Loay Hoay Cá Ngừ Đại Dương
Những tưởng với sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản; hỗ trợ kinh phí đầu tư từ UBND tỉnh để ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt thí điểm theo công nghệ của nước bạn chuyển giao thì năng suất, chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định sẽ được nâng cao, hướng xuất khẩu qua Nhật Bản sẽ thuận lợi. Vậy nhưng, qua đợt thí điểm vừa qua, cá ngừ đại dương Bình Định vẫn đang loay hoay…
Ngư dân không tuân thủ kỹ thuật
Sau khi được hỗ trợ các bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật Bản và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương, 5 chủ tàu cá ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tham gia mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi đã mở 2 chuyến biển khai thác cá ngừ đại dương.
Chuyến biển đầu tiên (thực hiện trong tháng 7), ngư dân khai thác được 37 con cá ngừ, trong đó có 10 con chất lượng khá tốt được lựa chọn bán đấu giá tại Trung tâm đấu giá cá ngừ Osaka (Nhật Bản) với giá bình quân 249.000 đồng/kg. Chuyến biển thứ 2 (từ ngày 12-8 đến ngày 4-9), ngư dân khai thác được 57 con cá ngừ đại dương, trong đó chỉ có 4 con đạt chất lượng xuất khẩu được Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) thu mua với giá 108.000 đồng/kg.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, số lượng cá ngừ đại dương ngư dân khai thác được chưa nhiều, chất lượng sản phẩm của số cá được xuất sang thị trường Nhật Bản cũng không đồng đều.
Trong số 10 con được bán đấu giá, có con được bán với giá hơn 437.000 đồng/kg, nhưng cũng có con chỉ bán được với giá hơn 52.000 đồng/kg. Nguyên nhân một phần là do thời điểm ngư dân mở biển khai thác cá ngừ đại dương gió Nam mạnh, nước biển có nhiệt độ cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Mặt khác, phần lớn bà con ngư dân chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.
Qua thực tế 2 chuyến biển cho thấy, ngư dân tham gia mô hình chưa sử dụng thuần thục bộ thiết bị, công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản và cũng chưa áp dụng tốt quy trình xử lý, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề tồn tại ngoài kỹ thuật.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifisco, cho rằng: Tổ trưởng mô hình chưa làm hết trách nhiệm nên việc liên kết giữa các chủ tàu cá tham gia mô hình chưa chặt chẽ và cũng không thống nhất. Doanh nghiệp liên hệ với ngư dân để bàn bạc thu mua sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Có một chủ tàu cá không tuân thủ hợp đồng đã ký kết, bán sản phẩm cho một doanh nghiệp khác.
Phải làm cho được
Tại hội nghị đánh giá hiệu quả câu cá ngừ đại dương theo công nghệ của Nhật Bản vừa được tổ chức tại Bình Định, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, nhằm giúp ngư dân khắc phục hạn chế trong quá trình ứng dụng vào thực tế, đồng thời hỗ trợ ngư dân cải tạo lại hầm bảo quản sản phẩm.
Cũng theo ông Trần Văn Vinh, cần thành lập thêm nhiều mô hình ứng dụng thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật Bản để đối chứng, so sánh và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các ngư dân tham gia các mô hình, qua đó tăng sản lượng cá ngừ đạt chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. UBND huyện Hoài Nhơn kiểm tra lại việc chỉ đạo, điều hành của tổ trưởng mô hình hiện nay.
Bà Cao Thị Kim Lan cam kết Bidifisco tiếp tục mua sản phẩm cá ngừ đại dương đảm bảo chất lượng của ngư dân cao hơn 20% so với giá thị trường tại thời điểm và sẽ thưởng thêm cho ngư dân nếu cá ngừ đạt chất lượng cao. Công ty cũng sẽ cung cấp nước đá cao cấp và cho ngư dân ứng trước tiền để làm thùng xốp bảo quản cá, nếu ngư dân có nhu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc khẳng định: Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là hướng đi đúng, cần phải quyết tâm thực hiện bằng được. Để làm được điều đó, trong tháng 9 này, Sở NN-PTNT phải xây dựng xong đề án đánh bắt cá ngừ đại dương trình UBND tỉnh xem xét.
Bên cạnh việc củng cố mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi tại huyện Hoài Nhơn, Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng thêm 4 mô hình khác tại huyện Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, mỗi tổ khoảng 5 chủ tàu, chọn những ngư dân có tâm huyết, tự nguyện tham gia mô hình.
Ngư dân tham gia các mô hình sẽ được ưu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng tàu mới và mua các trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ... theo tinh thần Nghị quyết 67 của Chính phủ, tỉnh sẽ đứng ra bảo lãnh nguồn vốn vay.
Ông Lê Hữu Lộc cũng khẳng định UBND tỉnh Bình Định sẽ nhập thêm các bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho ngư dân. Bidifisco cần công bố công khai giá mua sản phẩm cá ngừ đại dương từng loại và có chính sách khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây dư luận đã phản ánh nhiều về việc Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên một số loại cây trồng chính trên địa bàn tỉnh đã vô hình gây nên tình trạng “ngăn sông cấm chợ” và có dấu hiệu bất thường trong định hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng xấu tới sản xuất, kinh doanh của người dân…
Các doanh nghiệp cho rằng việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ hầu như không có tác động đến tình hình xuất khẩu hiện tại.
Sau những lần trắng tay với cây điều, cuối cùng ông Vũ Văn Nghĩa, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) không những vươn lên thành tỷ phú mà còn giúp 100 lao động địa phương có công ăn việc làm, cũng nhờ cây điều.
Dù hiện tại không vào vụ thu hoạch rộ tôm nhưng giá tôm càng xanh tại Tam Nông thương lái thu mua giảm khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với năm trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030.