Liên Kết Sản Xuất Lúa Giống Trên Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Tuy Phước - Ông Dân Thu Lãi Cao Ở Bình Định
Vụ ĐX 2012 - 2013, huyện Tuy Phước (Bình Định) xây dựng 13 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại các xã: Phước Quang, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Nghĩa và Phước Lộc, tổng diện tích 552 ha, có 3.095 nông hộ tham gia. Trong đó, liên kết sản xuất lúa giống hơn 341 ha, 2.009 hộ tham gia. Nông dân đã thu lãi khá từ sản xuất lúa giống.
Hầu hết các CĐML liên kết sản xuất lúa giống ở Tuy Phước đều cho năng suất cao từ 78 tạ đến 82,3 tạ/ha, cao hơn ruộng bên ngoài từ 1,2 - 5,5 tạ/ha; lãi ròng hơn 35,8 triệu đồng/ha, trong khi ruộng trong CĐML nhưng không sản xuất lúa giống lợi nhuận chỉ 21,4 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa giống còn được lợi (3 giảm) là giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tính ra giảm chi phí sản xuất so với ruộng ngoài mô hình hơn 1,6 triệu đồng/ha.
Theo ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, địa phương thực hiện CĐML vụ ĐX 2012 - 2013 với diện tích hơn 150ha và 150ha sản xuất lúa giống cộng đồng: Quá trình sản xuất được sự giúp đỡ của ngành chức năng và các doanh nghiệp chuyển giao KHKT, đầu tư phân bón, thuốc sinh học nên ruộng giống phát triển tốt, năng suất đạt 78,4 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng gần 8 tạ/ha. Bà con đã phơi khô, làm sạch và bán hơn 1.500 tấn giống lúa BC 15 cho Công ty CP Giống Miền Trung - Tây Nguyên với giá 7.400 đồng/kg (trong khi lúa thịt chỉ bán được 5.800 đồng/kg), thu về trên 11 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng hơn 4 tỉ đồng.
Chị Nguyễn Thị Nghiệp, ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng, bộc bạch: “Tham gia sản xuất lúa giống trên CĐML bà con chúng tui được hưởng lợi nhiều, lúa giống thu lên được Công ty mua hết, giá lại cao nữa. Nhà tui sản xuất 3 sào, thu được gần 1,2 tấn lúa giống, tui để lại ăn và làm giống cho vụ sau 300 kg, còn cân bán hết cho Công ty. Nói chung ai cũng phấn khởi vui mừng vì được mùa lúa giống, lại bán được giá”.
Ở HTXNN Phước Thắng, diện tích sản xuất lúa giống trên CĐML là 62 ha, HTX hợp đồng với xã viên mở rộng vùng sản xuất lúa giống thêm 11 ha, sạ toàn bộ giống BC 15 do Công ty CP giống Miền Trung - Tây Nguyên cung ứng. Kết quả, năng suất đạt hơn 82,3 tạ/ha. HTX thu mua hơn 410 tấn giống lúa với giá 7.100 đồng/kg, cao hơn 1.300 đồng/kg so với lúa thịt, nông dân bán giống cho HTX đều phấn khởi và tiếp tục đăng ký sản xuất lúa giống ở vụ Thu.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ nhiệm HTXNN Phước Thắng, chia sẻ: Xã viên trong HTX rất mê CĐML sản xuất lúa giống vì được Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông và doanh nghiệp “cầm tay chỉ việc” chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp; các chi phí giống, phân bón, vật tư đều giảm, trong khi năng suất, chất lượng lúa giống tăng, lợi nhuận đạt gần 60% nên nông dân đồng tình hưởng ứng.
Có thể bạn quan tâm
Cho dù các chuyên gia lẫn các nhà quản lý cảnh báo chăn nuôi là một trong những ngành chịu thiệt thòi nhất khi Việt Nam gia nhập TPP thì trên thực tế, hoạt động chăn nuôi vẫn đang mở rộng khá nhanh, nhất là tại Đồng Nai - địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất nước.
Vào khoảng giữa tháng 6, hành tây Đà Lạt mua tại vườn chưa tới 3.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại loại hàng này đã đội giá lên gấp hàng chục lần. Với mức giá từ 25.000- 40.000 đồng/kg (tùy loại) dù được xem là cao kỷ lục, nhưng nông dân vẫn không có hàng để bán.
Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đưa hàng Việt “phủ sóng” ở nông thôn, đặc biệt là những vùng khó khăn.
“Chất tạo nạc đang là vấn nạn làm hủy hoại sản xuất, sức khỏe của người tiêu dùng và nếu không được xử lý triệt để thì ngành chăn nuôi sẽ lâm vào cảnh tự sát”.
Nhiều hộ trồng tích trữ hành, tỏi vào cuối vụ nhằm đợi giá lên cao trong dịp Tết mới bán ra, khiến lượng nông sản này tại Lý Sơn còn lại khoảng 800 tấn.