Lúng Túng Triển Khai Gói Hỗ Trợ Ngư Dân

Không chỉ ngư dân mà lãnh đạo nhiều địa phương cũng thừa nhận còn “mù mờ” về điều kiện, thủ tục giải ngân nguồn vốn hỗ trợ ngư dân.
Ngày 26-9, tại hội nghị triển khai nghị định 67 về chính sách hỗ trợ ngư dân do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chủ trì tại Quãng Ngãi, không chỉ ngư dân mà lãnh đạo nhiều địa phương cũng thừa nhận còn “mù mờ” về điều kiện, thủ tục giải ngân nguồn vốn này.
Dù nghị định 67 đã được ban hành hơn ba tháng nay, NHNN cũng có thông tư hướng dẫn và chỉ định năm ngân hàng thương mại (gồm Agribank, BIDV, VietinBank, MHB và Vietcombank) trích 14.000 tỉ đồng cho ngư dân vay, nhưng hầu như chưa ngư dân nào tiếp cận được nguồn vốn này.
Ngư dân Phan Hiển, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), cho biết bà con mong sớm được vay vốn nên khi có chủ trương, xã đã rà soát được năm hộ gia đình, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn.
Tuy nhiên, ngư dân chỉ được giải thích và hướng dẫn về lãi suất cho vay ưu đãi theo các loại công suất tàu, vật liệu tàu, ngoài ra không biết gì hơn.
“Chúng tôi chưa biết đóng tàu theo mẫu nào, ai đóng, máy mới hay máy cũ, bảo hiểm tàu, thuyền viên ra sao... Rồi các hộ dân đã đăng ký cũng không biết có được vay hay không, công tác xét duyệt tới đâu rồi?” - ông Hiển đặt câu hỏi.
Còn ngư dân xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) cho rằng ngư dân chỉ rành về chuyện đánh bắt, còn giá thành tàu, máy móc... thì tù mù, đề nghị thống đốc giải thích rõ ràng hơn.
Trong khi đó theo ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn), đã có nghị định và hướng dẫn, địa phương cần làm nhanh để dân được vay vốn đóng tàu.
Tuy nhiên, nhiều ngư dân cũng băn khoăn không biết có được “lọt” vào danh sách vay vốn hay không vì có những nội dung trong nghị định mà họ không hiểu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Ngọc Ẩn cho rằng bản thân mình còn chưa rõ huống gì ngư dân. “Phương án kinh doanh được đưa ra trong thông tư hướng dẫn là chủ tàu chịu hay đơn vị nào chịu? Chỉ nói là phương án kinh doanh khả thi nhưng có hiệu quả không?” - ông Ẩn đặt câu hỏi.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đề nghị làm rõ khái niệm thế nào là khai thác, đánh bắt xa bờ với tiêu chí và điều kiện cụ thể để tránh việc các ngân hàng và tỉnh triển khai phê duyệt danh sách và cho vay không đúng mục tiêu và chủ trương.
Ngoài ra, theo ông Viết, cần làm rõ đơn vị đứng ra bảo hiểm tàu cho ngư dân vì có nhiều đơn vị khiến ngư dân không biết chọn đơn vị nào.
Chính sách cấp bù một phần lãi suất là bao nhiêu, đây là vấn đề rất khó cho ngân hàng và cả ngư dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thì đề nghị NHNN nên có một mẫu chung về sản xuất có hiệu quả, phương án kinh doanh, chứ nếu mỗi ngân hàng một mẫu thì địa phương cũng khó hướng dẫn.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN ghi nhận những ý kiến đóng góp. Nếu nội dung nào hợp lý mà trong thẩm quyền, NHNN sẵn sàng sửa đổi, còn đề xuất nào vượt thẩm quyền sẽ trình lên Chính phủ.
NHNN cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng có mẫu tàu cho ngư dân lựa chọn và nên có lãnh đạo ngân hàng tham gia ban chỉ đạo địa phương để thủ tục được nhanh gọn, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, phương thức và thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp. Đặc biệt, ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1 - 3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp.

Thời gian gần đây, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre) quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên con nghêu có hiệu quả. Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi thì việc công khai minh bạch, phát huy dân chủ cơ sở là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công chung của HTX.

Ngày 13/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình lúa – tôm bền vững” và triển khai Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa – tôm tỉnh Cà Mau”.

Nghề nuôi chim cút tại Đồng Nai đã và đang đem lại mức thu nhập lý tưởng cho không ít bà con nông dân. Nhiều hộ đã tận dụng được hiệu quả kinh tế từ nghề này để thoát nghèo, dần trở nên khấm khá, có hộ nuôi lớn mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Những năm qua, mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, Cà Mau. Từ mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống. Trong đó phải kể đến ông Trần Văn Ðường, ngụ ấp Ðông Hưng là một trong những hộ nuôi dê đầu tiên của xã.