Mitraco đột phá phát triển chăn nuôi theo chuỗi
Có được thành quả đó là nhờ đột phá theo chuỗi đồng bộ và khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Đơn vị được xem đóng vai trò “chủ công” trong lĩnh vực chăn nuôi ở Hà Tĩnh là Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco).
Xóa bỏ chăn nuôi lợn manh mún
Trong lúc hoạt động khai thác khoáng sản và kinh doanh thương mại - ngành nghề chính của Mitraco đang làm ăn phát đạt, thì năm 2004 nhiều người bất ngờ trước việc đơn vị này đã quyết định sang Thái Lan để mời chuyên gia về triển khai dự án nuôi lợn siêu nạc.
Ông Lê Văn Nhị - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco kể: “Thời điểm đó tôi đang điều hành một xí nghiệp khai thác ti-tan tại huyện Kỳ Anh thì được Tổng Giám đốc Mitraco lúc đó là ông Võ Kim Cự điều về quản lý lĩnh vực chăn nuôi này.
Chỉ chưa đầy một năm từ tháng 4.2004 tiếp nhận công nghệ nuôi lợn siêu nạc của Tập đoàn BTP Group Thái Lan và được chính ông Xổm-Thắt-Bun-Tha-Phan là Tổng Giám đốc sang hướng dẫn.
Đến tháng 5.2005, Mitraco đưa trung tâm lợn siêu nạc với quy mô 1.200 con nái, 24.000 lợn thương phẩm/lứa tại xã Thạch Vĩnh huyện Thạch Hà vào hoạt động.
Ở thời điểm đó, tại khu vực Bắc miền Trung này đầu tư công nghệ vào nuôi lợn như thế này là một “cú sốc” lớn”.
Ông Dương Tất Thắng- Tổng Giám đốc Mitraco Hà Tĩnh cho biết: Để thực hiện được đề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Mitraco được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, riêng lĩnh vực chăn nuôi lợn theo hướng tập trung phát triển các gia trại và trang trại lợn siêu nạc, theo hình thức liên kết "bốn nhà" để phát triển bền vững.
Hiện nay ngoài trại nái Thạch Vĩnh, công ty còn xây dựng trại nái 1.200 con tại xã Kỳ Phong (thị xã Kỳ Anh) để cung cấp giống trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Thắng, hiện Mitraco Hà Tĩnh đã chuyển chăn nuôi lợn thương phẩm cho người dân làm, mục tiêu của công ty là cung cấp 50 - 60% con giống cho bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco đã chuyển ra ngoài 100% không nuôi lợn thương phẩm mà chuyển giao tới tận người dân nuôi, còn công ty bao tiêu sản phẩm.
Cùng với đó Mitraco đang phát triển các trại nái gia công tại các huyện với phương thức cung cấp con giống, cung cấp thức ăn, tư vấn xây dựng chuồng trại, cung cấp thuốc thú y, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp quản lý trại.
Đồng thời, cho vay từ 25-30% vốn xây dựng không tính lãi trong trong thời gian 4 năm và bao tiêu toàn bộ số sản phẩm làm ra; cùng với chính sách số giống làm ra tại huyện nào thì ưu tiên cho bà con chăn nuôi tại huyện đó.
Nhà máy chế biến súc sản Mitraco khép kín chuỗi sản xuất chăn nuôi cho bà con nông dân.
Cũng theo ông Thắng, để có được bước đột phá này, tỉnh Hà Tĩnh và các huyện, thị xã trích ngân sách “kích cầu” người dân đầu tư chăn nuôi với số lượng từ 500 con trở lên được ưu ái cấp đất, hỗ trợ từ xây dựng chuồng trại đến con giống và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh còn lồng ghép các kênh tín dụng để hỗ trợ lãi suất cho nông dân làm ăn.
Chính nhờ nguồn vốn “mồi” này mà trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã phát triển được hàng ngàn trang trại nuôi lợn quy mô lớn và vừa.
Doanh nghiệp giúp người dân làm ăn lớn
Ông Nguyễn Tất Trường ở xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, cho biết: Trước đây ông cũng đầu tư nuôi lợn nhưng liên tiếp bị dịch tai xanh, gia đình lâm vào cảnh trắng tay...
Ðang tính chuyện bỏ quê đi xa làm ăn thì ông Trường được Mitraco Hà Tĩnh đỡ đầu để tiếp tục nuôi lợn.
Thay vì nuôi nhỏ lẻ, ông vay tiền đầu tư 3 dãy chuồng lớn.
Ðược Mitraco hỗ trợ từ con giống, kỹ thuật, thức ăn đến bao tiêu sản phẩm, ông Trường tự tin chuyển hẳn sang nuôi lợn siêu nạc thương phẩm.
Theo ông Trường, nhờ nuôi lợn siêu nạc cho Mitraco mà gia đình ông thoát cảnh nợ nần, vươn lên khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng năm.
Còn chị Nguyễn Thị Loan - chủ trang trại chăn nuôi lợn nái ở xã Sơn Long, huyện Hương Sơn cho hay: Năm 2011, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và Mitraco Hà Tĩnh, chị đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi vệ tinh với lứa lợn đầu tiên là 320 con.
Từ đó đến nay mỗi năm gia đình chị xuất chuồng 3 lứa, mỗi lứa cho thu nhập 70-80 triệu đồng.
“Từ kinh nghiệm và hiệu quả chăn nuôi lợn thương phẩm mang lại, tôi có thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái với quy mô 450 con, liên kết với Mitraco.
Sau gần 2 năm hoạt động, trang trại đã xuất chuồng 24 lứa lợn với 11.200 con, tổng doanh thu trên 4 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm 500 triệu đồng” - chị Loan cho biết.
3 hình thức liên kết
" Đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Mitraco đã trở thành doanh nghiệp “đầu kéo” trong chuỗi giá trị, là cánh tay nối dài của tỉnh trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân”. Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Gần chục năm qua, Mitraco Hà Tĩnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.
Chị Hoàng Thị Châu- Chủ HTX Hoàng Châu ở xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh) chia sẻ: “Nếu không có hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm của Mitraco Hà Tĩnh và chính sách hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi đã không dám đầu tư trang trại chăn nuôi với số vốn lên đến hơn 12 tỷ đồng, quy mô 500 lợn nái, 1.000 lợn thương phẩm.
HTX có lợi nhuận từ 1-1,5 tỷ đồng/năm”.
Ông Lê Văn Nhị- Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco cho biết: Hiện công ty có 3 hình thức liên kết với các hộ dân từ nuôi lợn nái bố mẹ đến nuôi lợn thương phẩm.
Trong đó đã xây dựng được các trang trại vệ tinh lợn nái tại các huyện với trên 3.900 con để cung cấp đạt chỉ tiêu tỉnh giao từ 60-65% số con giống lợn siêu nạc chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến nay công ty đã liên kết trên 59 trang trại nuôi lợn thương phẩm với quy mô mỗi hộ từ 350-1.200 con/lứa, mỗi năm xuất chuồng khoảng 78.000 con lợn thương phẩm.
Mỗi hộ chăn nuôi gia công lợn thương phẩm có mức thu nhập từ 150-500 triệu/năm.
Công ty còn liên kết hỗ trợ đến tận các hộ dân chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, trong số này có 24 tổ hợp tác với 320 hộ dân nuôi với quy mô từ 20-50 con/hộ, lợi nhuận hàng năm từ 35 - 50 triệu đồng/hộ.
Việc liên kết này đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Ông Dương Tất Thắng- Tổng Giám đốc Mitraco Hà Tĩnh cho biết: Để khép kín chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, vào giữa tháng 6.2014, Mitraco Hà Tĩnh đã khánh thành và đưa Nhà máy Chế biến súc sản (lợn và bò) Mitraco vào hoạt động.
Nhà máy có số vốn đầu tư 105 tỷ đồng với công suất giết mổ 100 con/giờ, chế biến 15.000 tấn/năm.
Thực phẩm chế biến gồm giò lụa, chả, xúc xích, giăm bông và một số sản phẩm cao như đồ hộp được tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi chồn mướp của ông Nguyễn Văn Đấu ở ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau mỗi năm thu lãi trên 250 triệu đồng từ tiền bán chồn thịt và chồn mướp con.
Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện Hớn Quản (Bình Phước), tính đến tháng 4-2015, trên địa bàn huyện có đàn trâu 1.819 con, tập trung ở 11/13 xã.
Ông Ngô Trường Quế không khó khăn để đưa gần 30kg rau bồ ngót bằng xe máy đến số 44 Đặng Văn Ngữ, nơi đóng “bản doanh” của Cửa hàng Nông sản Hòa Vang, bên hông chợ.
Cao su và hồ tiêu là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao mang lại thu nhập cho người sản xuất, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Hiểu được nỗi khổ của người dân với điệp khúc “được mùa mất giá”, Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng xã Tiến Hưng (Đồng Xoài - Bình Phước) đã liên kết với người trồng điều để trồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức FLO (Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế).