Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa Chết Vì Mưa Bão

Lúa Chết Vì Mưa Bão
Ngày đăng: 31/07/2014

Lúa chết phải gieo sạ lại, lúa trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã làm giảm năng suất, tăng chi phí trong khâu thu hoạch,... là những gì mà người dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt do tình hình mưa bão trong thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 7 đến nay.

Về xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ nơi bà con đang tập trung xuống giống lúa Thu đông cũng là xã chịu ảnh hưởng nặng của đợt mưa dầm trong nhiều ngày qua. Có không ít mảnh ruộng người dân phải gieo sạ lại do mưa lớn, lúa giống không thể lên được.

Đang loay hoay đem chiếc máy dầu bơm nước ra cứu lúa, ông Nguyễn Văn Tẹt, nông dân ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông chỉ biết lắc đầu ngao ngán rồi cho biết: “Những cơn mưa cứ liên tục ập xuống trên cánh đồng vừa mới gieo sạ trong những ngày qua đã làm cho nông dân phải ngâm giống để giặm lại những thảm lúa bị chết giống”.

Nhiều diện tích lúa Thu đông mới gieo sạ của nông dân xã Vĩnh Thuận Đông bị chết loang lổ do mưa bão.

Mấy ngày qua, tuy đã nhiều lần đem máy ra bơm nước, có hôm còn túc trực sáng đêm ngoài đồng, nhưng do trời mưa liên tục nên lúa của ông Tẹt chết khá nhiều, hơn 1,2ha lúa của ông vẫn đang bị oi nước. “Trời cứ mưa hoài. Ruộng mới sạ mà gặp mưa kiểu này thì ốc bươu vàng ăn lúa giống hết” - ông Tẹt buồn bã tâm sự.

Có chung hoàn cảnh trên, anh Phạm Thanh Thương, ở cùng ấp 2, cho hay: “Mới sạ xuống xong thì gặp mưa dầm, ruộng lênh láng nước. Gặp trận mưa đầu thì còn khai nước ra được, mấy trận sau nữa thì phải dùng máy bơm. Mặc dù luôn đặt máy để tiêu thoát nước, nhưng ruộng cũng bị chết giống loang lổ”.

Theo người dân nơi đây, sau mấy trận mưa dầm, giống chết nhiều, cộng thêm ốc bươu vàng cắn phá dữ dội, nên nhiều nông dân đã ngâm giống để gieo lại những chỗ chết giống, nhưng cách làm này cũng không mấy khả quan.

Bởi, tuy có ngâm giống thêm để giặm, nhưng vì trời cứ mưa liên tục nên tình trạng lúa chết vẫn còn nhiều, do đó, bà con chỉ còn cách chờ lúa lớn, nhổ chỗ dày giặm lại chỗ thưa.

Qua thống kê của ngành chức năng địa phương, trong đợt mưa dầm vừa qua, toàn huyện Long Mỹ có hơn 5ha lúa Thu đông vừa xuống giống bị thiệt hại, trong đó có hơn 2ha ở xã Vĩnh Thuận Đông bị chết giống 100%, bà con phải gieo sạ lại.

Bên cạnh diện tích lúa Thu đông bị thiệt hại, mưa dầm còn làm nhiều diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng bị đổ ngã, làm giảm năng suất, tăng chi phí trong khâu thu hoạch và gây nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ.

Hiện tại, toàn huyện Long Mỹ đã thu hoạch hơn 15.000/27.383ha lúa Hè thu, trong số diện tích lúa còn lại có gần 400ha bị đổ ngã, tập trung chủ yếu ở xã Long Trị khoảng 300ha, thị trấn Trà Lồng trên 20ha, tỷ lệ đổ ngã từ 20-70%.

Do lúa bị đổ ngã nên nhiều diện tích không thể thu hoạch bằng máy mà chuyển sang cắt tay với giá thuê từ 450.000-500.000 đồng/công, tăng gần 200.000 đồng/công so với cắt máy. Ngoài thuê nhân công cắt lúa với giá cao, những hộ thu hoạch lúa bằng thủ công còn chịu cảnh bán lúa với giá thấp, thậm chí thương lái không mua.

Bên cạnh huyện Long Mỹ, tình hình mưa lớn trong những ngày qua cũng làm ảnh hưởng nhiều diện tích lúa Thu đông mới xuống giống của người dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Toàn huyện có khoảng 1.000ha lúa Thu đông bị chết giống do ảnh hưởng mưa bão, với tỷ lệ thiệt hại từ 5-50%. Hiện các diện tích trên đã được bà con ngâm giống gieo lại mới. Hiện thời tiết nắng trở lại, đây là một tín hiệu đáng mừng, sẽ giảm bớt nỗi lo cho bà con.

Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay: Do bà con ở huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp thu hoạch và xuống giống lúa ngay lúc mưa dầm, nên đây là 2 địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều.

Hiện ngành đang tổng hợp tình hình thiệt hại chung của tỉnh để báo cáo lên cấp trên có hướng xem xét. Tuy nhiên, do diện tích ảnh hưởng và mức độ thiệt hại không lớn, nên khả năng tỉnh sẽ không công bố thiên tai.

Vì vậy, UBND các xã có lúa bị chết sẽ tiến hành thống kê diện tích, mức độ thiệt hại và báo cáo về UBND huyện. Theo đó, những diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên thì Chủ tịch UBND huyện có thể ra quyết định chi hỗ trợ giống cho bà con từ nguồn ngân sách dự phòng. Trường hợp gặp khó khăn thì huyện làm tờ trình gửi lên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh để xem xét giải quyết.


Có thể bạn quan tâm

Tái Cơ Cấu Sản Xuất Từ Những Cách Làm Hiệu Quả Tái Cơ Cấu Sản Xuất Từ Những Cách Làm Hiệu Quả

Tết năm nay trên quê hương Năm Căn (Cà Mau) sẽ có nhiều đổi mới. Dọc theo những con đường bê-tông về các xã, đi vào từng ấp, hai bên đường cây ăn trái được trồng xen canh. Đây là chủ trương của huyện vận động Nhân dân tận dụng đất trống vườn nhà trồng rau màu, cây ăn trái. Phía sau những vườn cây, rau màu là những đầm tôm, rừng đước mênh mông.

02/02/2015
Đà Nẵng Hy Vọng Những Chuyến Biển Cuối Năm Đà Nẵng Hy Vọng Những Chuyến Biển Cuối Năm

Âu thuyền Thọ Quang những ngày cuối năm nhộn nhịp hẳn lên. Trên các cầu cảng, ngư dân khẩn trương vá lưới, buộc chì, buộc phao. Dưới tàu, các máy trưởng kiểm tra lại máy móc, các thiết bị liên lạc, máy dò cá… chuẩn bị sẵn sàng trước giờ vươn khơi. Trên các cầu cảng, nhiều xe chở dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống đậu kín chờ bốc xuống tàu.

02/02/2015
Nuôi Cá Chiên Lồng Bè Trên Hồ Chứa Nuôi Cá Chiên Lồng Bè Trên Hồ Chứa

Trong 2 năm 2013-2014, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng bè trên thủy vực lớn” cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng mới cho việc bảo tồn, phát triển các loài thủy sản bản địa có giá trị, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước của các hồ chứa.

02/02/2015
Luân Canh, Xen Canh Giúp Nghề Nuôi Tôm Phát Triển Bền Vững Luân Canh, Xen Canh Giúp Nghề Nuôi Tôm Phát Triển Bền Vững

Thực tiễn nuôi tôm thời gian qua tại các địa phương ở Cà Mau đã chỉ ra rằng: nếu nông dân thực hiện xen canh, cắt vụ luân canh với các loài cá phi, cá bổi, các loại cá đồng, sò huyết, vọp, cá kèo… sẽ có được những vụ tôm đạt kết quả tốt hơn và cũng tăng thêm thu nhập từ những đối tượng nuôi phụ đó.

02/02/2015
Đẩy Mạnh Vốn Cho Phát Triển Thủy Sản Đẩy Mạnh Vốn Cho Phát Triển Thủy Sản

Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với mục tiêu nhanh chóng đưa đồng vốn hỗ trợ theo Nghị định 67 đến với chủ tàu/ngư dân tại các địa phương vùng biển, chi nhánh BIDV tại tất cả các địa phương đã đến với từng chủ tàu/ngư dân có nhu cầu để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, đảm bảo đơn giản, công khai và minh bạch.

02/02/2015