Trang chủ / Cây ăn trái / Chuối

Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu đầu tiên ở huyện Long Hồ

Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu đầu tiên ở huyện Long Hồ
Tác giả: Thành Hiệp
Ngày đăng: 03/10/2017

Hiện nhiều bà con nông dân ở Vĩnh Long trồng giống chuối già Nam Mỹ để xuất khẩu, bước đầu mang lại hiệu quả phấn khởi.

Ông Đặng Văn Nho (Hai Tuấn) giới thiệu buồng chuối già sắp sửa bao trái

Tuy nhiên cũng có một số nhà vườn chưa tìm được đầu ra, khiến sản phẩm bị ứ đọng, thậm chí phải nhờ “giải cứu”. Nguyên nhân chính là do trồng tự phát, không theo quy hoạch và không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Rút kinh nghiệm từ thực tế cay đắng đó, ông Đặng Văn Nho (Hai Tuấn) ở ấp Phước Trinh B, xã Long Phước, huyện Long Hồ đã xây dựng mô hình trồng chuối già xuất khẩu một cách bài bản và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Hiện ông đang mở rộng diện tích được 3ha với khoảng 4.500 cây. Đất chia làm 8 lô, giữa mỗi lô đều có mương thoát nước. Sau hai năm chăm sóc, vườn chuối đã phát triển sum suê, hầu hết đều trỗ buồng, cho năng suất tốt.

Ông Nguyễn Văn Tánh, người phụ trách kỹ thuật cho biết, chuối già rất dễ trồng nhưng trồng để xuất khẩu đòi hỏi nhà vườn phải nắm vững các quy trình kỹ thuật từ lúc xuống giống cho đến lúc thu hoạch. Người trồng phải thường xuyên theo dõi, ghi chép kỹ lưỡng thời gian trổ buồng của từng cây để xử lý từng công đoạn như: Cắt bỏ lá vàng úa; soi nụ (bẻ nụ); tỉa trái (đối với nải nào quá sai hoặc không đạt chất lượng, bình quân mỗi nải chỉ giữ lại khoảng 25 trái); sau khi bẻ nụ phải che nải chuối bằng lá hoặc bằng giấy để giữ cho chuối không bị dính mũ); cắt bắp; bao nải; bao buồng… Mỗi công đoạn đều được chăm chút kỹ lưỡng nhằm bảo đảm cho trái chuối sau khi thu hoạch phải sạch, đẹp, bóng, không bị tì vết.

Muốn cho trái chuối đạt tiêu chuẩn, chất lượng bảo đảm trước khi đóng gói, người trồng còn phải thường xuyên cắt lá già, dùng cây chống hoặc buộc dây chằng cho cây không nghiêng ngả và các buồng chuối không bị va chạm.

Ông Nguyễn Văn Tánh, người phụ trách kỹ thuật đang bao chuối

Ông Tánh cho biết công đoạn tỉa trái rất quan trọng, chính nhờ tỉa bỏ bớt những nải trái dầy, khít sẽ giúp cho những trái còn lại lớn đều, lớn nhanh và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu tiếc chừa lại sẽ ảnh hưởng cả buồng chuối, công ty sẽ từ chối không nhận.

Ngoài ra, chuối xuất khẩu cũng hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không dùng chất kích thích, nhất là các loại hóa chất độc hại. Toàn bộ vườn chuối của ông Hai Tuấn đều sử dụng phân hữu cơ làm từ phân bò.

Trồng đã khó, thu hoạch lại càng vất vả hơn vì trước khi đóng thùng phải xả nải tại gốc, tiếp theo là xếp chuối vô sọt rồi vận chuyển, đưa vào bồn rửa cho thật sạch. Mỗi công đoạn đều được tiến hành một cách thận trọng, tỉ mỉ để tránh trái bị trày trụa.

Ông Hai Tuấn chia sẻ, lúc đầu đối với ông cái gì cũng mới nên ông cử người đến Long An và Tiền Giang học hỏi cách trồng và các quy trình kỹ thuật, đặc biệt là cách bảo quản trước khi xuất sang Trung Quốc thông qua các công ty trung gian ở Long An và Tiền Giang.

Năm 2016 là năm đầu tiên, ông thu hoạch trên 70 tấn trái (bình quân mỗi buồng từ 20 - 22kg), tổng thu nhập trên 600 triệu đồng, nhưng do chi phí đầu tư ban đầu quá cao nên lợi nhuận chưa nhiều. Theo tính toán của ông, năm nay sản lượng sẽ đạt trên 90 tấn, giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, chất lượng cao hơn nên lợi nhuận cũng sẽ tăng lên.

Chăm sóc từng giai đoạn khi chuối trỗ buồng

Đây là một mô hình trồng chuối xuất khẩu đầu tiên và cũng là mô hình mới nhất ở huyện Long Hồ góp phần chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó trưởng ấp Phước Trinh B đánh giá, mô hình có nhiều triển vọng. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

Cách Bón Bùn Ao Cho Chuối? Cách Bón Bùn Ao Cho Chuối?

Bùn ao là một sản phẩm tổng hợp của quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong lá cây, cỏ rác, trong xác hoặc phân của động vật thủy sinh... do vậy thành phần dinh dưỡng của bùn ao khá phong phú và được coi như một loại phân hữu cơ có giá trị, vì thế bón bùn ao cho cây chuối hoặc những cây ăn trái khác là rất tốt.

31/07/2013
Phòng Và Điều Trị Bệnh Nấm Phấn Đen Ở Chuối Phòng Và Điều Trị Bệnh Nấm Phấn Đen Ở Chuối

Nguyên nhân gây bệnh: do loại côn trùng chích hút gây ra. Loại côn trùng này bám vào mặt lá, chích hút nhựa cây, làm lá cây bị rũ xuống. Sau khi loại côn trùng này xuất hiện và gây hại một thời gian, khoảng 5-7 ngày thì xuất hiện nấm phấn đen, lúc đầu chòm nhỏ, sau lan rộng cả bề mặt của lá cây.

29/08/2013
Công Nghệ Xử Lý Chuối Già Mất Màu Xanh Sau Thu Hoạch Công Nghệ Xử Lý Chuối Già Mất Màu Xanh Sau Thu Hoạch

Chuối làm chín theo phương pháp này có vỏ màu vàng đẹp, chất lượng ngon, không bị rụng cuống và có thời gian bảo quản lâu hơn so với chuối bằng phương pháp thông thường (rấm chín bằng đất đèn truyền thống).

30/08/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.