Tôm nước lợ vượt khó
Các tháng đầu năm là cao điểm của mùa khô, độ mặn xâm nhập sâu vào các sông rạch nội đồng, tháng 4 - 5 nền nhiệt độ tăng cao trong ngày và thường xuyên xuất hiện những cơn mưa dông trên diện rộng làm môi trường ao nuôi dễ bị biến động, gây sốc làm tôm nuôi yếu, ăn kém hoặc bỏ ăn.
Từ đó con tôm giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển như đốm trắng, hoại tử gan tụy, phân trắng... nhất là ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Quảng Ninh...
Có những thời điểm nhiệt độ lên đến 38oC, độ mặn trên 32%o, cá biệt có vùng như ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) độ mặn đến trên 40%o.
Ngoài ra còn xuất hiện mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm làm cho dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng… phát triển, gây chết tôm nuôi.
Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu giảm giảm mạnh và không ổn định, biến động theo hướng giảm thấp so với cùng kỳ. Hầu hết người nuôi không có thông tin thị trường và phụ thuộc nhiều vào thương lái thu mua trong khi giá vật tư đầu vào tăng làm tăng giá thành sản phẩm...
Tuy nhiên, bước vào quý III/2015, tình hình thời tiết thuận lợi hơn, các cơ quan quản lý từ Bộ NN-PTNT đến các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi tôm tranh thủ thuận lợi của thời tiết và tín hiệu thị trường, với các biện pháp đẩy mạnh SX.
Vì thế SX tôm nước lợ đã khởi sắc hơn nhưng xu thế đi ngược với các năm 2013, 2014: tăng tôm sú, giảm tôm chân trắng.
Trong quý III, diện tích thả nuôi tôm của các tỉnh/thành ven biển là 51.070 ha, nâng diện tích thả nuôi 9 tháng/2015 là 667.550 ha (bằng 100,9% so với cùng kỳ 2014 và đạt 95,4% kế hoạch).
Trong đó diện thả nuôi tôm sú là 591.313 ha (bằng 103,6% so với 2014), diện tích thả nuôi tôm chân trắng là 76.237 ha (bằng 84,1% so với 2014).
Sản lượng thu hoạch trong quý là 180.802 tấn, nâng tổng sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay là 411.718 tấn, bằng 105,6% so với cùng kỳ 2014, trong đó sản lượng tôm sú là 219.867 tấn, tăng 25,9% so với cùng kỳ, sản lượng tôm chân trắng là 191.851 tấn (bằng 89,1% so với cùng kỳ).
Về cơ cấu đối tượng nuôi, có hiện tượng ngược lại với xu hướng 2 năm 2013-2014 trong nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh.
Đó là việc người nuôi chuyển một phần diện tích nuôi tôm thẻ sang nuôi tôm sú trở lại, trung bình khoảng 20 - 30% diện tích chuyển dịch sang nuôi tôm sú. Nguyên nhân chính do giá tôm sú năm nay ổn định có lãi trong khi giá tôm thẻ giảm mạnh so với năm 2014 và diễn biến không ổn định
Đối với tôm sú duy trì ổn định diện tích và sản lượng, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới.
Đối với tôm thẻ chân trắng tiếp tục phát triển nuôi ở các vùng có lợi thế/kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Trong thời gian qua, hình thức nuôi tôm sú kết hợp với lúa phát triển tương đối ổn định và thể hiện tính bền vững. Hiện nay, hình thức nuôi chủ yếu là luân canh 1 vụ tôm – 1 vụ lúa, diện tích SX luân canh tôm - lúa tại ĐBSCL tăng nhanh, đến nay ước đạt 160.000 ha, diện tích tiềm năng 250.000 ha, năng suất đạt từ 300 – 500 kg/ha, sản lượng trên 60.000 tấn/năm (phần lớn tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre…).
Ngày 23/9/2015, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình nuôi tôm lúa, xác định rõ hướng phát triển nuôi tôm lúa ở các vùng có điều kiện phù hợp là hướng đi đúng đắn.
Trong đó tập trung nâng năng suất nuôi tôm lúa lên trên 500 kg/ha/vụ, góp phần quan trọng vào việc tăng sản lượng tôm nuôi cả nước, tăng hiệu quả SX.
Từ nay đến cuối năm, điều kiện thời tiết đang diễn biến thuận lợi, các yếu tố môi trường thuận lợi hơn cho tôm nuôi tại các tỉnh ĐBSCL, các địa phương đã và đang hướng dẫn người nuôi thả giống ở các vùng có điều kiện, nuôi đảm bảo an toàn sinh học, cải thiện môi trường sinh thái, khuyến khích áp dụng các hình thức nuôi tôm tiên tiến (nuôi tôm trong nhà, nuôi tôm nhiều giai đoạn, nuôi tôm khép kín, ít thay nước).
Mục đích để kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh, căn cứ tình hình thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi tranh thủ xuống giống tôm và tiếp tục thực hiện tốt văn bản số 1234/TCTS-NTTS ngày 20/5/2015 của Tổng cục Thủy sản về việc tăng cường quản lý, SX nuôi tôm nước lợ năm 2015.
Thị trường tôm nguyên liệu cũng đang ấm dần lên, giá tôm thẻ chân trắng đã có xu hướng tăng nhẹ kể từ đầu tháng 6, giá tôm có thể sẽ hồi phục và tăng mạnh khi nhu cầu từ thị trường Mỹ và các thị trường khác tăng lên trong khi nguồn cung giảm xuống.
Tổng cục Thủy sản đã định hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống và vật tư đầu vào. Đẩy mạnh công tác phòng bệnh trong nuôi tôm.
Trong đó tập trung quản lý nuôi theo quy hoạch, tăng cường quan trắc môi trường đối với những vùng nuôi tôm trọng điểm nhằm phục vụ chỉ đạo SX đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại trên 200 ha nghêu thương phẩm của hợp tác xã thuỷ sản Rạng Đông ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Trong tháng 4, Chi cục Thủy sản Sơn La đã phối hợp với UBND các huyện: Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, thả 1.000kg cá giống các loại xuống hồ sông Đà để tạo nguồn lợi thủy sản cho nhân dân đánh bắt.
Nguồn lợi thủy sản của TP Cần Thơ được đánh giá phong phú, nhiều giống, loài có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang dần suy kiệt do không được bảo vệ và khai thác hợp lý. Nhằm khắc phục tình trạng trên, TP Cần Thơ đang nỗ lực tuyên truyền và đề ra nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản...
Chăn nuôi quy mô nông hộ đang là hình thức phổ biến trên địa bàn tỉnh. Mô hình này đã giúp cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều mối nguy về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Chấp nhận bỏ ra hàng tỉ đồng để đầu tư nhà yến, nhiều gia đình ở Quảng Ngãi đã kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề nuôi yến