Mô Hình Trồng Bí Xanh Lai Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Thời gian gần đây, nhiều mô hình cây trồng mới đã góp phần giúp nông dân xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, có thu nhập cao.
Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở xã Đông Sơn phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, vụ xuân 2014, Trạm Khuyến nông thị xã Tam Điệp đã xây dựng mô hình trồng thí điểm bí xanh lai F1 Fuji 868 trên diện tích 3 sào, tại thôn 3, xã Đông Sơn.
Đây là giống do Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương lai tạo. Giống này có ưu điểm nổi bật là thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70-75 ngày). Cây sinh trưởng phát triển khỏe, nhánh gọn, lá dày, ra hoa tập trung sau trồng 40-44 ngày. Quả có màu xanh bóng, thon dài đều, kích thước quả trung bình, hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Đến thăm gia đình anh Phạm Bá Tuần ở thôn 3, đúng vào lúc anh cùng vợ đang tiến hành buộc ngọn bí lên giàn. Anh Tuần cho biết: “Diện tích 1,5 sào này trước đây chúng tôi chủ yếu trồng ngô, lạc, nếu tính toán chi li thì thu nhập rất thấp.
Nay trồng bí xanh theo hướng VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, một sào bí cho thu nhập cao hơn gấp 5-6 lần so với các cây trồng truyền thống. Lúc đầu vợ chồng tôi cũng băn khoăn, sợ sẽ khó khăn nhưng qua thực tế trồng, chăm sóc trong thời gian qua thì thấy giống bí này rất dễ làm.
Ngoài việc chịu rét tốt, giống bí xanh Fuji 868 còn ít sâu bệnh. Đặc biệt, cây ra hoa tập trung và tỷ lệ đậu quả rất cao. Như vụ xuân năm 2013, là năm đầu tiên trồng cây bí xanh, kinh nghiệm chưa có nhưng gia đình tôi cũng thu về 3 tấn quả/sào.
Năm nay chúng tôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên chắc chắn quả sai và to hơn. Dự tính với 1,5 sào, gia đình sẽ thu được khoảng 5 tấn quả, với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg tại ruộng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/sào/vụ. Phấn khởi hơn nữa là giống bí xanh này ruột đặc, thịt quả chắc, ăn ngon, không bị chua, dễ bảo quản và phù hợp với vận chuyển xa nên rất dễ tiêu thụ, xe của lái buôn đến tận ruộng thu mua.
Cũng là một trong những hộ tham gia trồng thử nghiệm giống bí xanh Fuji 868, bà Lương Thị Nơi phấn khởi nói với chúng tôi: Thời điểm này giá bí xanh lên cao, thương lái vào mua tận ruộng với giá 7.000 đồng/kg mà không đủ để bán. Vụ này gia đình lãi lớn, trừ chi phí gần 2 triệu đồng; gia đình tôi thu lãi 10 triệu đồng/sào. Vụ sau chắc chắn gia đình tôi tiếp tục trồng giống bí này.
Cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Tam Điệp cho biết: Mặc dù khi triển khai mô hình trồng bí xanh Fuji 868 gặp đúng điều kiện thời tiết bất lợi, mưa rét kéo dài khiến cây sinh trưởng, phát triển chậm nhưng đến nay có thể khẳng định năng suất và hiệu quả kinh tế của cây bí xanh vẫn vượt trội. Bình quân 1 ha đạt 70 tấn, với giá bán tại ruộng từ 4.000-7.000 đồng/kg, mỗi ha thu được 280 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 180 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các cây màu khác. Dự kiến trong thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Đông Sơn là một trong những đơn vị có truyền thống sản xuất thâm canh. Bên cạnh cây trồng truyền thống là đào, các cây lương thực như lúa, ngô, những năm gần đây, người dân đã bắt đầu có những thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất.
Đáng chú ý nhất trong quá trình chuyển đổi là việc trồng thành công mô hình mướp đắng năm 2008, dưa lê những năm 2010, mô hình dưa chuột bao tử năm 2013 và cây bí xanh vụ xuân năm nay.
Có thể khẳng định, việc trồng thành công mô hình bí xanh trên đất Đông Sơn theo hướng VietGAP đã mở ra triển vọng mới trong việc tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đề án nâng cao thu nhập xây dựng nông thôn mới của xã. Tuy nhiên, nếu mô hình được nhân rộngngười dân vẫn cần liên kết "4 nhà" để cây bí xanh được phát triển bền vững, tránh tình trạng khi có nhiều người trồng thì giá lại xuống thấp.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm hiện tại, kiệu giống tốt giá chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Hiện nay, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ đông 2015 - 2016.

Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng về rau an toàn rất lớn, vì vậy việc hình thành các vùng, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở các địa phương là hướng đi đúng đắn.

Mưa lớn trong ngày 14 và 15 tháng 9 đã khiến cho một số diện tích vụ đông ở Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An) bị ảnh hưởng.

Những ngày qua, trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) xuất hiện nhiều cơn mưa lớn đã làm hơn 365ha lúa vụ 3 tại xã Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim bị đổ ngã, thiệt hại năng suất từ 10 - 20%