Mãng Cầu Vẫn Là Loại Trái Cây Có Giá
Những ngày này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cố gắng mở rộng diện tích mãng cầu ta trong toàn tỉnh lên vài ngàn ha thay vì 2.000 ha như hiện nay. Người dân được khuyến khích thâm canh mãng cầu qua việc Trung tâm Khuyến nông của tỉnh giúp nông dân thực hiện những khu vườn mãng cầu thí điểm mà năng suất đạt 7 tấn trái/vụ, với giá bán tùy theo loại, từ 12 - 32 ngàn đồng/kg. Ước tính người trồng mãng cầu thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Điều đó, càng gợi nhớ đến mùa mãng cầu ở Bình Thuận nhiều năm trước đây. Có thể nói, đất ở Bình Thuận đa phần là đất cát pha, đặc biệt thích hợp với mãng cầu ta. Khoảng 20 năm trước, đi bất cứ đâu trong tỉnh cũng gặp mãng cầu. Mãng cầu của các xã: Phong Nẫm, Tiến Lợi… vùng ven Phan Thiết, bao giờ cũng to trái và ngọt dịu, sánh ngang mãng cầu Mương Mán (Hàm Thuận Nam), Tân Bình (La Gi).
Hồi phương tiện đi lại còn khó khăn, những ai đã một lần đi tàu hỏa tại ga Mương Mán, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh các chị, các em ngồi dọc trên lối đi của ga bán mãng cầu. Những rổ mãng cầu Mương Mán ngày ấy đã níu chân nhiều khách trong Nam, ngoài Bắc, cũng như nhiều người không ngại mua về làm quà cho người thân vì nó ngọt thanh. Mãng cầu ta ở Bình Thuận nói chung chỉ thật sự teo tóp diện tích trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, khi cây thanh long giúp cho nhiều nông dân làm giàu, hoặc dư dật. Nhiều người đã chặt mãng cầu trồng thanh long.
Tuy vậy, ở một vài nơi, bằng sự tinh tường, nông dân vẫn giữ lại một số vườn mãng cầu và thực hành sản xuất trái vụ. Người nông dân bón phân hữu cơ cho cây vài tháng trước khi Noel hoặc tết đến, cũng như lặt lá (phun thuốc) để kích thích mãng cầu ra trái vào mùa đông thay vì mùa mưa như chính vụ. Một ký mãng cầu bán trong dịp tết từ 40 - 50 ngàn đồng, gấp 3 lần giá chính vụ, vì vậy, thu nhập của người trồng mãng cầu trái vụ thường cao. Hai thôn: Hồ Tôm và Phước Thọ của xã Tân Phước (La Gi) là nơi có khoảng 30 hộ dân chuyên trồng mãng cầu trái vụ.
Trước mỗi cái tết, sau một vụ mãng cầu trái vụ, trừ chi phí, mỗi hộ dân thu trên, dưới 20 triệu đồng/sào. Mới đây, tại Hội chợ trái cây Nam bộ, sức tiêu thụ của mãng cầu vẫn cao. Điều đó chứng tỏ: Chưa lúc nào người dân quên trái mãng cầu. Câu chuyện trồng mãng cầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu là một gợi ý để nông dân Bình Thuận cân nhắc có nên chặt đi các vườn cây ăn trái khác để trồng thanh long, khi mà giá cả thanh long đang bấp bênh, xu hướng cung nhiều hơn cầu?
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Năm ở ấp Mỹ Bình, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng tốt tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tuân thủ nghiêm các quy trình chăn nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y, nên duy trì được đàn heo sinh sản và heo thịt cho lợi nhuận khá.
Vì còn nhiều thời gian chuẩn bị, người trong cuộc ngành chăn nuôi Việt Nam tự tin còn nhiều cơ hội để thắng, chí ít là không thua trên sân nhà.
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn thường xuất hiện những đợt nắng, mưa thất thường - là điều kiện có thể phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GS,GC).
Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi tới trang trại rộng trên 3 ha với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm của anh Phan Văn Miền, xã Yên Mạc (Yên Mô - Ninh Bình) khiến chúng tôi phần nào mường tượng ra con đường vươn lên làm giàu của người nông dân này cũng thật gian nan.
Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 18.600 hộ chăn nuôi, với tổng đàn gia cầm hơn 4,9 triệu con, gia súc hơn 315 ngàn con. Theo Chi cục Thú Y tỉnh, hằng ngày có trên 1.153 tấn chất thải trong chăn nuôi cần xử lý.