Lúa thu đông thắng lớn
* Sản lượng tăng trên 300.000 tấn
* Cơ cấu tăng lúa chất lượng cao, giá cao, dễ bán
Cán bộ nông nghiệp các tỉnh trong vùng dự báo, vụ lúa TĐ 2015 do tăng diện tích và kiểm soát dịch bệnh tốt nên hứa hẹn trúng mùa cao nhất từ trước tới nay.
Lúa tốt dễ bán
Những ngày này, đi về những cánh đồng lúa chín vàng mơ ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ (Cần Thơ), không khí mùa gặt rộn ràng. Hễ trên đồng thấp thoáng máy gặt từ xa thì dưới bờ kênh đã có ghe đậu chờ mua lúa.
Chị Điệp và nhiều nông dân dọc theo kênh Bà Đầm, xã Trường Xuân, huyện Thới lai cho biết: Vụ lúa TĐ năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, ít tốn tiền mua thuốc trừ sâu do không có nhiều sâu, bệnh. Nước lũ cũng không có nhờ vậy mà đa số bà con làm lúa trúng mùa. Lúa tươi ra hạt đạt từ 800 kg đến hơn 1 tấn/công (8-10 tấn/ha). Giá bán cao.
Đến như lúa IR50404 bán tại ruộng cũng có giá 4.150-4.200 đ/kg, các giống lúa OM hạt dài chất lượng cao giá cao hơn nhiều. Khác vụ TĐ năm 2014, nông dân bán 3 kg lúa chưa được 10.000 đồng. Lúa TĐ năm nay sau khi trừ chi phí, tính ra lãi gần 2 triệu đồng/công.
Đi ngược lên vùng tiếp giáp kênh Cái Sắn thuộc huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), vùng chuyên canh lúa 3 vụ trong năm nhờ có đê bao khép kín, lúa chín đang chờ ngày gặt. Nhiều nông dân ở quanh thị trấn huyện, cho biết: Khắp các cánh đồng lớn nông dân trồng một giống và chuyển đổi giống từ IR50404 qua các giống lúa OM hạt dài.
Như vụ TĐ năm nay gieo sạ giống OM 4218 phát triển rất tốt, kháng sâu bệnh, cho bông đều. Năng suất lúa (tươi) ước đạt từ 800-900 kg/công. Mặt lợi của giống lúa hạt dài chất lượng cao là dễ bán, ít rớt giá sâu như IR50404.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nói: Vụ TĐ 2015 Cần Thơ dự kiến kế hoạch SX 68.500 ha nhưng một vài địa phương nông dân dự đoán thuận lợi hơn vụ HT nên tăng diện tích lên khoảng 70.000 ha.
Quả thật, vụ lúa này dịch bệnh nguy hiểm như: rầy nâu, đạo ôn, bệnh cháy bìa lá… ít xuất hiện hoặc xuất hiện với mật số thấp không đáng ngại. Hiện nay trà lúa đầu thu hoạch trên 1.000 ha, năng suất bình quân 4,7 tấn (lúa khô)/ha. Dự đoán lúa TĐ thu hoạch vào giai đoạn giữa vụ sẽ còn tăng cao hơn, 4,9-5 tấn/ha, tăng thêm khoảng 200-300 kg/ha so với vụ TĐ năm rồi.
Trong khi đó ở bờ Bắc sông Hậu, nông dân thu hoạch lúa TĐ ở Vĩnh Long cho hay: Các giống lúa OM5451, OM6976, OM7347 bán được giá tốt 4.300-4.400 đ/kg.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long nói: Hiện nay nông dân gặt lúa TĐ sớm được 4.000 ha trong tổng diện tích toàn tỉnh có 60.000 ha. Lúa rất tốt, năng suất trên 5,2 tấn/ha. Với giá bán hiện thời, trừ chi phí nông dân còn lãi 10-15 triệu đồng/ha.
Có thể nói thắng lợi lúa TĐ là nhờ lịch thời vụ nằm trọn trong mùa mưa. Nông dân đã quen canh tác thuần thục, chăm sóc lúa khỏe hơn vụ HT. Bài toán kinh tế chỉ trong 3 tháng, thu hoạch vào lúc chớm bước qua những tháng cuối năm thị trường lúa gạo tiêu thụ thuận lợi, các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh hơn nên lúa TĐ thường có giá bán tốt cho nông dân.
Trúng mùa, ăn chắc
Trong những năm qua mỗi khi vào vụ lúa TĐ ở ĐBSCL, nỗi lo lớn nhất là các tỉnh bị ảnh hưởng nước lũ dâng cao vào tháng 8, tháng 9 âm lịch. Thời điểm này lúa TĐ chính vụ vào mùa thu hoạch. Cá biệt vào năm 2011 nước lũ từ thượng nguồn bất thường đổ về, dâng cao khiến nhiều vùng lúa TĐ nằm ngoài đê bao và những vùng có đê bao không kiên cố bị phá vỡ chịu thiệt hại.
Nông dân trúng mùa lúa thu đông (lúa vụ 3)
Sau đó, đã từng có nhiều ý kiến tranh luận quanh chuyện làm lúa TĐ có hiệu quả không hay canh cánh đeo đuổi rủi ro. Tuy nhiên qua những năm gần đây, vùng lúa TĐ đã định hình. Các tỉnh vùng lũ quy hoạch vùng SX lúa 3 vụ có đê bao an toàn, đảm bảo ăn chắc. Mặt khác hiệu quả SX chính là lợi nhuận, tạo thu nhập mới thuyết phục được nông dân.
Ông Hồ Tấn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Nông dân làm lúa TĐ (bà con hay gọi là vụ 3) tính toán rất kỹ. Năm nào thời tiết dự báo bất lợi, mưa, lũ hay giá lúa thấp thì dù có khuyến cáo tăng diện tích nông dân vẫn không làm.
Mấy năm qua không có nước lũ lớn. Nông dân đã quen canh tác chăm sóc lúa TĐ nên diện tích SX ổn định. Năm 2014 có 11.000 ha, nhưng vụ TĐ năm nay tăng lên gần 12.700 ha. Điểm mới trong mấy vụ TĐ gần đây là xu hướng chuyển đổi giống lúa có chất lượng cao, lúa đặc sản và giảm dần diện tích trồng lúa IR50404.
Theo bà Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, lúa TĐ trúng mùa chính là kết quả sau nhiều vụ khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu giống. Nông dân đã nhận thấy có hiệu quả rõ rệt. Hiện nay nhiều nông dân đã chọn trồng giống lúa OM5451, OM4218, OM2517… còn giống lúa IR50404 hiện giảm xuống còn 28%. Hiệu quả lúa TĐ năm nay ngoài việc giảm chi phí, hạ giá thành SX, năng suất lúa tăng mà giá bán lại cao nhờ cơ cấu tăng lúa chất lượng.
ĐBSCL đang có nhiều vùng lúa TĐ phát triển xanh tốt, nông dân khấp khởi hy vọng. Ở Kiên Giang, các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành không bị ảnh hưởng lũ có hơn 83.000 ha. Ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp có vùng SX lúa TĐ nằm trong đê bao an toàn.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho rằng: Năm nay qua rằm tháng 7 âm lịch nước sông Cửu Long khu vực đầu nguồn thấp hơn cùng kỳ nhiều năm nên không quá lo ngại nước lũ đe dọa vùng lúa TĐ 160.000 ha của tỉnh. Vụ này thường đạt năng suất lúa khô 5,6-5,7 tấn/ha và nằm trong cơ cấu 3 vụ lúa chính ở An Giang.
PGS.TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt:
“Vụ lúa TĐ 2015 ở ĐBSCL tuy có khó khăn vào đầu vụ, một số địa phương bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập, mưa ít, nhưng đến nay các tỉnh trong vùng cho biết phần lớn diện tích lúa phát triển tốt, dịch hại sâu bệnh được kiểm soát tốt.
Đặc biệt nông dân có xu hướng lựa chọn đưa vào SX nhiều giống lúa mới, phẩm chất gạo tốt, năng suất cao, kháng sâu bệnh gắn với thị trường đã góp phần gia tăng hiệu quả cho vụ lúa TĐ.
Vụ TĐ năm nay toàn vùng có 886.000 ha, tăng hơn 66.000 ha so vụ TĐ năm 2014, dự kiến với năng suất bình quân 4,5/ha, sản lượng lúa TĐ năm nay đạt hơn 3,9 triệu tấn, tăng khoảng trên 300.000 tấn."
Có thể bạn quan tâm
Từ sau Tết đến nay, ngư dân cào hến trên tuyến kênh Ông Cò (xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Khánh, Thoại Sơn, An Giang) trúng đậm hến gạo.
Năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước đạt 390 tấn, bằng 100,5% kế hoạch năm và tăng 3,44% so với năm 2012. Được biết, năm 2011, trung tâm đã thả 150 ngàn con cá giống xuống các hồ chứa của tỉnh, năm 2012 trung tâm thả tiếp 490 ngàn con.
Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra mô hình sản xuất giống lúa ĐS1, Akita Komachi, Hananomai, có nguồn gốc từ Nhật Bản và mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa chất lượng cao.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội khẩn trương xác minh thông tin tình trạng thủy sản trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm kim loại nặng gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Đứng trước báo động đỏ về dịch bệnh tôm nuôi, nhiều năm qua ngành nông nghiệp đề ra nhiều giải pháp để loại trừ tôm giống kém chất lượng, song vẫn chưa thực hiện được.