Mía, mì héo hắt vì hạn
Giữa trưa, tại vùng mía thuộc thôn Lam Sơn (xã Ninh Sim), 10ha mía của ông Lê Mạnh Hùng (thôn Lam Sơn) xơ xác dưới những đợt gió nóng. Ông Hùng chia sẻ: “Từ tháng 4 tới nay, cứ 1 tuần/lần, tôi phải bơm nước từ suối lên cứu mía, tưới giáp vòng một đợt mất khoảng nửa tháng, chi phí cho mỗi lần tưới hết 800.000 đồng. Tuy vậy, đến thời điểm này, nước suối cũng đã cạn kiệt, không thể tiếp tục bơm tưới được nữa...”. Ông Hùng còn lo bệnh trắng lá mía hoành hành. Vụ trước, ông có 4ha mía bị trắng lá, sản lượng chỉ còn 20%, thất thu 70 triệu đồng. Năm nay, bệnh trắng lá tiếp tục phát triển với diện tích 1ha, ông đã nhổ bỏ một số. Tuy nhiên, theo ông, nếu trời mưa, bệnh này sẽ còn lây lan mạnh hơn.
Những diện tích mía lưu gốc còn có thể chống đỡ với thời tiết khắc nghiệt, còn diện tích mía trồng mới, mầm bị điếng do thiếu nước nên chết hàng loạt. Bà Phùng Thị Tuyết Vân (thôn Lam Sơn) cho biết, vừa qua, bà phải phá bỏ 2,5ha mía do thiếu nước, mầm khô. Bà chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng mì; thế nhưng, hom mì cũng không được, mầm chết khô, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Ông Nguyễn Hà Trung - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lam Sơn cho biết, toàn thôn có 280ha mía, mì (160ha mía). Thời gian gần đây, tình hình nắng nóng đã làm thiệt hại 70% diện tích mía, 100% diện tích mì, chủ yếu là những ruộng mía, mì giống.
Theo ông Trương Công Danh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim, xã có gần 2.000ha đất nông nghiệp, trong đó mía 1.500ha, mì 200ha, còn lại là hoa màu. 9 tháng qua, địa bàn xã không có mưa nên các ao, hồ, suối đã khô cạn. Nắng hạn cộng với gió Nam khô nóng khiến cây trồng héo rũ, đặc biệt là các diện tích trồng mới đều bị chết. Ước tính, diện tích mía chết 200ha, mì chết 100ha, thiệt hại bình quân 22 triệu đồng/ha mía, 12 triệu đồng/ha mì. Xã đang thống kê diện tích thiệt hại trình thị xã hỗ trợ.
Tại các cánh đồng mía của xã Ninh Tây, rải rác đã có nhiều diện tích mía non chết, để lại vùng đất trống. Theo ông Nguyễn Văn Được (thôn Xóm Mới), 0,5ha mía giống ông vừa đưa vào trồng cách đây 1 tháng hầu như không thể mọc lên được, ngọn mía thiếu nước chết mầm, tỷ lệ sống chỉ khoảng 10%, thiệt hại cả chục triệu đồng. Ông Y Ty - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây xác nhận, hàng trăm hecta mía, mì trên địa bàn xã bị thiệt hại.
Theo lãnh đạo Trạm Bảo vệ thực vật Ninh Hòa, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, chủ yếu là cây mía với diện tích bị héo hơn 2.000ha, tập trung tại 10 xã phía tây thị xã; tỷ lệ mọc mầm chỉ đạt 50 - 60%, có diện tích bị chết mầm cây con. Bệnh trắng lá mía tiếp tục gây hại trên diện tích mía lưu gốc khoảng 130ha. Trạm khuyến cáo nông dân tiến hành xới xáo kịp thời ruộng mía non để giữ ẩm cho đất, giúp cây mía có thể chịu được hạn; ngoài ra cần tiếp tục nhổ bỏ mía bị bệnh trắng lá đem tiêu hủy và xử lý vôi tại vị trí nhổ bỏ.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, do hầu hết các diện tích mía, mì đều nằm trong vùng có độ dốc, không có hệ thống thủy lợi nên không chủ động được nước tưới. Đến nay, thị xã vẫn chưa triển khai việc thống kê, rà soát diện tích thiệt hại do chưa có kinh phí hỗ trợ. Về bệnh trắng lá, năm 2014, kinh phí tỉnh hỗ trợ gần 5,6 tỷ đồng cho 2.100ha. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã tổ chức 9 lớp chuyên đề cho khuyến nông viên và nông dân phòng, chống bệnh trắng lá mía, nhưng tình hình bệnh chưa thể dừng lại.
Trong tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, thị xã cần chỉ đạo các xã thống kê, rà soát thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ cho nông dân.
Related news
Hiện nay, nông dân ở vùng ngập mặn thuộc các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh đã thu hoạch gần dứt điểm hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú. Điều phấn khởi là vụ nuôi tôm càng xanh năm nay, nông dân Trà Vinh tiếp tục được bội thu.
Hàng năm vào tháng 9, 10 ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Bên cạnh những lợi ích như: cung cấp phù sa, xổ nước phèn cho đồng ruộng, mang lại nguồn lợi thủy sản…, lũ cũng gây hại nhất định đối với sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản nước ngọt.
Do thời tiết ở Thái Lan đang ấm dần lên, nên người nuôi tôm ở miền Nam nước này đã bắt đầu thả nuôi lại với hy vọng vụ mùa năm nay sẽ kả quan hơn.
Với nhiều hàng rào kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đề ra ngày càng cao, ngành cá tra Việt Nam đang chủ động hướng tới sản xuất bền vững.
Hơn một tuần sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đến thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (Đà Nẵng), chúng tôi biết được người nông dân nơi đây có nguồn thu nhập cao nhờ vào nuôi cá nước ngọt, từ 100 triệu đồng/500m2 đến 2 tỷ đồng/ha.