Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Thái Bình
Hiện nay, Hoàng Diệu (Thái Bình) chỉ còn 2.500/4.129 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi có gần 800 hộ với quy mô nhỏ lẻ. Một trong những điểm sáng về chăn nuôi của Hoàng Diệu là mô hình gia trại nuôi lợn rừng của ông Phạm Ðình Phiếm ở tổ 24.
Hoàng Diệu là phường trẻ của thành phố Thái Bình, trước đây nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp như ổi Bo, đào cảnh, quất cảnh... Trong những năm gần đây, do nhu cầu quy hoạch xây dựng cơ bản và phát triển đô thị nên quỹ đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần.
Phần lớn những hộ dân sản xuất nông nghiệp trước đây nay đã chuyển sang làm các công việc khác. Hiện nay, Hoàng Diệu chỉ còn 2.500/4.129 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi có gần 800 hộ với quy mô nhỏ lẻ. Một trong những điểm sáng về chăn nuôi của Hoàng Diệu là mô hình gia trại nuôi lợn rừng của ông Phạm Ðình Phiếm ở tổ 24.
Năm 1986, xuất ngũ về địa phương, ông Phạm Ðình Phiếm làm kế toán tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN). Cũng như những gia đình khác trong xã, gia đình ông cấy lúa và chăn nuôi thêm để bảo đảm cuộc sống. Sau khi nghỉ công tác tại HTX, những ấp ủ bấy lâu về phát triển chăn nuôi của ông mới có thời gian thực hiện.
Dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn, ông vay vốn của người thân đầu tư phát triển gia trại nuôi lợn thịt. Sau một thời gian, ông thấy nuôi lợn thịt cần diện tích rộng, vốn đầu tư nhiều, giá thức ăn chăn nuôi cao, lợn hay bị dịch bệnh.
Sau bao ngày trăn trở, tìm tòi, học hỏi qua sách báo, truyền hình, nhận thấy nuôi lợn rừng đem lại thu nhập cao, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, ông Phiếm quyết định chuyển hướng sang nuôi lợn rừng.
Bắt đầu từ 4 con lợn rừng mua ở Sơn La với giá 25 triệu đồng (năm 2010), hiện nay số đầu lợn trong gia trại của ông đã lên đến hơn 40 con, trong đó có 8 lợn nái.
Ông Phiếm cho biết: Kỹ thuật nuôi lợn rừng tuy đơn giản nhưng nếu không nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, chu kỳ sinh trưởng của chúng để chủ động phòng bệnh, bổ sung thức ăn thì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là loài có bản năng hoang dã nên lợn rừng luôn cảnh giác và hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động, chúng thích hoạt động về ban đêm, ban ngày tìm nơi yên tĩnh, kín đáo để ngủ, nghỉ, môi trường chăn nuôi lợn rừng phải gần giống như môi trường tự nhiên, chỗ nuôi cần có nhiều cây cối, yên tĩnh, do đó ông đã đầu tư xây dựng 150m2 chuồng trại cách xa khu dân cư và đường giao thông.
Lợn rừng là loài ăn tạp, hệ thống tiêu hóa có khả năng hấp thụ thức ăn tốt, khẩu phần ăn hàng ngày phần lớn là rau, củ, quả, bã bia, bã sắn, cám ngô. Ðầu tư con giống ban đầu đắt hơn so với lợn nhà song bù lại cứ 2 năm lợn rừng đẻ được 3 lứa và sau 4 - 6 tháng là có thể xuất chuồng.
Tùy theo nhu cầu của khách hàng về trọng lượng của lợn, nhưng ít nhất lợn phải đạt 10kg mới có thể xuất chuồng, với giá bán như hiện nay dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg thịt hơi, nuôi lợn rừng thu lãi gấp 8 - 10 lần lợn nhà. Ðến nay, trừ chi phí, gia trại của ông thu lãi 130 - 150 triệu đồng/năm. Khách hàng từ Nam Ðịnh, Hải Phòng, Hải Dương luôn đặt hàng trước với ông bởi chất lượng thịt lợn ngon, không có thức ăn công nghiệp.
Với mong muốn mở rộng thị trường tiến tới kinh doanh chuyên nghiệp, gia trại của ông đã xây dựng trang mạng để quảng cáo sản phẩm, học hỏi thêm từ sách báo và thông qua các lớp đào tạo, tham quan các mô hình sản xuất giỏi ở nhiều địa phương; đồng thời giúp đỡ những hộ có nhu cầu chăn nuôi về con giống, kỹ thuật. Hội Nông dân thành phố Thái Bình đã tổ chức tham quan, đánh giá cao mô hình chăn nuôi lợn rừng của ông.
Hiện nay, được sự giúp đỡ của ông, đã có một số hộ chăn nuôi trong phường chọn lợn rừng làm vật nuôi phát triển kinh tế. Ðể mở rộng quy mô, ông đã đề nghị UBND phường xin chuyển đổi 3 sào ruộng của gia đình sang làm gia trại chăn nuôi nhưng vẫn đang trong quá trình chờ phê duyệt.
Thịt lợn rừng là thực phẩm ngon, giá bán có lợi cho người chăn nuôi, hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên nguồn cung cấp hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Những mô hình chăn nuôi hiệu quả như gia trại của ông Phạm Ðình Phiếm cần được tạo điều kiện phát triển và nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là những nơi diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp và canh tác không hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Sơn La, nên nỗi khổ của người dân nghèo cũng từng là nỗi khổ của tôi và gia đình tuổi ấu thơ.
Mặc dù có đến 3,5ha ruộng lúa nhưng những năm trước gia đình ông Hồ Văn Thăng ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế vẫn rất khó khăn. Theo ông Thăng, nguyên nhân bởi toàn bộ diện tích ruộng này đều bạc màu, sản xuất không hiệu quả. Nhưng từ năm 2006 đến nay, sau khi chuyển đổi số ruộng trên sang trồng sen kết hợp nuôi cá, kinh tế gia đình ông lên như diều gặp gió.
Tại cuộc họp về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chiều 5/4, Bộ NN&PTNT đã chính thức công bố kết quả kiểm tra tình hình sử dụng hóa chất cấm Beta agonist trong chăn nuôi.
Được sự tư vấn và giúp đỡ về vật chất, kỹ thuật của Cty TNHH Thương mại Trung Việt, vụ đông 2007, Trạm Khuyến nông Hiệp Hoà, Bắc Giang xây dựng mô hình sử dụng chất tăng trưởng "Vườn Sinh Thái" trên các loại cây rau màu: Bắp cải, cà chua, dưa chuột, ớt, khoai tây, khoai lang rau, rau cải và chăn nuôi gà sinh sản, lợn thương phẩm ở các xã Xuân Cẩm, Mai Đình, Hoàng An, Hoàng Lương, Thanh Vân, đạt hiệu quả kinh tế cao
Đến đầu tháng 4.2012, các xã ven đầm Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước (Bình Định) như: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng đã thả tôm giống vào nuôi trên diện tích 967 ha/971 ha kế hoạch. Mới đầu vụ, diện tích hồ tôm mắc bệnh đã lan rộng lên gần 50 ha, trong đó có gần 12 ha bị nhiễm virus SEMBV (đốm trắng), phần còn lại cũng mắc các bệnh do môi trường.