M1-NĐ, có gì để tò mò

Lần nào anh Đoàn Văn Sáu hay còn gọi là Sáu Cường Tân đều phải cầm micro mà “thanh minh” rằng:
“Người nghiên cứu ra giống này tuy là con trai của ông Đặng Tiểu Bình, "cha đẻ" của giống BC15 nhưng em đâu có dám mơ được cạnh tranh với bác Báo (ông Trần Mạnh Báo, TGĐ Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình - PV). Em chỉ mong được chia sẻ gánh nặng với bác Báo mà thôi”…
Đúng là làm con của một người nổi tiếng thật khó thoát khỏi cái bóng khổng lồ của người cha (ngay cả người cha ấy cũng nhiều lần bị nhầm bởi họ đệm tên của mình giống 100% họ đệm tên của một người còn nổi tiếng gấp bội là cựu lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình.
Cũng may là một người làm chính trị ở Trung Quốc còn một người làm lúa giống ở Việt Nam).
Đặng Đức Ninh, con trai của ông Đặng Tiểu Bình tự nhủ thôi thì thiên hạ cố gắng một, mình phải cố mười vậy. Có lẽ hiếm một giống lúa thuần nào lại nổi tiếng như BC 15 khi nó liên tục cán mốc bán trên 10.000 tấn/vụ suốt nhiều năm ròng.
Khi mà nó liên tục là nỗi thèm thuồng trộn lẫn… oán giận của nhiều doanh nghiệp đối thủ vì “nuốt” quá nhiều thị phần của họ.
Sự nổi tiếng này gắn liền với hai từ: Năng suất và chất lượng, dù rằng độ chống chịu của nó ở một số mùa vụ, thời điểm còn là điều đáng phải bàn.
Thực tế đã có một số giống lúa năng suất tương đương với BC15 nhưng lại thua ở khoản chất lượng gạo. Có một số giống lúa chất lượng còn ngon hơn BC15 nhưng lại kém xa về năng suất. Thế nên BC15 mặc nhiên ở thế thượng phong, “độc cô cầu bại” một thời gian dài.
Suốt một thời gian dài được người cha dìu dắt, gần 20 năm sau sự ra đời của BC15, Đặng Đức Ninh cũng cho ra đời một giống lúa thuần mới. Thấy được tiềm năng của giống, Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân đánh tiếng mua bản quyền với giá 3,2 tỷ đồng, tức là gấp hơn chục lần cha anh năm xưa đã từng bán BC15 (200 triệu).
3,2 tỷ đồng có lẽ cũng là một trong những cái giá kỷ lục nhất trả cho thương vụ bản quyền lúa thuần. Sau khi về “làm dâu” ở Cường Tân, giống chính thức được đặt tên là M1-NĐ.
M1 có nghĩa là số một ở vụ mùa còn NĐ chính là một chữ ký bản quyền Nam Định đầy tự hào xứ sở. Cái tên kêu như thế có thực sự xứng đáng?
Chính PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam, bà Nguyễn Thị Vang kết luận ngắn gọn sau khi thăm mô hình trình diễn giống ở xã Yên Nam, huyện Duy Tiên rằng:
“Đề nghị công nhận đặc cách ngay M1-NĐ để nhân rộng ra nhiều địa phương khác”.
Cơ sở nào để bà Vang đưa ra kết luận ấy?
Thứ nhất là ở Yên Nam lúa phát triển mạnh, đẻ nhánh khỏe nhiều hơn cả một số giống lúa lai với số hạt chắc trên bông cao.
Thứ hai là thời gian sinh trưởng ngắn, chịu bạc lá tốt (điều này rất thích hợp với tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến cho lúa ở vụ mùa nhiều giống bị bạc trắng, nhất là Bắc thơm 7).
Thứ ba là cho năng suất vượt hơn đối chứng tới 26 kg/sào (đối chứng là Khang dân 18).
Và cuối cùng là hiệu quả kinh tế lãi hơn đối chứng tới 137.800 đồng/sào.
Tất cả những ưu điểm ấy mà thiếu đi một thứ đều coi như đổ sông, đổ biển: Chất lượng gạo. May mắn là cũng như BC15, cơm M1-NĐ ăn khá dẻo và khá ngon. Phải tự tin lắm nên Sáu Cường Tân mới hối người nấu một nồi cơm rồi nhanh chóng mang ra vài bát cho toàn đại biểu quan khách đi ô tô dự hội nghị đầu bờ ở Yên Nam nếm thử.
Tôi chú ý từng bàn tay veo véo vào bát cơm trình diễn, từng cái miệng tóp tép nhai và cả từng nụ cười lẫn ánh mắt sau đó. Phần đa đều là những nụ cười, những cái chép miệng đồng thanh: “Ăn được”.
Chỉ nghe đến đấy mà “gánh nặng ngàn cân” trên vai của Đoàn Văn Sáu được trút bỏ hoàn toàn. Thời buổi “ăn ngon mặc đẹp” này đã khác xa với thời buổi “ăn no mặc ấm” của những Khang dân 18, Q5 năm nào.
Hoa hậu còn có nốt ruồi nữa là giống nên nói mãi về những ưu điểm có khi lại không đáng tin cậy. Vậy nhược điểm của M1-NĐ này là cái gì? Cái tên đã ẩn chứa câu trả lời. Mùa số một (tức M1) chỉ trồng được ở vụ mùa.
Lý do thứ nhất là dễ nhiễm đạo ôn và khi nhiệt độ thật thấp sẽ bị bất dục ngược. Thế nên dù có bà con có yêu đến mấy tính chống chịu bạc lá, năng suất, chất lượng của M1-NĐ cũng xin nhớ nằm lòng cho rằng đừng có mà trồng giống này ở vụ xuân kẻo rủi ro chỉ bổ béo mấy ông kinh doanh… thuốc trợ tim mà thôi.
Có thể bạn quan tâm

Việc thí điểm phát triển chăn nuôi (PTCN) bò sữa theo vùng (từ năm 2008 đến 2010) tại Hà Nội thành công đã khẳng định với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Hà Nội thì PTCN theo vùng, quy mô lớn ngoài khu dân cư là hướng đi tốt. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tham mưu đề xuất Chương trình PTCN theo vùng, xã trọng điểm và PTCN quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 - 2015 và đã được UBND thành phố phê duyệt.

Cho ngan ăn sau một ngày bỗng thấy hàng trăm con ngan trong trại lăn đùng ra chết. Xung quanh vấn đề này ông Lỗ Cao Chí, chủ trang trại ngan nghi vấn có thể do loại thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín

Trước thực trạng ngày càng nhiều người nuôi tôm ở Ấn Độ chuyển sang nuôi tôm chân trắng, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo người nuôi thận trọng trong từng khâu sản xuất mới có thể duy trì sản lượng cao.

Mỗi năm trang trại nuôi chim cút của anh Hưng cho thu lãi gần trăm triệu đồng, tạo điều kiện cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khá...

Với hơn 20 ha trồng cam sành, mỗi năm đem về cho gia đình ông Lê Văn Hít (Năm Hít) ở ấp 3, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang không dưới 500 triệu đồng.