Mô Hình Nuôi Tôm Sạch Nhằm Giảm Rủi Ro Và Cải Thiện Môi Trường Ở Bạc Liêu

Ngày 19/5, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã chủ trì Hội thảo “Sử dụng vi sinh thay thế hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm sạch” với sự tham gia của hơn 400 hộ nuôi tôm các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu.
Ông Trần Văn Út, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu chỉ rõ: Hiện tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp nhưng ngành chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Vì vậy, để giảm thiệt hại thấp nhất cho người nuôi tôm, ngành chức năng khuyến khích bà con nên áp dụng mô hình nuôi tôm sạch, nuôi tôm sinh thái bằng cách sử dụng vi sinh thay thế hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm bởi đây là mô hình dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện địa phương, ít tốn kém và giảm rủi ro.
Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết: Cách nuôi này không chỉ giảm tác động đến môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước, đất mà còn tạo ra được nguồn sản phẩm sạch, có giá thành kinh tế cao, hướng đến phát triển nuôi tôm theo mô hình bền vững.
Thạc sỹ Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh nhấn mạnh: Nuôi tôm theo mô hình an toàn sinh học không chỉ tạo ra nguồn tôm nguyên liệu sạch, đáp ứng xuất khẩu vào thị trường khó tính, cho hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm được chi phí đầu tư, ít rủi ro, không tác động đến môi trường sinh thái, mang tính bền vững cao. Qua theo dõi đánh giá thực tế, nuôi tôm theo mô hình này có thể cải thiện từng bước môi trường nước, đất đã nhiễm mầm bệnh lâu ngày.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, trên 10% diện tích tôm nuôi theo mô hình công nghiệp trong toàn tỉnh Bạc Liêu đã bị dịch bệnh gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ dân. Vì vậy, việc khuyến khích các hộ nông dân áp dụng mô hình tôm sạch là giải pháp kịp thời, không chỉ góp phần tháo gỡ bế tắc cho người nuôi tôm mà còn giúp khống chế dịch bệnh trên tôm, cải thiện môi trường, hướng đến phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm sạch, bền vững ra toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể bạn quan tâm

Mua bơ về ăn rồi quăng hột ra vườn, bất ngờ, cây bơ sáp lại bén duyên vùng sông nước ĐBSCL Ông chủ của nó nhờ đó đã trở thành tỷ phú không chỉ ở Miền Tây mà còn nổi tiếng ở Campuchia khi vừa lập một trang trại “khủng” ở đất chùa Tháp.

Như Dân Việt đã phản ánh, ông Nguyễn Hoàng Dũng- Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM đã đề xuất gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp. Nhiều chuyên gia, người dân đã bày tỏ sự đồng tình với việc cần lập gói hỗ trợ này.

Trong khi các mặt hàng nông sản khác đang khó tìm đầu ra, thì sản phẩm chuối thời điểm này lại đang thiếu hàng để xuất khẩu. Nguyên nhân là do sản phẩm chuối của nước ta không đáp ứng được về mặt kích cỡ, độ đồng đều trên từng sản phẩm… theo yêu cầu của đối tác.

Lũ thấp bất thường không chỉ khiến người nông dân thất thu mà các làng nghề cũng rơi vào tình trạng ế ẩm vì không tiêu thụ được sản phẩm... Rốn cá miền Tây giờ phải nhập ngược cá từ phía bên kia biên giới về để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ...

Không chỉ có những giống khoai tây mọc thành củ trong lòng đất mà còn có giống khoai tây lạ mọc thành quả được gọi với cái tên khoai tây dây leo, khoai tây không khí hay khoai trời.