Mãng cầu cho trái nhiều vụ
Việc áp dụng kỹ thuật mới vào quá trình canh tác mãng cầu giúp nâng cao sản lượng, chất lượng loại trái này
Thu nhập cao từ trồng cây ăn trái
Ông Huỳnh Văn Tánh (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa), Tổ trưởng Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc, cho biết sau khi về hưu (năm 1990), ông tham gia dự án Programme Alimentaire Mondial gọi tắt là PAM (thuộc chương trình lương thực thế giới, có ý nghĩa khôi phục một phần diện tích rừng ở 13 tỉnh ven biển Việt Nam).
Năm 1998, khi dự án kết thúc, nhận thấy thôn Ngọc Sơn Tây không chỉ phù hợp để trồng rừng mà còn có thể trồng được các loại cây ăn trái nên ông Tánh tham gia Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc do UBND xã Hòa Quang Bắc thành lập.
Gần 20 năm gắn bó với trang trại, ông Tánh cùng các thành viên của tổ hợp tác đã trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây từ tiêu, cam, chanh, xoài, mít, bơ, đu đủ đến chuối, điều… để tìm ra cây trồng phù hợp nhất. Kết quả cho thấy cây mít, mãng cầu, bơ có thể phát triển tốt trên vùng đất này. Đặc biệt, cây mãng cầu nếu trồng theo kỹ thuật mới sẽ cho trái sai, chất lượng tốt và có giá trị kinh tế cao.
Để mở rộng diện tích trồng mãng cầu, Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc đã tìm trên thị trường loại mãng cầu dai có trái to, màu sắc đẹp, vị ngọt đậm để lấy hạt làm giống; đồng thời tìm hiểu nhiều kênh thông tin để nắm bắt kỹ thuật trồng mãng cầu dai đạt hiệu quả cao.
Qua quá trình tìm hiểu, rút kinh nghiệm, ông Huỳnh Văn Tánh đã đưa ra quy trình trồng mãng cầu dai khá hiệu quả. Trong đó, để cây phát triển tốt, người trồng cần tuân thủ quá trình bón lót (gồm phân chuồng hoai, phân lân, phân hữu cơ sinh học…) vào hố trước khi trồng cho mỗi cây.
Để trái thêm ngọt, người trồng có thể bón thêm phân Kali từ năm thứ ba trở đi với liều lượng 0,5kg cho mỗi cây, mỗi năm bón hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái.
Cây mãng cầu nếu để sinh trưởng bình thường, mỗi năm chỉ cho 1 lứa trái; tuy nhiên, nếu xử lý kỹ thuật hợp lý, mãng cầu sẽ cho mỗi năm 2 lứa trái. Việc xử lý kỹ thuật này bao gồm cắt cành, bón phân, xịt thuốc để kích thích cây ra hoa, cho trái.
Theo cách làm mới này, nhà vườn có thể thu hoạch trái bất kỳ thời gian nào trong năm. Để chuẩn bị cho đợt cao điểm mùa tết, trước đó 4 đến 5 tháng, nhà vườn sẽ chặt toàn bộ cành cao của cây, cắt bớt những cành nhỏ và vặt trụi lá, đồng thời phun các loại thuốc kích thích tăng trưởng để làm bật mầm hoa. Khi hoa hé nở có màu trắng xanh thì tiến hành thụ phấn.
Để bảo vệ cây tránh bị rệp sáp, nhà vườn có thể sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để xịt vào cuối vụ hoặc giữa vụ. Khi trái sắp chín, nhà vườn không xịt nữa để tránh gây độc cho người sử dụng.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác cây mãng cầu giúp tăng tỉ lệ đậu trái, tăng trọng lượng mỗi trái lên 300gram đến 400gram (so trước đây chỉ khoảng 200gram); đồng thời, trái mãng cầu sẽ cho gai to, màu sắc đẹp hơn; khi bóc vỏ, ruột không bị vỡ và chảy nước. Trái sau khi chín cũng để được lâu hơn. Sau khi thu hoạch, để cây có lực ra mầm, ra hoa sớm và trái đẹp, nhà vườn tiếp tục chăm bón, phục hồi cây với lượng phân bón thích hợp.
Thiếu nước tưới
Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc có 56 tổ viên với diện tích trồng khoảng 800ha gồm 600ha đất trồng rừng và 200ha đất trồng cây ăn trái. Trong số diện tích cây ăn trái, cây mãng cầu chiếm 20ha. Hiện mãng cầu được xem là cây trồng chủ lực của vùng đất này vì chúng cho năng suất tốt, chất lượng cao và giá cả ổn định.
Mỗi năm, chỉ riêng phần cây ăn trái, tổ hợp tác đã thu được lợi nhuận trên 2 tỉ đồng. Ông Huỳnh Văn Tánh cho biết về giống và kỹ thuật trồng, ông và các tổ viên ở đây nắm khá rõ, tuy nhiên khó khăn hiện nay chính là chưa tìm được nguồn cung cấp nước ổn định cho trang trại.
Trước đây, nguồn nước từ đập Lỗ Chài (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) đủ cung cấp cho cả vùng. Tuy nhiên, gần đây, khi nắng hạn xảy ra trên diện rộng, thì mỗi năm, khi vào mùa nắng, đập Lỗ Chài chỉ còn trơ lòng sỏi.
Việc thiếu nước đã ảnh hưởng đến quá trình canh tác cây ăn trái ở Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc. “Chúng tôi phải đặt đường ống để đưa nước từ đầu nguồn xuống tưới tiêu cho trang trại. Công việc này vất vả, tốn kém mà lượng nước đưa về lại thiếu hụt, không đủ tưới cho cây”, ông Võ Khắc Liên, một tổ viên của Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc, nói.
Về vấn đề xây dựng đập trữ nước, ông Ngô Đình Thiện, Phó ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho biết dự án xây dựng hồ chứa nước từ đập Lỗ Chài và suối Đôi đã được Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đề xuất lên UBND tỉnh xem xét, giải quyết nhưng hiện công trình này vẫn chưa được tiến hành.
Mặc dù không thuận lợi về nguồn nước, nhưng những tổ viên Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc không ngừng tìm tòi, trồng thử nghiệm những giống cây ăn trái mới. Cụ thể, ông Huỳnh Văn Tánh qua tìm hiểu nhiều kênh thông tin đã biết đến loại mãng cầu không hạt có trái lớn (khoảng 1kg/trái) và loại đu đủ Hồng Phi do GS.TS Nguyễn Lân Dũng giới thiệu (cho trái sai, chất lượng tốt) khi đến Phú Yên. Những loại trái này đang được tổ hợp tác ươm giống để chuẩn bị trồng khi bắt đầu vào mùa mưa.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, mô hình nuôi bồ câu phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Đây là vật nuôi đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao.
Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT phê duyệt tháng 5/2014 cho thấy những chuyển biến tích cực. Vì vậy, khắc phục điểm yếu và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong hội nhập.
Gần 20 năm về trước, gia đình ông Nguyễn Văn Tân (SN 1959, ở thôn Phú Diễn Trong, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) thuộc diện nghèo khó của địa phương. Nhưng với hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng nên một cơ nghiệp với doanh thu mỗi năm 700 triệu đồng và trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Là thú y viên trực thuộc Trạm Thú y huyện Hoài Ân (Bình Định) thường xuyên tiếp xúc vật nuôi nên trong huyết quản của anh luôn nóng cái “máu” chăn nuôi.
Hơn 3 năm thâm nhập vào khu dân cư, Chương trình GAHP (thực hành chăn nuôi an toàn) thuộc Dự án Cạnh tranh Ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (LIFSAP) của Lâm Đồng đã mang lại những hiệu quả tích cực về giảm thiểu tác động môi trường, tăng cường vệ sinh an toàn trong chuỗi cung ứng sản phẩm thịt, nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi…