Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá rô phi

Lưu ý quan trọng khi nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc

Lưu ý quan trọng khi nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc
Tác giả: Nguyễn Thị Diệu Phương - Viện Nghiên cứu NTTS I
Ngày đăng: 30/09/2020

Ứng dụng công nghệ biofloc cho nuôi cá rô phi giúp giảm được khoảng 20 – 30% lượng thức ăn hàng ngày, hệ số tiêu tốn thức ăn giảm xuống còn 1.1 – 1.2, cá sinh trưởng nhanh, cỡ thu hoạch đồng đều. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ này cần lưu ý một số điểm quan trọng.

Thiết kế hệ thống nuôi

Hệ thống điện, máy phát

Ao nuôi phải có hệ thống điện ổn định hoặc máy phát có công suất đủ lớn để đảm bảo nguồn năng lượng cho các thiết bị cung cấp ôxy cho ao nuôi được vận hành 24/24.

Ao nuôi

Ao nuôi hình tròn hay hình vuông có các góc tròn, diện tích ao nên từ 1.000 – 2.000 m2 để dễ quản lý, ao có bờ bê tông, đáy ao lót bạt HDPE, độ sâu mức nước ao >1,5 m. Cấp nước vào ao từ nguồn nước sạch không bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải từ nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp. Cấp nước vào ao qua lưới chắn để loại bỏ trứng, ấu trùng và con non của các động vật gây hại theo nước vào ao nuôi.

Hệ thống quạt nước và sục khí

Nên lắp 1 – 2 quạt nước (8 – 12 cánh quạt) và 1 – 2 máy sục khí cho mỗi ao. Máy sục khí được gắn với hệ thống đường ống cấp khí tới đá bọt. Mật độ đá bọt trung bình là 1 quả cho 4 m2 ao, đá bọt được bố trí cách đáy ao 15 cm đảm bảo khi đá bọt hoạt động sẽ tạo nên dòng chảy, tăng cường đối lưu nước ở khu vực giữa ao.

Gây và duy trì floc

Cần bổ sung nguồn carbon để duy trì tỷ lệ C/N trong ao là 12/1. Ban đầu cần chuẩn bị dung dịch biofloc mồi bằng cách pha 1% thức ăn cá và 1% chế phẩm sinh học chủng Bacillus sp vào nước sạch. Tiến hành sục khí, khuấy đảo nước liên tục trong 24 – 48 giờ, duy trì pH từ 6 – 7,2 để quá trình lên men diễn ra nhanh. Có thể bón biofloc mồi với lượng 10 lít/ 1.000 m2 ao/ngày trong 30 ngày liên tục từ khi thả giống để kích thích sự hình thành biofloc. Định kỳ 1 tuần/lần bổ sung carbon như rỉ mật đường, cám gạo… và biofloc mồi để duy trì hàm lượng floc trong ao khoảng từ 10 – 20 ml/l.

Thả giống

Mật độ cá thả 5 – 6 con/m2, nên thả cá cỡ từ 5 – 10 g/con. Lựa chọn cá giống có nguồn gốc rõ ràng, kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không bị nhiễm mầm bệnh do vi khuẩn Streptococcus sp. và Aeromonas sp.

Cho ăn và quản lý thức ăn

Cỡ cá (g/con) Hàm lượng đạm trong thức ăn (%) Lượng thức ăn (% trọng lượng cá/ngày)
5-10 30-35 6-8
10-100 28-30 5-6
100-200 26-28 4-5
200-500 22-24 3-4
Trên 500 18-20 2-3

 

Cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp 2 lần/ngày, khẩu phần ăn đáp ứng 90% mức độ thỏa mãn trung bình. Khi bắt đầu chu kỳ nuôi, khẩu phần ăn là 6 – 8% sau đó giảm dần ở những tháng tiếp theo đến 2% trước khi thu hoạch. Thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn, sức khỏe của cá và điều kiện thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh lãng phí thức ăn và tận dụng tối đa lợi ích của floc. Mỗi tuần ngừng cho cá ăn 1 ngày để kích thích cá sử dụng sinh khối biofloc trong ao làm thức ăn.

Quản lý môi trường ao nuôi

Hàng tuần kiểm tra chất lượng nước và đo hàm lượng floc trong ao nuôi. Sử dụng phễu Imhoff để đo thể tích floc, lấy 1 lít nước ao nuôi, để lắng 30 phút, đo thể tích floc lắng dưới đáy phễu, thể tích floc duy trì ở mức 10 – 20 ml/l là phù hợp. Khi hàm lượng floc đo được thấp, cần bổ sung thêm nguồn carbon và chế phẩm sinh học để duy trì hàm lượng floc trong ao. Trong 2 tháng nuôi đầu chỉ chạy máy quạt nước và sục khí khi bón bổ sung rỉ đường và biofloc mồi. Từ tháng nuôi thứ 3 cần sử dụng cả sục khí và quạt nước 24 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch để duy trì hàm lượng ôxy > 4 mg/l và đảm bảo biofloc lơ lửng trong nước. Nếu ôxy quá cao, cần giảm lại số lượng các thiết bị sục khí để tiết kiệm năng lượng, khi hàm lượng ôxy thấp hơn 4 mg/l thì cần bổ sung thêm thiết bị sục khí.

Hàm lượng tổng amoni nitơ (TAN) cần được duy trì ở mức dưới 0,5 mg/l, khi TAN tăng cao, cần phải bổ sung carbon. Trong quá trình nuôi không cần thay nước, chỉ cần bổ sung lượng nước bị thất thoát do bốc hơi đảm bảo mực nước được duy trì khoảng 1,5 m.

Hạn chế của công nghệ

Ở Việt Nam giá điện và xăng dầu cao, mà công nghệ này nuôi mật độ cao, lượng ôxy trong ao tiêu thụ nhiều, do đó đòi hỏi phải vận hành thiết bị sục khí liên tục 24/24 nhằm đảm bảo đủ ôxy hòa tan cho cá nuôi và vi sinh vật hoạt động. Chi phí năng lượng là khá cao (khoảng 8 – 10% chi phí sản xuất) và khó khăn khi mất điện. Chi phí đầu tư ban đầu lớn, bao gồm chi phí nạo vét bùn đáy, lót bạt nền đáy, trang bị hệ thống quạt nước, sục khí… ước tính 50 – 60 triệu đồng/ao. Bên cạnh đó, người nuôi cần có hiểu biết và nắm vững kiến thức để quản lý floc nhằm đạt hiệu quả cao.

Hiệu quả kinh tế

Công nghệ biofloc đã được áp dụng thành công trong nuôi cá rô phi thâm canh ở một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Công nghệ này cho tỷ lệ sống đạt 80 – 85%, năng suất nuôi khoảng 25 – 40 tấn/ha/vụ, có thể nuôi tới 2 vụ nuôi/năm. Tỷ lệ lợi nhuận/vốn đạt khoảng 20% cho 1 chu kỳ nuôi 6 tháng.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển vắc-xin Lactococcus garvieae tự sinh cho cá rô phi sông Nin Phát triển vắc-xin Lactococcus garvieae tự sinh cho cá rô phi sông Nin

Mục tiêu chính của nghiên cứu này là phát triển một loại vắc-xin tự sinh bảo vệ gốc dầu để bảo vệ cá rô phi trên hồ Kariba.

05/09/2020
Ước lượng vi rút hồ cá rô phi (TiLV) và khả năng tác động của chúng với năng suất cá rô phi Ước lượng vi rút hồ cá rô phi (TiLV) và khả năng tác động của chúng với năng suất cá rô phi

Cá rô phi là loài cá được nuôi nhiều thứ hai trên thế giới (đứng sau cá chép) được ước tính khoảng 4,5 đến 5 triệu tấn mỗi năm

05/09/2020
Bệnh ISKNV ở cá rô phi Bệnh ISKNV ở cá rô phi

Cá rô phi là một trong hai đối tượng nuôi chủ lực ở nước ngọt ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tuy nhiên trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh ở cá diễn

16/09/2020