầu kích cỡ và kịp cân cho tư thương.