Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hỗn loạn thị trường thức ăn chăn nuôi bổ sung

Hỗn loạn thị trường thức ăn chăn nuôi bổ sung
Ngày đăng: 06/07/2015

Cách đây 4 năm, khi giá heo hơi chạm đáy (dưới mức 40 ngàn đồng/kg), mà thức ăn bổ sung (trộn vào thức ăn chăn nuôi) vẫn sống khỏe, còn nay, giá heo đang ở mức "thơm" (47 ngàn đồng/kg) thì loại thức ăn này mặc sức tung hoành trong khi quản lý nhà nước bất cập.

"Nhiều quá nhớ không hết!"

Theo PGS.TS Dương Thanh Liêm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (nay là cố vấn giảng dạy Bộ môn dinh dưỡng TĂCN) thì thức ăn bổ sung (TĂBS) chứa những dưỡng chất ở hàm lượng đậm đặc dùng để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi thông thường để cân bằng dưỡng chất hoặc điều chỉnh tỷ lệ dưỡng chất trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại TĂBS được các nhà SX khuyến cáo với tỷ lệ trộn khác nhau cho gia súc, gia cầm ăn trực tiếp, chẳng hạn 1kg/5kg TĂCN, 1kg/10kg, 1kg/100kg, 1kg/1.000 kg, thậm chí 1kg/2.000 kg TĂCN.

Ông Nguyễn Thanh Thảo, chủ một trại heo nái 300 con ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) cho biết, mỗi tháng tiền thức ăn chăn nuôi (cám heo) của ông khoảng 200 triệu thì chi phí thức ăn bổ sung chiếm khoảng 4%.

Do chăn nuôi không thể thiếu TĂBS, hơn nữa là một trại heo lớn nên gần như hàng ngày, ông Thảo đều tiếp xúc với các nhân viên thị trường (còn gọi là "seo") của nhiều Cty đến chào hàng.

"Bình quân 1 ngày tôi tiếp ít nhất cũng 2 - 3 "seo" đến tận trại chào sản phẩm dinh dưỡng bổ sung như ADE, B.complex, vitamin C, đặc trị tiêu chảy, đặc trị hô hấp, tăng trưởng nhanh, giảm FCR, tăng tốc, sumo, thảo dược tăng trưởng, chống còi, bung đùi, nở mông nở vai tạo nạc, kích thích lên giống, kích thích sữa, bung mông thịt đỏ, glucan, bổ sung vitamin... Thật tình là không thể nhớ hết", ông Thảo thốt lên.

Vẫn theo ông Thảo, hiện người chăn nuôi chưa hài lòng về chất lượng của một số loại thức ăn chăn nuôi như nuôi heo chậm lớn, nuôi dài ngày, lợi nhuận thấp, dịch bệnh nhiều, xuất bán giá không cao nên khi nghe các nhân viên "seo" của Cty hay đại lý giới thiệu các loại TĂBS tốt và mang lại lợi nhuận nhiều là trang trại sử dụng mà họ không cần biết trong sản phẩm đó "chứa" cái gì, cứ thấy trên bao bì sản phẩm quảng cáo "bung mông, bung đùi, nở vai, da hồng, lông mượt, thịt đỏ, nạc nhiều, kích thích tăng trưởng"... là mua về sử dụng.

Chị Hồng, chủ một đại lý cấp 1 bán thuốc thú y và TĂBS ở huyện Trảng Bom, nơi có tổng đàn heo 200 ngàn con và 2 triệu con gia cầm, cho biết, có đến 80% trang trại chăn nuôi sử dụng sản phẩm TĂBS, nhưng số lượng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào quy mô, tùy theo cách "bổ sung" và quan niệm chăn nuôi của mỗi trang trại.

Để chứng minh, chị Hồng chỉ cho tôi xem các sản phẩm TĂBS bán theo bịch trưng bày trong cửa hàng đủ loại từ 100 gr; 0,5 kg đến 1 kg/bịch. Như Vitamin C, BcomplexC, ADE Bcomplex, Vitamix, Canxi Biotin, Chống còi, Sumo... giá cả vô chừng, có sản phẩm chỉ có 28.000đ/kg nhưng có thứ cao gấp 10-20 lần, thậm chí có sản phẩm lên tới cả triệu/kg, không biết đâu mà lần. Chị Hồng cũng thừa nhận, hầu hết các Cty bán sản phẩm TĂBS đều có mức chiết khấu khá cao, có nơi 30% nhưng cũng có Cty "cho" tới 50%!

"Nói thật với bạn, mấy ông "seo" đến chào hàng sản phẩm TĂBS mà chiết khấu 50% là tui đuổi hết, cho đại lý kiểu đó thì giết người chăn nuôi à, mình mua bán phải có lương tâm chứ!", chị Hồng nói.

Quản lý bất cập

Chính vì tâm lý người chăn nuôi như vậy nên hiện nay hàng loạt Cty, DN ra đời chuyên SXKD các sản phẩm TĂBS. Hiện nay, trên thị trường có khoảng từ 50 - 60 Cty sản xuất các sản phẩm bổ sung là có đăng ký sản xuất, còn những Cty "lôm côm" không có đăng ký với hàng loạt sản phẩm, mẫu mã bao bì đẹp mắt thì nhiều vô số mà mục đích cuối cùng là thỏa mãn nhu cầu các trang trại và điều cơ bản nhất là lợi nhuận kiếm được rất cao.

Quả thật, theo ông V, chủ một DN sản xuất TĂBS ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) nay đã giải nghệ tiết lộ, 1 kg TĂBS kích thích tăng trưởng là 60 ngàn, trong đó không ít DN đưa nguyên liệu gồm 80% bột sò (1.000đ/kg) và bột đá (800đ/kg) còn lại là ít đường Dextrose (còn gọi là đường sinh học, giá 13.000đ/kg).

"Trong 1 kg TĂBS này thực chất chỉ có 100 g (1 lạng) vitamin hoặc các chất khác, còn lại 900 g thuộc về 3 nguyên liệu nói trên. Trong đó, bột đá chỉ cung cấp canxi và phospho chứ không phải cung cấp đạm. Vì vậy, họ bán cho đại lý 60 ngàn/kg, chiết khấu 50% tức còn lại 30 ngàn/kg vẫn có lời", ông V nói.

Vẫn theo ông V, các Cty "lôm côm" hầu hết đều sử dụng các nguồn nguyên liệu chính là bột sò, bột đá cùng với đường dextrose trộn lại chiếm tỷ lệ 80 - 90%, chỉ có 10% là các vitamin và khoán bổ sung cho vừa đủ, thậm chí không cần bỏ gì hết thì heo cũng ăn mạnh bởi vì có hàm lượng đường dextrose kích thích tính ngon miệng giúp vật nuôi ăn nhiều hơn so bình thường khi không sử dụng TĂBS.

Tìm hiểu của chúng tôi, trong thực tế có Cty đăng ký ở Bộ NN-PTNT chỉ có 4 - 5 sản phẩm TĂBS nhưng khi đưa bảng giá ra thị trường thì có tới mấy chục sản phẩm. Ngoài ra, còn có rất nhiều sản phẩm không hề đăng ký vẫn lưu hành thoải mái trên thị trường.

Lý giải về vấn đề này, bà T (Giám đốc Cty N.L, xin không nêu tên) ở huyện Tân Uyên (Bình Dương) chuyên sản xuất TĂBS thừa nhận: "Hiện nay, thủ tục đăng ký rất bất cập, chúng tôi ở phía Nam phải ra tận Hà Nội để đăng ký trong tình trạng cơ quan tiếp nhận đăng ký (Cục Chăn nuôi hoặc Cục Thú y) thường xuyên quá tải, phải chờ đợi rất lâu nên DN rất nản lòng. Vì vậy, có những sản phẩm TĂBS chưa đăng ký, không được phép lưu hành trên thị trường nhưng vì đã lỡ làm nên buộc lòng chúng tôi phải bán “chui”.

Vị GĐ này cũng thừa nhận, TĂBS đang trong tình trạng “loạn", trong đó nguyên nhân một phần do sự bất cập trong công tác quản lý của Nhà nước.

"Ví dụ, có những DN không thể đăng ký được những thông tin như “bung đùi, nở mông, tạo nạc” trên sản phẩm, nhưng trên thị trường thì xuất hiện nhan nhản, rất nhiều những sản phẩm loại này, họ công khai quảng cáo trên bao bì với từ ngữ rất kêu, bao bì màu sắc lại bắt mắt", bà T than vãn.

Điều đáng nói là, trong khi TĂBS được các Cty, DN đưa xuống các cửa hàng thuốc thú y phân phối là chính, nhưng theo phân cấp quản lý thì cơ quan thú y địa phương lại không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng và xử phạt mà trách nhiệm này thuộc về Thanh tra Sở NN-PTNT.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Tra Theo Quy Trình VietGAP, Hướng Đi Tất Yếu Nuôi Cá Tra Theo Quy Trình VietGAP, Hướng Đi Tất Yếu

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nuôi cá tra theo quy trình VietGAP sẽ giúp nông dân, doanh nghiệp tăng giá trị cho con cá tra thương phẩm, đảm bảo lợi ích cho người nuôi cũng như nhà chế biến xuất khẩu.

27/08/2012
Chôm Chôm Rớt Giá Chôm Chôm Rớt Giá

Hiện nay, giá chôm chôm thường được thương lái mua tại vườn trong tỉnh Đồng Nai chỉ còn 800 - 1.000 đồng/kg, giảm 4 - 5 ngàn đồng/kg so với cuối tháng 7-2012. Do giá chôm chôm quá thấp, công thuê lao động hái cao nếu có thu hoạch bán cũng không đủ trả công nên nhiều nhà vườn đành bỏ trái chín không thu hoạch.

27/08/2012
Tôm Nguyên Liệu Và Tôm Giống Liên Tục Tăng Giá Tôm Nguyên Liệu Và Tôm Giống Liên Tục Tăng Giá

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, tuần qua, giá tôm sú nguyên liệu cỡ 20 con/kg tại Cà Mau tăng thêm 5.000 đồng/kg so với tuần trước.

28/08/2012
Nghề Chăn Ong Mật Nghề Chăn Ong Mật

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 300 điểm chăn thả ong mật, mỗi điểm có hơn 300 thùng chứa với hàng chục nghìn đàn ong trú ngụ và toả đi hút mật. Ông Lê Triển, Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết, ở Hải Lăng có gần 50 điểm chăn thả ong mật với khoảng 3.000 đàn ong. Các chủ ong phần lớn ở các tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Long An...

30/08/2012
Nông Dân Trúng Lớn Vụ Nghêu 2012 Nông Dân Trúng Lớn Vụ Nghêu 2012

Nếu như vụ nghêu 2011 có hàng trăm hộ nuôi rơi vào cảnh lỗ nặng do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng thì sang năm 2012 bà con ai cũng thở phào nhẹ nhỏm vì nghêu đang phát triển tốt. Hiện nghêu thương phẩm có giá bán khá cao, năng suất tăng hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu.

09/09/2012