Lợi nhuận khủng từ nuôi tôm nhiều giai đoạn
Với tổng diện tích 2,3 ha đầu tư nuôi tôm theo mô hình CPF-Combine version 2, chỉ sau 105 ngày thả nuôi, anh Châu Minh Tâm ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã thu về lợi nhuận hơn 1,1 tỷ đồng.
Anh Tâm và cán bộ kỹ thuật C.P. Việt Nam bên mô hình version 2, sử dụng thức ăn Goal Fast. Ảnh: XT
Với quyết tâm làm giàu từ nuôi tôm nước lợ, anh Châu Minh Tâm đã nhờ cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hỗ trợ tư vấn chuyển đổi 2,3 ha sang nuôi TTCT theo mô hình CPF-Combine version 2. Qua khảo sát thực tế diện tích đất cũng như năng lực tài chính của anh Tâm, cán bộ kỹ thuật của C.P. Việt Nam đã tư vấn và thiết kế khu nuôi cho anh theo mô hình CPF-Combine version 2, gồm: ao ương có mái che mưa 120 m2; 3 ao version 2 diện tích 600 m2/ao và 2 ao version 2 diện tích 1.000 m2; 2 ao sẵn sàng lót bạt đáy, ao lắng, ao xử lý, hầm biogas xử lý chất thải…; tổng chi phí xây dựng 1,5 tỷ đồng.
Đây được xem là một khoản đầu tư khá lớn đối với người nuôi tôm hiện nay, nhưng anh Tâm vẫn rất tự tin vào khả năng thu hồi vốn nhanh chóng của mình. Anh chia sẻ: “Các mô hình nuôi TTTC của C.P. Việt Nam từ trước tới nay đều cho tỷ lệ thành công và hiệu quả rất cao. Đối với mô hình CPF-Combine version 2 này, qua theo dõi từ cuối năm 2019 tôi thấy hầu hết các hộ nuôi đều rất thành công, lợi nhuận rất cao, dù diện tích nuôi không lớn. Vì vậy, năm nay tôi quyết định bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để đầu tư thực hiện theo mô hình này”. Chính sự tự tin cùng tính ưu việt của mô hình đã được kiểm chứng qua thực tế đã giúp anh Tâm thành công lớn ngay trong vụ nuôi đầu tiên ở năm 2020.
Sau khi mô hình được đầu tư cơ bản xong, anh Tâm bắt đầu lấy nước vào xử lý và tiến hành thả nuôi 250.000 post TTCT giống G19 của C.P. Việt Nam vào ao ương. Sau thời gian ương 15 ngày, anh bắt đầu san tôm sang các ao ương version 2 diện tích 600 m2/ao để nuôi tiếp giai đoạn 2 và tiếp tục san thưa giai đoạn 3 vào ao version 2 loại 1.000 m2 để nuôi đến lúc thu hoạch. Từ ngày thứ 100 đến ngày thứ 105, anh tiến hành thu hoạch tổng cộng 4 đợt, với cỡ tôm dao động 22 – 25 con/kg, đạt tổng sản lượng 11.567 kg. Với giá bán tại thời điểm thu hoạch tôm cỡ 25 con/kg được 174.200 đồng/kg và tôm cỡ 22 con/kg được 193.000 đồng/kg, mang về cho anh Tâm tổng thu hơn 2 tỷ đồng, trong khi chi phí cho toàn bộ vụ nuôi chỉ gần 1,1 tỷ đồng, nên lợi nhuận ở vụ nuôi này của anh được hơn 1,1 tỷ đồng.
Tuy diện tích nhỏ nhưng anh Tâm vẫn dành ra một phần để làm hầm Biogas
Theo tính toán của anh Tâm, với sản lượng và giá bán trên, tính ra giá thành bình quân của mỗi kg tôm lúc thu hoạch chỉ vào khoảng 95.000 đồng. Với giá thành này, chỉ cần nuôi đạt tỷ lệ nuôi thành công cao thì người nuôi luôn đảm bảo có lợi nhuận khá, vì giá tôm cỡ 22 – 25 con/kg ít khi xuống dưới mức 150.000 đồng/kg. Anh Tâm cũng chia sẻ thêm, việc làm mái che mưa cho ao ương tuy có tốn kém chút đỉnh nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, vì đây là giai đoạn tôm rất mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết, môi trường ao nuôi ương; nên khi tôm được bảo vệ tốt trong giai đoạn này sẽ có sức đề kháng cao và tăng trọng nhanh trong những giai đoạn sau.
Không chỉ có lợi nhuận cao từ tôm nuôi, mô hình của anh Tâm còn giúp bảo vệ tốt môi trường xung quanh và giúp anh tiết kiệm được chi phí nhiên liệu chất đốt hàng ngày thông qua hệ thống hầm biogas dùng để ủ chất thải sau mỗi lần xiphong đáy ao.
Anh Châu Minh Tâm chia sẻ, việc sử dụng hầm biogas không chỉ giảm chi phí sản xuất mà quan trọng đã xử lý được chất thải, nước thải trong quá trình nuôi, giúp cho môi trường xung quanh không bị ô nhiễm. Đó là tính bền vững mà mô hình mang lại cho người nuôi tôm nói riêng và cả ngành tôm nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Chồn hương rất thích ăn loại cá tươi sống, chuối chín, trái cây. Càng vận động nhiều, chồn càng khỏe, đẻ nhiều. Người nuôi chồn phải được ngành kiểm lâm
Nuôi lươn không bùn là mô hình mới, đang phát triển ở tỉnh Nam Định. Hiệu quả kinh tế của mô hình này đem lại cao gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống.
Lượng rơm rạ sau thu hoạch ở nước ta rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Nguồn rơm rạ này có thể tận dụng, cho giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường.