Trang chủ / Hải sản / Nuôi cua

Lưu ý trong sản xuất cua giống

Lưu ý trong sản xuất cua giống
Tác giả: Ban KHKT
Ngày đăng: 04/01/2021

Hỏi: Biện pháp xử lý nước trước khi ương cua giống? (Phạm Thị Hà, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Nước được sử dụng ương cua giống có độ mặn từ 25‰ trở lên. Sau khi đã bơm đầy nước vào bể lắng, tiến hành đánh thuốc tím (KMnO4) nồng độ 1,5 – 2 ppm (1,5 – 2 g/m3). Sục khí bể lắng liên tục trong 30 phút, tiếp theo sử dụng vôi bột CaCO3 (hoặc vôi Dolomite) nồng độ 50 g/m3 nước, tiếp tục sục khí mạnh trong 30 phút nữa, sau đó tắt sục khí để cho nước lắng hết chất hữu cơ lơ lửng. Khi nào nước trong thì bơm sang bể khác qua túi lọc để xử lý Chlorine. Nồng độ Chlorine tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm của nguồn nước, thông thường từ 30 – 50 g/m3 nước, sục khí mạnh khoảng 30 phút cho Chlorine hòa tan đều trong bể rồi tắt để trong khoảng 6 – 12 giờ. Sau đó tiếp tục sục khí mạnh để cho Chlorine bay hơi hết. Trước khi sử dụng phải thử xem còn dư Chlorine không, nếu còn dư thì phải trung hòa bằng Natri Thiosulphate để đảm bảo chất lượng nước.

Hỏi: Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng cua? (Nguyễn Văn Hùng, xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Bể ương ấu trùng có thể là composite hoặc xi măng. Trước khi cua mẹ nở 1 ngày, tiến hành cấp nước vào các bể ương. Khi cấp nước xong, lắp sục khí, sử dụng EDTA 5 ppm để kết tủa hết kim loại nặng trong khoảng thời gian 30 phút.

Thức ăn cho ấu trùng Zoea 1 là thức ăn tổng hợp và Artemia bung dù, cho ăn sau khi cua nở 1 giờ. Khi nở hết trứng phải vớt ngay cua mẹ ra để hạn chế tối đa sự nhiễm bẩn do phân và tơ trứng của cua mẹ thải ra. Giảm nhẹ sục khí cho toàn bộ chất bẩn lắng xuống đáy bể, đồng thời dùng 1 que nhỏ để vớt màng trứng nổi trên mặt, sau đó xi phông hết chất bẩn.

Tiến hành thu ấu trùng bằng vợt mịn, tắm qua nước biển có pha Iodine rồi đưa vào bể ương. Mật độ thả ấu trùng vào các bể ương: 150 cá thể/lít.

Ấu trùng giai đoạn 1: Cho ấu trùng ăn Artemia bung dù đến hết ngày thứ 7. Mỗi ngày cho ăn 4 lần: 6h, 12h, 18h, 0h. Theo dõi diễn biến màu nước trong các bể ương, nếu biến đổi bất thường phải có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp có xuất hiện vỏ Artemia trong bể nhiều hoặc vón cục thì tắt sục khí để cho nổi lên sau đó vớt ra ngoài rồi hút bớt nước, lau sạch thành bể. Thông thường, đến ngày thứ 5 thì xi phông thay nước, nếu thấy nước quá bẩn có thể xi phông ở ngày thứ 3. Mức độ thay nước không quá 30%.

Ấu trùng giai đoạn 2: Khi trong bể ương xuất hiện ấu trùng Zoea 5 thì tiến hành san thưa ra các bể mới. Lượng thức ăn vẫn được duy trì như cũ, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tổng hợp tùy theo khả năng bắt mồi của ấu trùng cua. Khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn megalops thì ngưng cho ăn Artemia, chuyển sang dùng thức ăn chế biến/tổng hợp. Mỗi ngày cho ăn 6 – 8 lần, lượng cho ăn tùy theo khả năng bắt mồi của ấu trùng. Giai đoạn megalops chuyển xuống dưới đáy cần tiến hành rải vỏ hến vào bể ương để chúng trú ẩn tránh hiện tượng ăn thịt lẫn nhau khi lột xác. Vài ngày sau tiếp tục thả vật bám bằng các dây plastic vào trong bể. Khoảng 26 – 28 ngày thì chuyển hoàn toàn ra cua có thể thu và xuất bán được.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cua biển sử dụng thức ăn công nghiệp tại Hà Tĩnh Nuôi cua biển sử dụng thức ăn công nghiệp tại Hà Tĩnh

Triển khai mô hình nuôi cua sử dụng thức ăn công nghiệp, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

21/10/2020
Chọn giống cua đinh Chọn giống cua đinh

Để có được cua đinh giống chất lượng cần chọn mua giống ở những cơ sở có uy tín. Cua đinh giống được chia làm 3 loại, loại 1 từ khi nở đến 2 tuần tuổi bán

26/10/2020
Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn nuôi cua Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn nuôi cua

Chất lượng thức ăn ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sinh trưởng và sức khỏe của cua. Vì vậy, tùy vào giai đoạn phát triển của cua mà người nuôi cần xác định loại

29/10/2020