Lưu Ý Khi Nuôi Cá Kèo
Cá kèo tuy không phải là đối tượng dễ nuôi, ít bệnh, nhưng đã có nhiều hộ nuôi rất thành công, cho lợi nhuận khá. Tuy nhiên, hiểu biết của đa số bà con về cá kèo vẫn còn quá ít.
Sau đây là những kỹ thuật cơ bản mà người nuôi cần nắm để vận dụng vào điều kiện thực tế.
* Về mùa vụ nuôi
Do phụ thuộc vào nguồn giống nên mùa vụ nuôi cá kèo thường tiến hành từ tháng 4-5 dl, khi bắt đầu có con giống tự nhiên. Đây cũng là mùa thuận, do các tháng đầu mùa mưa có nhiệt độ cao, mưa chưa nhiều nên độ mặn và các yếu tố thủy lý hóa ít biến động, điều kiện môi trường thuận lợi cho cá kèo.
Hoặc có thể sử dụng ao nuôi tôm sau khi thu hoạch để thả nuôi cá kèo vào các tháng mùa mưa, nước ngọt khoảng từ tháng 5-8 dl. Điều quan trọng là cần chú ý bố trí mùa vụ nuôi sao cho tránh thu hoạch tập trung để không rớt giá và nếu nuôi công nghiệp nên có cán bộ kỹ thuật bám sát tư vấn kịp thời.
* Ao nuôi và diện tích ao: Cá kèo có thể nuôi trong nhiều loại ao đất thông thường miễn là có vách bờ cao ráo, vững chắc không bị thấm mội để cá không thể vượt đi. Có thể nuôi luân canh cá kèo trong ao nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh hoặc ao nuôi quảng canh để cắt nguồn bệnh cho tôm nuôi vụ sau, hay nuôi trong ruộng muối vào mùa mưa khi nước bị giảm độ mặn không sản xuất được muối.
Hoặc cũng có thể thả nuôi sinh thái mật độ thấp trong ao vườn, vuông rừng, trong ruộng tôm vào mùa cấy lúa… Chỉ nuôi công nghiệp ở vùng có nguồn nước tốt, diện tích thích hợp nhất từ 1.000-2.000 m2.
Phải chuẩn bị cải tạo ao, ruộng nuôi thật kỹ trước khi tiến hành thả cá giống, cụ thể cần tiến hành các khâu sau:
- Diệt tạp: Nguyên tắc nghiêm ngặt nhất phải thực hiện trong nuôi cá kèo là phải diệt hết cá tạp, cá dữ và các loài địch hại khác. Nhưng không dùng hóa chất mà dùng rễ dây thuốc cá, với liều lượng 1kg rễ tươi cho 100 m3 nước ao.
- Cải tạo ao: Tát khô nước ao đầm, phơi đáy 2-3 ngày, rải vôi bột xuống đáy ao để hạ phèn, diệt tạp, diệt các mầm bệnh, với lượng dùng 8-12 kg/100 m2. Bón lót cho ao bằng phân hữu cơ, liều lượng 20-30 kg/100 m2 ao, sau đó có thể xới đảo bùn đáy để hoà trộn vôi và phân hữu cơ tạo điều kiện cho vi sinh vật đáy phát triển làm nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Những ao ở vùng bị nhiễm phèn thì không phơi đáy. Chú ý tạo vi sinh cho ao nuôi.
- Khi lấy nước vào ao cần chắn qua lưới lọc để tránh các loại địch hại, cá dữ, cá tạp lọt vào ao sẽ hại cá giống và tranh giành thức ăn.
* Kích cỡ và mật độ thả cá giống:
Yêu cầu cá giống phải khoẻ mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, không bị nhiễm bệnh, màu sắc tươi sáng, có nhiều nhớt. Có kích cỡ 3-5 cm hoặc 4-6 cm và được ương nuôi trong ao là tốt nhất, vì đã thích nghi với điều kiện trong ao và thường có kích cỡ đồng đều, khỏe hơn.
Tùy điều kiện ao nuôi, khả năng quản lý, chăm sóc và cỡ cá giống, có thể thả nuôi với mật độ 30 - 60 con/m2. Nếu cỡ cá giống nhỏ nên thả mật độ cao hơn so với cỡ cá lớn để trừ hao hụt trong khi nuôi.
* Chăm sóc và quản lý ao nuôi
a. Thức ăn: Cá kèo là loài ăn tạp, không chỉ ăn phù du động thực vật, sinh vật đáy, rong tảo, mùn bã hữu cơ… có tự nhiên trong ao, mà nó còn ăn được các thức ăn do người chế biến và thức ăn viên công nghiệp.
Để gây tạo và duy trì thức ăn tự nhiên, phải định kỳ bón thêm phân hữu cơ đã ủ hoai từ 10-15 kg/100 m2/tuần hoặc 100-150g phân vô cơ (DAP, NPK)/tuần. Tự tạo thức ăn chế biến gồm cám gạo (60-70%) và bột cá (30-40%) trộn đều và nấu chín, trộn thêm premix khoáng và các vitamin A, D, E, C (tổng cộng 0,2-0,3% tổng trọng lượng thức ăn). Hàm lượng đạm trong thức ăn dao động từ 25% ở 2 tháng đầu, sau đó giảm dần xuống 22% rồi 20% ở tháng thứ 3,4 và 18% cho hai tháng nuôi cuối. Khẩu phần ăn chỉ nên cho khoảng 5% tổng trọng lượng đàn cá/ngày. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát.
Nếu cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp, cần phải chọn loại kích cỡ thức ăn phù hợp với độ lớn và kích thước miệng để cá có khả năng sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Khẩu phần thức ăn viên công nghiệp cần cung cấp từ 1-1,5% tổng trọng lượng đàn cá/ngày và cũng cho ăn ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Ngoài ra, nên bổ sung thêm một số loại men tiêu hoá vào thức ăn nhằm kích thích cá tiêu hoá tốt hơn.
b. Quản lý ao nuôi
- Quản lý chất lượng nước: Cần chủ động điều chỉnh mực nước ao tăng, giảm phù hợp với các giai đoạn phát triển của cá nuôi.
- Phòng trị bệnh cho cá nuôi:
Cá kèo thường gặp một số bệnh như trướng bụng do ăn không tiêu, bệnh lở loét trên thân do ký sinh trùng, đốm trắng trên thân và đầu kèm theo xuất huyết các góc vây do nhiễm vi khuẩn huyết.
Để phòng bệnh cho cá, trước hết phải tuân thủ các khâu kỹ thuật, chọn cá giống khoẻ mạnh, không thả nuôi mật độ quá dày, không để nước ao bị ô nhiễm, duy trì độ mặn thích hợp. Thức ăn cần phải đủ khẩu phần, đủ hàm lượng chất dinh dưỡng và nên bổ sung thêm các Vitamin, quan trọng nhất là Vitamin C (50-60mg/kg thức ăn).
Khi phát hiện cá bị bệnh, phải nhờ cán bộ chuyên môn xác định đúng loài ký sinh hay vi khuẩn gây bệnh để dùng đúng loại thuốc chữa trị và tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất và thuốc kháng sinh đã bị cấm.
* Thu hoạch cá nuôi:
Sau 5-6 tháng nuôi, cá kèo có thể đạt trọng lượng trung bình là 20-30 g/con (30-50 con/kg). Tùy theo giá cả thị trường, người nuôi sẽ chọn thời điểm để thu hoạch. Hiện nay do có nhu cầu và giá bán thường xuyên ở mức cao, mà suất đầu tư thấp nên cá kèo đang rất hấp dẫn nông dân. Nhưng bà con cũng nên thận trọng, không nuôi đại trà và tránh thu hoạch tập trung để khỏi bị lỗ do rớt giá./.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, mô hình nuôi cá kèo (cá bống kèo) với tôm nước lợ thâm canh hay bán thâm canh để cắt mầm bệnh trong nuôi tôm là không mới. Tuy nhiên, bên cạnh một số hộ nuôi hiệu quả cao thì còn nhiều hộ nuôi thất bại do không am tường kỹ thuật nuôi đối tượng này.
Những năm qua, mô hình luân canh nuôi cá bống kèo với tôm nước lợ thâm canh hay bán thâm canh để cắt mầm bệnh trong nuôi tôm là không mới. Tuy nhiên, bên cạnh một số hộ nuôi cá kèo mang lại hiệu quả cao thì còn nhiều hộ nuôi thất bại do không am tường kỹ thuật nuôi đối tượng này.
Hiện cá kèo chưa sinh sản nhân tạo được, nguồn giống được khai thác chủ yếu là đánh bắt tự nhiên, số lượng và chất lượng không ổn định.
Cá kèo là loài sống chủ yếu ở vùng nước lợ và nước mặn, nhưng cũng có thể sống ở nước ngọt. Chúng làm hang ở các bãi bùn và có thể trườn lên trên các bãi này để đi lại và tìm kiếm thức ăn.
Cá kèo là loài sống chủ yếu ở vùng nước lợ và nước mặn, nhưng cũng có thể sống ở nước ngọt