Mô Hình Cải Củ Nặng 3 Kg
Khi đặt chân đến bãi cát biển hoang hoá của xã Thạch, Thạch Hà - Hà Tĩnh, chúng tôi ngỡ ngàng có hơn 30 ha cây trồng xanh ngút ngàn giữa mênh mông cát trắng.
Dẫn chúng tôi ra giữa cánh đồng cải củ, ông Nguyễn Văn Thục - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên
Giống và vật tư nông nghiệp MITACO, chia sẻ: Với phương thức kỹ thuật canh tác tưới phun mưa, kết hợp thâm canh hữu cơ cao, công ty đã sản xuất thành công 3 loại cây trồng, đó là cải củ, bắp cải đá và cà chua trên đất cát biển bạc màu.
Trong đó hiệu quả cao nhất là giống cải củ lớn năng suất đạt trên 90 tấn/ha, doanh thu đạt trên 350 triệu đồng/ha, với thời gian 3 - 4 tháng, lợi nhuận đạt từ 180 – 210 triệu đồng/ha. Mỗi củ cải ở đây có trọng lượng 2,6 – 3 kg. Với thành công này, công ty đang có kế hoạch liên kết với nông dân để mở rộng quy mô trên 100 ha.
“Chìa khoá” quan trọng nhất chính là áp dụng hệ thống “tưới phun mưa cố định và bán cố định” được đầu tư trên toàn bộ diện tích canh tác. Căn cứ đặc tính của giống, xác định độ ẩm thích hợp cho từng loại cây, để áp dụng chế độ tưới phù hợp nhất, là một trong các biện pháp thâm canh hữu hiệu trên đất cát bạc màu. Tưới phun mưa là phương pháp sử dụng máy bơm nước cột áp cao kèm theo ống dẫn và mũi phun tạo mưa.
Đây là phương pháp tưới hiện đại có tác dụng nhiều mặt cả về tạo độ ẩm cho đất và làm mát cho cây, kích thích sinh trưởng cho cây và đặc biệt có thể tiết kiệm được 30-50% khối lượng nước so với phương pháp tưới tràn theo rãnh. Với mức đầu tư hệ thống tưới cố định từ 80 – 150 triệu đồng/ha, tuỳ theo địa hình, hoạch toán cho thấy điểm hoà vốn, chỉ sau 1 – 2 chu kỳ canh tác, khoảng thời gian 4 – 6 tháng.
Tính ưu việt của phương pháp tưới phun mưa đảm bảo nguồn nước tiếp cận mọi diện tích đất trồng; nâng cao khả năng thẩm thấu của đất, làm mát không khí; duy trì độ ẩm đất thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển mạnh ngay từ đầu; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm khô héo của cây trong giai đoạn thu hoạch và mùa nóng.
Ông Thục cho biết thêm: Ngoài hệ thống tưới, trên đất cát cần phải tính toán hệ thống tiêu, thoát nước. Phải đào mương tiêu úng, đảm bảo luôn luôn chủ động thoát nước, không bị ngập úng trong suốt quá trình sản xuất. Đối với vùng đất thấp, phải có hệ thống ống tiêu thoát nước (ống địa kỹ thuật và cuốn vải địa kỹ thuật) để đưa lượng nước thấm do mưa hàng ngày ra mương thoát, mực nước ngầm cố gắng giữ thấp hơn 70 cm.
Vấn đề này đặt ra giải pháp kỹ thuật lên luống như thế nào, đối với từng mùa vụ và kỹ thuật gieo trồng của từng loại cây. Hai là yếu tố giống: Tiềm năng năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi của giống là tiền đề, để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn trên đơn vị diện tích. Giống củ cải và bắp cải đá được nhập từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giống Liyou Seed và Goodseed 863, có khả năng sinh trưởng trong vụ đông, vụ xuân và xuân hè, với năng suất bình quân 45 – 60 tấn/ha. Riêng đối với giống Turnip Seed năng suất đạt 90 tấn/ha, thích hợp trong vụ đông xuân. Giống cà chua cao sản Hồng Kông năng suất thực thu đạt trên 40 tấn/ha.
Ba là phân bón phải đầu tư ở mức thâm canh cao, đảm bảo đúng quy trình cho từng loại cây trồng. Ví dụ mức đầu tư phân bón cho cải củ (loại giống củ lớn) tính trên sào (500 m2): mùn tinh được lấy từ phân rác hữu cơ 1,2 – 1,5 tấn; 45 – 50 kg NPK 16:16:8; đạm Urê 8 - 10 kg; Kali 20 - 22 kg và Boron 1 – 1,2 kg. Thực hiện kỹ thuật bón lót đồng bộ trước khi lên luống và bón thúc theo rãnh.
Công ty này cũng chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các hợp chất có nguồn gốc sinh học như: Marshal 200 SC, Proclaim 1.9 EC.
Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như vậy, Công ty TNHH một thành viên Giống và vật tư nông nghiệp MITACO đã thành công, trở thành mô hình cho nhiều tỉnh tham quan, học tập.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, toàn xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) trồng mới 5,78ha thanh long, nâng tổng số diện tích thanh long toàn xã lên hơn 928ha. Thời điểm này, bệnh đốm nâu trên cây thanh long xuất hiện trở lại nên bà con đang tích cực phòng trừ. Mới đây, trên địa bàn xã đã thực hiện 50 điểm xử lý bệnh đốm nâu ủ bằng chế phẩm BIO-ADB và 20 điểm xử lý bằng vôi.
Hợp tác xã (HTX) Tôm Nhị Mỹ (Đồng Tháp) có 52 thành viên, bước đầu HTX huy động vốn điều lệ được trên 100 triệu đồng, hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm, dịch vụ cung cấp con giống và dịch vụ cung cấp thức ăn, thuốc thú y.
Tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, khiến một số diện tích nuôi tôm vụ 2 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.
“Trong tương lai, Lào Cai sẽ hình thành vùng chuyên canh sản xuất cá đặc sản khi nhu cầu tăng mạnh từ lĩnh vực du lịch phát triển” - đó là nhận định của ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh.
Khi các cánh đồng lúa ở Đông Hải (Tiên Yên - Quảng Ninh) chín vàng, nông dân hồ hởi ra đồng gặt lúa, thì nhiều người nuôi tôm ở xã lại canh cánh nỗi lo mùa tôm “chín”. Với nhiệt độ thời tiết lên đến 40 độ C đã biến nhiều ao đầm nuôi tôm nơi đây thành những chảo nước nóng khổng lồ, luộc chín những con tôm. Đa phần các hộ vội vàng bán tôm non vì sợ dịch...