Mô Hình Ương Cua Bột Lên Cua Giống Biển Trong Ao Vùng Triều Ở Quảng Ngãi

Nhằm giúp nông ngư dân nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong nghề ươm, nuôi cua biển trong ao vùng triều, năm 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã thực hiện mô hình ương cua bột lên cua giống, tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, với qui mô 200 mét vuông.
Số lượng cua bột thả ươm 5.000 con, mật độ thả 25 con/mét vuông, kích cỡ 0,5 cm. Cua bột có nguồn gốc sản xuất nhân tạo từ loài cua biển bố mẹ. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân tham gia mô hình kỹ thuật về kỹ thuật ương cua.
Trước khi ương cua bột, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cải tạo ao theo các bước: tháo cạn nước, vét bớt bùn đen, thối; diệt tạp bằng Saponine, rải vôi đều khắp ao với liều lượng 10 kg/100 m2. Phơi đáy ao 03 ngày, thường xuyên tháo nước nhỉ ra khỏi ao trong thời gian phơi. Sau khi ao đã cải tạo xong, hộ tham gia mô hình tiến hành cấp nước khoảng 80cm, để yên trong 3 ngày và xử lý nước bằng Iodine, với liều lượng: 1 lít/1.000 m3. Trước ngày thả 5 ngày, màu nước chưa lên, hộ tham gia mô hình bón phân cho ao, bình quân lượng phân bón đạt tỷ lệ: 0,6 kg Urê + 0,2 kg lân/200 m2. Đảm bảo độ đục đạt 30 – 40cm, màu nước là nâu xanh.
Về khâu chăm sóc cua ương, thức ăn cho 10 ngày đầu theo công thức phối trộn: Trứng vịt 30% + Bột công nghiệp (loại số 0) hoặc cá lọc bỏ xương: 50% + Bột mì hoặc bột đậu nành: 20% + Dầu mực. Tất cả nguyên liệu được xay mịn và trộn đều sau đó đem hấp cách thuỷ. Để nguội, tính thức ăn theo tổng số lượng cua đã thả, bình quân 1,5 kg/5.000 con/ngày; mỗi ngày cho ăn 4 lần (sáng, trưa, chiều, khuya).
Thức ăn cho 10 ngày tiếp theo: Mỗi ngày cho ăn 3 lần, lượng ăn bình quân là 1,8 kg/ngày; gồm thức ăn tự chế biến như đã nêu ở trên và thức ăn công nghiệp (loại số 1).
Thức ăn cho 10 ngày sau cùng, cho ăn 2 lần/ngày, lượng ăn bình quân là 2,7 kg/ngày; gồm thức ăn tự chế biến như đã nêu ở trên hoặc thức ăn công nghiệp (loại số 2).
Tổng lượng thức ăn, mô hình đã cho ăn là 60 kg. Trong đó, thức ăn tự chế biến là 40 kg; thức ăn công nghiệp là 20 kg.
Định kỳ 1 ngày/lần, hộ nuôi luân phiên trộn thức ăn với Vitamin C, hoặc Can xi hoặc men tiêu hoá Bio Suptin, lượng 3 - 5 gam/kg thức ăn, và phủ bao ngoài bằng dầu mực để cho cua ăn.
Ngoài việc cho ăn, hộ nuôi còn chú trọng quản lý đối tượng ương, bố trí hệ thống trú núp cho cua bột trong giai lưới trước khi thả cua để ương. Trong quá trình ương, hộ thực hiện mô hình thường xuyên kiểm tra giai lưới, hạn chế tối đa cua bò, trèo thoát ra khỏi giai: Vá lại những chỗ thủng do cua lớn, còng cáy cắn; căng lưới và bạt nilon tầng trên, không có mép gấp để cua khỏi trèo ra ngoài ... Trong quá trình ương, hộ tham gia mô hình thay nước cho ao theo thủy triều lên xuống hàng ngày khi có con nước, lượng thay từ 20 – 50% lượng nước ao.
Nhờ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, sau 1 tháng nuôi, kết quả cua giống đạt kích cỡ bình quân 3,5 cm/con. Số lượng cua giống là 2.768 con, tỷ lệ sống đạt 55,36%; vượt 0,36% so với kế hoạch. Tổng thu nhập mô hình hơn 8,3 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…

Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.

Để nông nghiệp Việt Nam đứng vững và phát triển sau khi gia nhập WTO, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng mô hình nông nghiệp tiên tiến. Mô hình nông nghiệp tiên tiến là mô hình hướng công nghệ cao, có một số đặc trưng sau đây

Việt Nam là quốc gia xuất gạo lớn, nhưng tập quán canh tác lại khá lạc hậu, năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Để giảm chi phí cho nông dân, tăng giá trị loại hàng thế mạnh này, Bộ NN&PTNT đang triển khai và nhân rộng mô hình lúa gieo sạ thẳng hàng - được coi là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành lân cận thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã làm nhà vườn thất thu từ 10 đến 90% sản lượng. Có nhiều tỉnh, thành đã công bố dịch và tập trung nhiều giải pháp để phòng, trừ dịch nhằm hạn chế sự lây lan.