Mang Sức Trẻ Lập Thân, Lập Nghiệp Bằng Mô Hình Chăn Nuôi
Hai anh em nhà họ Trương là: Trương Văn Thanh (31 tuổi) và Trương Văn Phúc (28 tuổi) ngụ ấp 2 (Tân Tây, Gò Công Đông - Tiền Giang) mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng đã làm chủ một trang trại nuôi động vật hoang dã quy mô lớn, gồm: chim trĩ đỏ, chim công và gà đông tảo. Đây là một trong những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả ở khu vực nông thôn hiện nay.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, nên 2 anh em không nề hà phụ giúp gia đình cắt cỏ nuôi bò. Năm 2005, trong một lần đến Long An chơi, Phúc thấy anh họ của mình nuôi giống gà sao, gà H. Mông, anh lân la tìm hiểu và về bàn với anh mình phát triển mô hình. Hai anh em xin cha, mẹ bán bò để đầu tư vào nuôi gà.
Bắt tay vào thực hiện, Thanh thì do quen biết rộng nên lo giấy tờ thủ tục, nguồn vốn; còn Phúc thì đi tìm hiểu kỹ thuật nuôi, học hỏi kinh nghiệm trên mạng, trên tài liệu, sách báo. Sau khi chuẩn bị kỹ, hai anh em mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại và nuôi gà đúng kỹ thuật hướng dẫn nên kết quả đạt khá.
Sau một thời gian giống gà Sao và H. Mông không còn được ưa chuộng nên khi nghe người quen giới thiệu về giống chim trĩ đỏ cho lợi nhuận khá cao, một lần nữa hai anh em lại nắm bắt thời cơ, nắm bắt thị trường, quyết định đầu tư nuôi chim trĩ, chim công và gà đông tảo từ đầu năm 2010 đến nay.
Phúc cho biết: Chim trĩ thích nghi tốt với khí hậu khô mát, việc làm chuồng trại nuôi cũng khá đơn giản, do vậy gia đình anh đã tận dụng các khu chuồng nuôi bò, nuôi gà cũ cải tạo lại một ít để nuôi chim trĩ, miễn sao đảm bảo vệ sinh. Thức ăn chính của chim cũng là thức ăn cho gà như: cám tổng hợp, bắp, rau xanh, cỏ… chim trĩ đỏ lớn rất nhanh và có khả năng đề kháng cao.
Chim trĩ ít mắc bệnh và dễ nuôi như gà, chỉ cần nuôi 8 tháng là trĩ mái bắt đầu đẻ trứng, liên tục khoảng 60 trứng; sau đó nghỉ khoảng 2 tháng để thay lông rồi tiếp tục đẻ, mỗi năm đẻ trung bình 100 trứng. Điều đặc biệt là nếu được ăn đầy đủ, thêm côn trùng như: mối, sâu gạo… mỗi con chim trĩ đỏ mái có thể đẻ 2 trứng một ngày.
Do chim trĩ không có khả năng ấp trứng nên phải ấp trứng nhân tạo bằng lò ấp điện với tỷ lệ nở thành công từ 60-70%. Giá bán chim trĩ con (1 tuần tuổi) từ 120 - 200 ngàn đồng/con. Còn một cặp chim trĩ đỏ giống có trọng lượng từ 1,3 - 1,5 kg giá bán từ 1,7 - 1,8 triệu đồng.
Hiện nay, trang trại có trên 500 con chim trĩ đỏ, 15 cặp chim công và hơn 300 con gà đông tảo, tất cả đều thuộc nhóm động vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao nên việc đầu tư, chăm sóc các đối tượng này từ con giống, kỹ thuật phòng bệnh đến tiêu thụ đều mới mẻ. Chính vì vậy, thời gian đầu anh cũng gặp nhiều khó khăn nhưng không nản chí, anh càng nỗ lực tìm hiểu kiến thức nuôi chúng để áp dụng vào trang trại nhà mình.
4 năm vất vả cũng qua đi, hiện ông chủ trang trại trẻ tuổi này có thể yên tâm với kinh nghiệm nuôi động vật hoang dã và cung cấp cho thị trường trứng giống, con giống và thịt thương phẩm với giá cao hơn các loại gia cầm thông thường từ 10 - 20 lần.
Có được thành công như ngày hôm nay, không chỉ có lòng quyết tâm lao động sản xuất thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, mà nhà nông trẻ Trương Văn Phúc còn rất nhạy bén ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi. Với kiến thức 4 năm học đại học chuyên ngành chăn nuôi, sau đó khởi nghiệp bằng 1 cặp chim trĩ đỏ. Đây cũng là tất cả vốn liếng trước đây của anh chủ trại, vì giống chim trĩ đỏ có giá rất cao.
Dốc sức chăm sóc cộng với ước mơ làm giàu mãnh liệt, anh Phúc nhân giống chim trĩ lên được 8 cặp, rồi một năm sau được 50 cặp và đến thời điểm này là trên 750 cặp. Cứ 2 tháng, anh cung cấp cho thị trường 200 con giống và 100 con chim kiểng. Bình quân 300 ngàn đồng một con giống 1 tháng tuổi và 1 triệu đồng một con chim kiểng. Chỉ tính riêng chim trĩ đỏ, sau khi trừ đi chi phí, nhà nông trẻ nhạy bén này thu lãi gần 300 triệu đồng/1 năm. Đây là niềm động viên để anh Phong tiếp tục đầu tư phát triển trang trại nuôi động vật hoang dã.
Từ năm 2010 đến nay, bằng hình thức bán hàng qua mạng và có giấy phép của Chi cục Kiểm lâm tỉnh nên nhiều người từ Long An, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắc Lắc… đã tìm đến nhà anh mua chim trĩ đỏ, chim công và gà đông tảo giống với số lượng lớn. Từ nuôi chim trĩ, công và gà đông tảo, trừ các khoản chi phí mỗi tháng gia đình anh thu về không dưới 80 triệu đồng.
Nói về những dự định cho tương lai, anh Phúc cho biết: “Sẽ tiếp tục đầu tư để làm trang trại mở rộng mô hình này ở tỉnh Long An. Bằng hình thức bán hàng qua mạng, trang trại sẽ cung cấp con giống uy tín, chất lượng và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để bất kỳ ai cũng có thể thành công với mô hình này”.
Từ sự phấn đấu vươn lên làm giàu của bản thân, anh được công nhận là “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” cấp tỉnh 3 năm liên tục từ năm 2010 - 2012. Anh được vinh dự giao lưu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” toàn quốc năm 2012.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN - PTNT Bình Định, hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi trên 1.560 ha mặt nước nuôi tôm, chiếm 71% diện tích tôm nuôi toàn tỉnh. Trong đó, TP Quy Nhơn đã thả nuôi 150,2 ha, Tuy Phước 859,8 ha; Phù Cát 76 ha; Phù Mỹ 424,2 ha và Hoài Nhơn 50,3ha.
Diện tích nuôi thả, năng suất và sản lượng tăng đáng kể, vượt các mục tiêu đề ra là kết quả nổi bật trong sản xuất thuỷ sản những năm gần đây. Nhờ đó, Bắc Giang trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc trong lĩnh vực này.
Do thu hoạch vụ lúa Đông xuân trễ hơn các địa phương khác nên từ đầu vụ đến nay trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang), vịt đàn từ các nơi chạy đồng về đây rất lớn. Nếu tính từ khi bắt đầu thu hoạch lúa đến nay, trên địa bàn huyện có 44 đàn vịt với tổng số 57.625 con, trong đó vịt từ các huyện trong tỉnh Hậu Giang đến là 5 đàn với số lượng 6.740 con, vịt chạy đồng từ tỉnh khác đến có 14 đàn với số lượng 18.560 con.
Khoảng hai năm trở lại đây, nhiều loại bệnh xuất hiện đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của cây hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn huyện Vĩnh Linh đã có gần 700/810 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh các loại, trong đó đã có nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng.
Mọi năm vào thời điểm này, các xã vùng chuyên canh cây cà phê của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) như Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Ba Tầng “sôi” lên bởi chuyện mở rộng diện tích trồng mới hoặc tái canh cây cà phê. Người dân sở tại, người ở các nơi tìm về mua đất, thuê đất trồng cà phê với hy vọng đổi đời. Giá đất ở “thủ phủ cà phê” Hướng Phùng không dưới 150 triệu đồng/ha, có lúc “sốt đất” giá lên cao chót vót, từ 250 đến 300 triệu đồng/ha nhưng nhiều người vẫn đổ tiền của vào đầu tư phát triển cây cà phê, vì khi đó giá lên cao, chỉ sau một vài vụ là đã thu hồi vốn. Nhưng năm nay, khi mùa vụ trồng mới đang đến gần, hơn 2.500 ha cây cà phê toàn huyện già cỗi cần phải tái canh nhưng không khí làng bản vẫn nhuốm một màu ảm đạm.