Mô Hình Trồng Tắc Hiệu Quả Của Lão Nông Lê Văn Sớt
Với lợi thế là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, đầu ra ổn định nên cây tắc đã được nhiều hộ dân ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách lựa chọn làm mũi nhọn phát triển kinh tế gia đình.
Khi nhắc đến mô hình trồng tắc hiệu quả phải kể đến gia đình lão nông 56 tuổi Lê Văn Sớt, ấp Tân Thạnh, xã Tân Thiềng. Gia đình ông Sớt đến với mô hình trồng tắc đến nay hơn 25 năm, buổi đầu hiệu quả không cao nhưng vài năm trở lại do thời tiết nắng nóng nhu cầu giải khát của bà con tăng cao từ đó giá trái tắc đã lên đời, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Hiện tại, gia đình ông Sớt có 7 công đất vườn, trong đó có 3 công trồng xen và 4 công trồng chuyên canh cây tắc. Trước khi đến với mô hình trồng chuyên cây tắc, do vùng đất ẩm thấp gia đình ông làm lúa, một năm 2 vụ nhưng hiệu quả không cao. Từ khi có đê bao gia đình ông tiếp tục phát huy với mô hình cây tắc. Hiện nay cây được 3 năm tuổi, cho trái quanh năm. Mỗi tháng thu hoạch khoảng 3 tấn trái với giá bán dao động từ 7-11 ngàn đồng/kg vào mùa nắng; 2-3 ngàn đồng/kg vào mùa mưa cũng giúp cho gia đình ông có nguồn thu ổn định.
Ông Sớt phấn khởi cho biết “So với các loại cây ăn trái khác tuy giá trị kinh tế không bằng nhưng nó có phần ổn định hơn, nếu ngày mai có đám tiệc, chỉ cần hôm nay bẻ một giỏ là có thể đi được cái đám”.
Khi được hỏi về kinh nghiệm trồng tắc, ông Sớt vui vẻ nói: Trồng tắc khá đơn giản, bản thân tôi cũng không có kinh nghiệm gì, chỉ biết vào mùa mưa trái tắc thường mắc bệnh ghẻ, nhưng điều trị không khó, khi cây ra trái tôi dùng tilt super + Coc 85+ thuốc sâu để xịt ngừa, cứ nữa tháng phun 1 lần. Riêng mùa nắng để cỏ trong vườn giữ ẩm cho cây tươi tốt. Còn về phân bón, tôi chỉ dùng 20-20-15+ Lân + Urê để bón cho cây vào thời điểm cây mang trái độ chừng tay cái, rãi phân giai đoạn này giúp cho trái xanh bóng và mau lớn.
Nhờ chăm sóc tốt, điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp nên cây tắc phát triển tốt và cho năng suất cao. Hơn 1.500 gốc tắc được trồng với khoảng cách 1,5m/cây, đã mang về nguồn lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm cho gia đình ông Sớt.
Trước sự thành công của gia đình ông Lê Văn Sớt, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thiềng đã mạnh dạn đầu tư vào loại cây này. Hiện nay, trái tắc rất được thị trường ưa chuộng nên có đầu ra ổn định. Chính vì thế, diện tích trồng tắc ngày càng phát triển ở địa phương. Hiện tại, xã Tân Thiềng có gần 600 hộ dân thì trong đó có hơn 50% số hộ tham gia mô hình trồng tắc. Bởi lẽ với họ, cây tắc vốn dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Trồng tắc vừa bán được trái, bán được nhánh, bán cả gốc làm kiểng tạo dáng bon sai và quan trọng trồng tắc cho thu nhập mỗi ngày, phù hợp cho tuổi già nhàn rỗi.
Khi đề cập đến mô hình trồng tắc tại ấp Tân Thạnh, Ông Phạm Văn Bé chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Tân Thạnh, xã Tân Thiềng cho biết “Nếu như trước đây Tân Thạnh có hơn 12% hộ nghèo, qua chuyển đổi cây trồng, trong đó có cây tắc, đời sống người dân nâng lên từng ngày. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của ấp giảm đáng kể còn khoảng 9%”.
Nhờ trồng tắc mà đời sống của người dân địa phương được thay đổi, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Thông thường, tắc được trồng khoảng 7 tháng thì cho trái quanh năm, nếu chăm sóc tốt bình quân mỗi năm nhà vườn thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha.
Có thể bạn quan tâm
Người chăn nuôi heo lại lâm vào tình trạng “điêu đứng” do giá heo thịt giảm mạnh. Liên tục trong gần 2 tháng qua, giá heo thịt giảm từ 4,7 triệu đồng/tạ xuống còn 3,4 - 4 triệu đồng/tạ. Hiện nhiều hộ chăn nuôi heo “tiến thoái lưỡng nan”, bởi heo đến thời kỳ xuất chuồng gặp phải lúc giá quá thấp, bán thì lỗ mà giữ lại chờ giá lên thì tốn thêm nhiều chi phí.
Trước đây, các hộ gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăn nuôi bò theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ thường nuôi từ 1 đến 2 con. Những năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên được các hộ gia đình đầu tư để phát triển đàn bò trên quy mô lớn, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con, nhiều hộ có đàn bò lên đến trên 20 con.
Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...
Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long đang đầu tư mở rộng từ 2.000 mét vuông tăng lên 3.000 mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa, Đà Lạt, dự kiến đạt tổng sản lượng trên dưới 10 tấn/năm, trong đó chiếm 70% cá tầm và 30% cá hồi. Sau 4 năm (2006 - 2010) phát triển hiệu quả nghề nuôi cá nước lạnh, từ quy mô hộ gia đình đã vươn lên thành quy mô Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long với lợi nhuận thu về ổn định hàng năm trên dưới 100 triệu đồng/1.000 mét vuông.