Miệt Vườn Ngày Tết
Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có khoảng 3.300ha vườn cây ăn trái. Nếu như trước đây phần lớn trồng cây có múi thì hiện nay tùy theo điều kiện thổ nhưỡng từng vùng và thị trường mà các xã, thị trấn có loại trái cây thế mạnh riêng.
Năm qua, hầu hết các loại trái cây thế mạnh của huyện đều có giá hoặc trúng mùa, nhất là mùa trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, vì vậy đời sống nhà vườn Châu Thành A tết này thật sự khởi sắc.
Những ngày cận tết về lại vùng trũng như Tân Hòa, thị trấn Bảy Ngàn, thị trấn Một Ngàn… đâu đâu cũng là vườn xoài cát Hòa Lộc trĩu quả. Nhà vườn ở đây cho biết, trước đây vùng này cũng trồng nhiều loại cây ăn trái nhưng theo thời gian thì chỉ có cây xoài trụ được ở vùng đất thấp với khoảng 1.000ha (toàn huyện) và cho thu nhập 100-300 triệu đồng/ha. Đời sống của chủ vườn xoài theo đó mà đi lên.
Điển hình như ông Lê Văn Ẩn (Năm Ẩn), trước đây cuộc sống rất khó khăn nhưng kể từ khi ông cải tạo vườn tạp và tận dụng đê bao quanh ruộng lúa để trồng xoài thì đã trở thành triệu phú miệt vườn. Với 15 công vườn trồng 300 gốc xoài cát Hòa Lộc trên 10 năm tuổi, mỗi năm cho sản lượng 20 tấn, thu nhập 300-600 triệu đồng. Riêng đợt xoài thu hoạch mới đây, ông trúng giá đậm 40.000 đồng/kg, với 3,5 tấn trái, ông thu về 140 triệu đồng.
Khoảng 25-27 tết, ông thu hoạch khoảng 10 tấn nữa. Bí quyết giúp ông Ẩn trúng giá xoài là theo dõi thời tiết và thị trường mà chọn thời điểm để trái. “Mình theo dõi dự báo thời tiết lúc nào ít mưa hoặc giá cả tháng nào thường hiếm xoài, giá mắc ở trong năm thì canh ngay thời điểm đó mình để trái. Lúc đó chắc chắn trúng mùa hoặc trúng giá” - ông Năm Ẩn chia sẻ.
Từ những mùa xoài trĩu quả, ông Năm Ẩn tích lũy dần, đến năm 2008, ông cất được ngôi nhà vừa to, vừa đẹp, có sân vườn, hàng rào bao quanh, kinh phí xây cất vào thời điểm đó lên đến 1 tỉ đồng.
Cuộc sống thoải mái, ông chăm chút cảnh quan xung quanh nhà và ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đoạt giải nhất cấp tỉnh ở cuộc thi “Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp cấp tỉnh.
Ông Năm Ẩn nhận thấy: “Từ hồi ngày tôi có xoài cho thu hoạch tới giờ, cuộc sống phát triển hơn trước đây, mỗi năm thu nhập tăng lên. Có vậy mới cất được căn nhà này, chứ ở nông thôn có mười mấy công vườn cất nhà như vậy đâu phải dễ”.
Ngược ra các xã vùng đất gò Thạnh Xuân, Rạch Gòi lại được nghe nhiều câu chuyện nhà vườn giàu lên từ cam, quýt. Sau dịch bệnh vàng lá trên cây có múi, nhà vườn Dương Văn Do trồng nhiều loại cây ăn trái, nhưng cứ trồng rồi chặt và chỉ có cây cam quýt là phát triển tốt, thị trường tiêu thụ mạnh.
Ông Do trồng lại cam xoàn khoảng 4.000m2 vừa cho vụ trái thứ 3. Ông cho biết, vụ này thu hoạch một đợt chính bán đám cho thương lái 350 triệu đồng, hiện ông mới thu hoạch thêm đợt cam lạc hậu 1 tấn trái, bán 27 triệu đồng, qua tết còn khoảng 2 tấn cam lạc hậu. Như vậy, nếu chỉ tính vụ cam chính và 1 vụ lạc hậu thì 4 công cam xoàn của ông Do cũng cho thu nhập 377 triệu đồng.
Ông sắm xe mới, chuẩn bị cất nhà mới, đón tết sung túc. Ông Do phấn khởi: “Một công vườn bán cả trăm triệu đồng rồi, hiệu quả kinh tế rất cao so với trồng cây khác, từ đó kinh tế gia đình cũng ổn, sắm sửa đồ đạc. Riêng đợt cam lạc hậu bán được 27 triệu đồng, ăn tết thoải mái”.
Đi tham quan các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện, ông Hồ Hoàng Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: “Sẽ chỉ đạo cho ngành nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các xã, thị trấn.
Ở các xã Thạnh Xuân, thị trấn Rạch Gòi, bà con trồng cam thu nhập rất cao, một công ít nhất cũng 50 triệu đồng, đem lại hiệu quả rất lớn, đời sống bà con ấm no. Cây cam xoàn giá chỉ 11.000 đồng/cây, rất vừa túi tiền của bà con, trồng 2-3 năm là bắt đầu cho hiệu quả kinh tế”.
Cùng với cam xoàn, cam mật, nhà vườn vùng đất gò Thạnh Xuân, Rạch Gòi còn giàu lên từ quýt tiều. Năm nay, quýt tiều giá khá cao, hiện ở mức 25.000 đồng/kg. Một công quýt tiều trên 3 năm tuổi có thể cho thu nhập 20-60 triệu đồng.
Quýt tiều vỏ màu vàng và trái to hơn quýt hồng, thích hợp chưng mâm ngũ quả, nên được tiêu thụ mạnh vào dịp tết. Gần đây cây quýt cho thu nhập hấp dẫn nên nhà vườn đang khôi phục lại cây ăn trái này. Riêng nhà vườn Lê Văn Đệ, ở xã Thạnh Xuân, tết nào trong vườn cũng vàng rực quýt tiều.
Quýt tiều đã giúp ông xây nhà cửa, mua sắm đồ đạc. Nhà vườn Lê Văn Đệ nhớ lại: “Dịp tết trước, tôi thu hoạch 13-16 tấn quýt tiều, tùy năm trúng thất. Tôi đeo theo nó mười mấy hai mươi năm nay rồi. Giờ đang trồng lại 500 cây, mới hơn 2 năm, tết này cho trái chiếng, ăn tết cũng được”.
Tuy giá cả trái cây lúc tăng, lúc giảm, trồng rồi chặt nhưng nhờ huyện quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho nhà vườn với hàng chục lớp mỗi năm, nên các loại dịch bệnh trên cây trồng được khống chế; bà con lựa chọn cây trồng phù hợp với vùng đất. Nơi trũng thì trồng xoài, nơi gò thì trồng cam quýt.
Khi đã lựa chọn đúng hướng thì kiên trì với cây ăn trái đó. Nhờ vậy mà 3.300ha vườn trên địa bàn huyện năm qua cho sản lượng 23.700 tấn, cho thu nhập từ 50-700 triệu đồng/ha. 2.800 hộ sản xuất nông nghiệp có thu nhập cao trên địa bàn huyện phần lớn cũng từ cây ăn trái. Từ những mùa trái “ngọt” đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhà vườn trong những ngày xuân về tết đến.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2015 cả nước có 19 đơn vị tham gia SX hạt giống lúa lai F1 với tổng diện tích 2.051 ha, tăng 17,3% so với năm 2014.
Nhiều nơi ở ven biển huyện Duyên Hải (Trà Vinh) bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hàu. Bước đầu đã mang lại hiệu quả cho kinh tế cao.
Trồng dưa Kim (dưa lê vàng) vụ thu đông tuy không phải là vụ chính song nếu thâm canh tốt sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. Xin chia sẻ kinh nghiệm SX nhằm mang lại hiệu quả.
Hiện giá nấm tăng cao là do diện tích, sản lượng giảm đáng kể, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng và chế biến XK tăng mạnh.
Thực trạng đốt rơm rạ đang diễn ra rải rác trên nhiều vùng trong cả nước. Nhiều bà con đã hỏi về lợi, hại ra sao.