Phấn Đấu Thắng Lợi Vụ Cá Nam Năm 2014
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2013-2014 đạt 1.261.000 tấn, tăng 7,78% kế hoạch và 1,20% so với vụ cá Bắc năm 2012-2013. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1.197.000 tấn, khai thác thủy sản nội địa đạt 64.000 tấn.
Trong vụ cá Bắc, công tác phát triển tổ đội sản xuất trên biển tiếp tục được nhiều chủ tàu chú trọng tham gia. Đến nay, cả nước có trên 3.750 tổ đội trên biển với khoảng 22.100 tàu cá /145.000 lao động tham gia (tăng 2.000 tổ đội/13.000 tàu so với 2 năm trước). Ngoài ra, các địa phương trong cả nước cũng đã thí điểm thành lập được trên 50 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản.
Bên cạnh đó, công tác đăng ký, đăng kiểm và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển đã được cải thiện đáng kể. Tính đến 28/2/2014, cả nước có hơn 117.000 tàu cá, trong đó tàu cá đã đăng ký hơn 116.000 chiếc (chiếm 99%), số tàu cá đã đăng kiểm trên 58.000 chiếc.
Đặc biệt, cũng trong vụ cá Bắc 2013-2014, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với ngành thủy sản các địa phương triển khai các hoạt động giảm tổn thất sau thu hoạch như: Trang bị bể hạ nhiệt cho cá ngừ tại Tam Quan (Bình Định); hỗ trợ ngư dân Tam Quan (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa) về cải tiến phương pháp thu câu và bảo quản sản phẩm cá ngừ; triển khai mô hình bảo quản bằng công nghệ xốp thổi (PU) tại Bà Rịa-Vũng Tàu…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, vụ cá Bắc năm 2013-2014 còn một số tồn tại, hạn chế như sản lượng tăng nhưng năng suất đánh bắt, chất lượng và giá bán sản phẩm giảm, hiệu quả của các nhóm tàu khai thác không cao; hệ thống hậu cần, dịch vụ còn nhiều bất cập, yếu kém và chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất thực tế hiện nay. Đặc biệt, số lượng tàu cá nhỏ đánh bắt vẹ bờ quá lớn (trên 71.000 tàu có công suất nhỏ hơn 20CV) gây tổn hại nguồn lợi ven bờ.
Theo kế hoạch sản xuất vụ cá Nam năm 2014, ngành Thủy sản phấn đấu đạt tổng sản lượng 1.582.000 tấn, trong đó: khai thác hải sản là 1.461.000 tấn, khai thác nội địa là 121.000 tấn.
Tổng cục Thủy sản cho hay: Vụ cá Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam, nhiệt độ nước biển tăng lên, đàn cá di chuyển nhiều để kiếm thức ăn và sinh sản, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất tại các vùng biển.
Do vậy, để khai thác tốt trong vụ cá Nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần chỉ đạo tập trung phát triển các nghề như: Tại vùng vịnh Bắc Bộ tập trung khai thác nghề lưới vậy, chụp mực, rê và mành; vùng duyên hải miền Trung tập trung phát triển nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực, lưới vây, rê và mành; vùng biển Đông thuộc Tây Nam Bộ tập trung vào các nghề lưới vây, rê, và kéo ở biển khơi.
Để thực hiện thắng lợi vụ cá Nam 2014, Tổng cục Thủy sản đề nghị: Sở NNPTNT và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh/thành phố ven biển cần tổ chức tốt việc huy động các phương tiện nghề nghiệp đánh bắt; tổ chức có hiệu quả việc thực thi các chính sách Trung ương và địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tàu cá, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia quản lý và tổ chức sản xuất nghề cá. Tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Chỉ đạo công tác sản xuất vụ cá Nam năm 2014, mới đây, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã lưu ý: Vụ cá Nam sẽ bước vào mùa mưa bão, vì vậy, ngành nông nghiệp, thủy sản các địa phương cần chú ý kiểm tra đảm bảo an toàn tàu cá, thông tin liên lạc thông suốt.
Tổng cục Thủy sản cần thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại các cảng cá, khu neo đậu tàu truyền tránh trú bão trên phạm vi cả nước, nhất là khu vực miền Trung, cái nào không đảm bảo cần ưu tiên đầu tư trước.
Có thể bạn quan tâm
Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định 3195/QĐ-BNN-TCTS do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) siêu thâm canh tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Châu Thành. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 5 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 2.437.730.000 đồng, vốn đối ứng của dân là 2.562.270.000 đồng) từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ; thời gian thực hiện 24 tháng (từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2017).
Sau khi thu hoạch tôm vụ 1, người nuôi tôm Quỳnh Lưu (Nghệ An) tiến hành xử lý, cải tạo ao đầm, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường vùng nuôi đúng quy trình kỹ thuật để tiếp tục thả giống vụ 2.
Từ lâu, nghề nuôi tôm ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ nuôi tôm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cứ đến thời điểm gần thu hoạch, tôm nuôi ở xã Hải Lạng lại chết do dịch bệnh. Thực trạng này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi trồng thuỷ hải sản, đòi hỏi Hải Lạng cần có hướng đi phù hợp để nghề nuôi trồng thuỷ hải sản phát triển bền vững.
Trong những năm qua, nuôi thủy sản ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến, góp phần chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.