Người trồng gừng lại lao đao vì dịch bệnh

“Năm nay trồng gừng như đánh bạc, yếu tố hên xui chiếm quá lớn”, anh Đỗ Văn Nở, nông dân trồng gừng ở ấp 9, xã Trí Lực, than.
Trong vụ mùa 2015 này, toàn huyện Thới Bình có khoảng 200 ha gừng, tăng gấp 3 - 4 lần so với năm 2014.
Tuy nhiên, gừng đang trong giai đoạn bắt đầu lên củ thì hơn 1 tháng qua xuất hiện bệnh thối củ, vàng lá trên diện rộng, dù chưa có thống kê cụ thể diện tích thiệt hại nhưng tình trạng bệnh diễn ra khá nghiêm trọng.
Anh Võ Minh Quân, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông nhổ những bụi gừng bị bệnh mang đi bỏ, với hy vọng hạn chế bệnh lây lan.
Trúng vụ gừng năm 2014 dù chỉ trồng 400m2, năm nay, gia đình anh Nở mạnh dạn đầu tư trồng trên 2 công.
Hiện nay, toàn bộ diện tích gừng của gia đình anh đang trong giai đoạn lên củ nhưng cũng bắt đầu xuất hiện bệnh vàng lá và thối củ. Anh Nở chia sẻ: “Hết phân lại đến thuốc rồi quay sang làm cỏ, gần như không có ngày nào ở trong nhà chăm sóc vậy mà gừng còn bị bệnh. Không biết đến thu hoạch giá cả thể nào nữa”.
Dù là chủ của một trong những rẫy gừng được xem là bệnh ít mà anh Nở còn khổ cực thế thì tại những hộ có diện tích gừng bị bệnh xảy ra nhiều, công chăm sóc gấp bội.
Mặc dù gần 12 giờ trưa nhưng vợ chồng anh Võ Minh Quân và chị Nguyễn Hồng Cẩm, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông, vẫn cặm cụi đào xới tìm từng củ gừng hư do bệnh mang ra khỏi liếp với hy vọng hạn chế lây lan.
Anh Quân lắc đầu ngao ngán: “Sau 2 ngày không ra rẫy, bệnh đã lây lan quá nhanh. Cũng đã dùng đủ mọi cách, từ thuốc, vôi… cho đến biện pháp thủ công mà không ngăn nổi bệnh”.
Theo khảo sát tại một số khu vực trên địa bàn 2 xã Trí Lực và Biển Bạch Ðông, tình trạng bệnh thối củ và vàng lá xảy ra khá nghiêm trọng.
Ðặc biệt, tại những hộ trồng theo phong trào, diện tích nhỏ, gừng bệnh gần như hoàn toàn, nhiều hộ đã buông tay để khỏi tốn thêm chi phí. Theo anh Nở, xung quanh khu vực, nhiều hộ không khống chế được bệnh đành chấp nhận bán gừng non “bỏ của chạy lấy người”.
Hiện tại giá gừng được các thương lái mua khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg đối với rẫy gừng sạch bệnh.
Còn đối với những rẫy gừng đã xuất hiện bệnh thì giá còn từ 6.000 - 8.000 đồng/kg tuỳ bệnh nhiều hay ít. Theo nhiều nông dân, với giá này, nếu đất nhà có thể kiếm lại vốn còn đất mướn phải chấp nhận lỗ khoảng 7 triệu đồng/công.
Anh Nở cho biết thêm, trồng gừng tuy năng suất cao, khả năng sinh lãi lớn nếu được giá, nhưng vốn đầu tư cũng tương đối cao. Do đó, nếu đến lứa (khoảng tháng 11 âm lịch) thu hoạch mới có khả năng mang về lợi nhuận, còn bán gừng non trong giai đoạn này thì hoà vốn là mừng.
Gừng là loại phát sinh ngoài kế hoạch sản xuất của huyện, tỉnh, do đó từ công tác giống cho đến khoa học - kỹ thuật, đầu ra sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Từ những hạn chế đó khiến người trồng gừng hiện nay đang lâm cảnh khó khăn do bệnh hoành hành. Mặt khác, từ nay đến cuối vụ vẫn chưa thể biết trước được khó khăn gì kế tiếp, nhất là đầu ra.
Anh Quân chia sẻ: “Nếu thêm khoảng 5 - 6 ngày nữa không thể khống chế được bệnh lây lan chắc đành chấp nhận bán gừng non, thu vốn lại được bao nhiêu thì được chứ đã hết cách”.
Trước tình trạng bệnh trên gừng trồng của người dân đang xảy ra ngày một nghiêm trọng như hiện nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết, tình trạng bệnh thối củ của gừng hiện nay là do người dân bón thừa phân đạm.
Sở đã cử cán bộ kỹ thuật vào kết hợp với huyện tìm giải pháp khắc phục cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm

Ông Phạm Tiện (trú thôn 7, xã Hương An, Quế Sơn) bị mù cả 2 mắt nhưng nhiều năm liền được khen tặng là nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ trở về, với sản lượng tôm, cá cả trăm tấn. Trái hẳn với tâm trạng háo hức mang thành quả lao động từ biển về, phần lớn những ngư dân mà chúng tôi gặp tại đây đều buồn rười rượi.

Vụ nuôi tôm hùm vừa qua nhờ tôm ít bị bệnh, giá bán lại cao nên nhiều hộ dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) có thu nhập hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng ngư dân “mạnh tay” đầu tư vốn để phát triển lồng bè nuôi tôm một cách tự phát đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại và vỡ quy hoạch vùng nuôi.

Mới đây, tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Lộc Ninh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Lộc Ninh" cho 14 nông dân trồng tiêu tiêu biểu.

Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.