Lựa Chọn Giống Rau Màu Canh Tác Trong Mùa Mưa

Thời gian qua nhờ trồng rau màu, nhiều hộ dân ở Sóc Trăng đã có thu nhập ổn định. Ưu điểm của mô hình này là không cần nhiều đất sản xuất, có thể canh tác quanh năm, chỉ cần nông dân siêng năng và chọn cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết và nhu cầu thị trường.
Thành phố Sóc Trăng có gần 500 ha trồng màu, phục vụ cho thị trường quanh năm, trong đó các loại rau ăn lá như cải ngọt, cải xanh, xà lách, mồng tơi, rau muống… có nhu cầu tiêu thụ lớn. Thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 4-5 tuần sau khi gieo trồng là thu hoạch, là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn gia đình.
Tuy kỹ thuật canh tác của nông dân đã được nâng lên đáng kể. Song, sản xuất rau màu trong mùa mưa vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, do rau rất dễ bị các loại sâu bệnh tấn công, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh thì mới cho hiệu quả cao.
Ông Trần Nghị Lực – nông dân phường 4, thành phố Sóc Trăng cho biết: “Trồng cải trong mùa này thì không lo thiếu nước tưới, chỉ có điều khó quản lý sâu bệnh, ví dụ như con bọ nhảy, sâu ăn lá”.
Đối với những loại rau cần nhu cầu đạm cao, sẽ có nguy cơ bị sâu hại tấn công nhiều hơn, lá rau thường mềm dễ bị dập nát nếu gặp mưa lớn.
Do vậy, kinh nghiệm nông dân hiện nay thường không bón quá nhiều phân đạm, vì làm như vậy cây sẽ có bộ lá xum xuê, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch hại tấn công, mà còn để lại một lượng dư tồn chất hóa học trong rau, gây hại sức khỏe người dùng.
Tuy vậy một số loại rau màu không cần bón đạm nhiều mà vẫn cho năng suất cao, nông dân lựa chọn canh tác sẽ dễ dàng hơn trong các khâu chăm sóc.
Như ông Lê Văn Út ở phường 4 đã gắn bó với cây hẹ hơn bốn năm nay, ông cho biết, ngay từ đầu vụ ông chú ý lên liếp cao, xử lý đất tốt, bón phân không chú trọng vào bón đạm mà phải cân đối giữa, đạm, lân và kali, đặc biệt ông thường sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ. Hơn nữa hẹ rất thích hợp trồng trong mùa mưa, bởi rất ưa nước và ít sâu bệnh hơn những màu khác.
Một số nông dân còn lựa chọn trồng các loại rau màu ăn trái như ớt, bắp… thường thích hợp trồng quanh năm, nhà nông chỉ cần chú ý cung cấp đủ nước trong mùa nắng và đánh rãnh thoát nước trong mùa mưa, là có thể quản lý lượng nước cung cấp cho cây trồng như ý muốn.
Ông Huỳnh Văn Khuyên ở phường 9, thành phố Sóc Trăng hiện có hơn 3 công trồng ớt cho biết: “Trồng ớt hay bắp thì dễ hơn, nhiều khi trời nắng 2 – 3 ngày không tưới cũng không sao, còn mùa mưa thì không phải tốn công tưới nước”.
Theo những nông dân giàu kinh nghiệm, thì trồng rau mùa mưa tuy năng suất không cao bằng mùa nắng, nhưng rau ăn lá trồng mùa này vẫn đạt từ 800 kg đến 1 tấn/1000 m2, với giá bán bình quân trên 5000 đồng/kg, thì nông dân cũng thu được từ 5 đến 6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời trên 3 triệu đồng.
Hơn nữa hiện nay nhờ hệ thống đê bao thủy lợi khép kín, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bà con thuận lợi hơn trong việc lựa chọn cây trồng, đa số nông dân đều chuyển đổi trồng rau màu chuyên canh hoặc xen canh và mạnh dạn đưa màu xuống chân ruộng, đã góp phần tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho nông hộ.
Có thể bạn quan tâm

Vụ vú sữa năm nay hầu hết nhà vườn đều trúng mùa, trúng giá nhờ thời tiết thuận lợi, trình độ thâm canh của bà con nâng lên và vú sữa Lò Rèn đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tháng 12 vừa qua, cam sành thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã được Viện Khoa học sự sống (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chính thức công nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đây tiếp tục là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên nói chung và vùng cam Tân Thành nói riêng.

Theo các hộ nông dân, bưởi đường lá cam Bạch Đằng hiện nay không đủ cung ứng cho các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu hiện nay là Hà Nội.

Năm 2007, ông Trần Minh Mẫn ở khu vực 2, phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thăm người bạn Việt kiều ở tỉnh Tiền Giang. Tại đó, ông được người bạn giới thiệu từng mua hai cây mít giống Myanmar đem về trồng nhưng không hợp phong thổ nên còi cọc, có một cây sống ra một cành duy nhất cho 3 trái. Người bạn biếu ông một trái làm quà.

Nghề nuôi tôm công nghiệp thất bát, nhiều nơi "treo" đầm; trong tình thế khó khăn ấy, trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) lại xuất hiện những cách làm sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, đạt năng suất, sản lượng cao. Nông dân không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho người nuôi tôm công nghiệp mà còn cho nền kinh tế của huyện nhà.