Lợi Ích Từ Hệ Thống Nước Thải Ao Nuôi Cá

Hiện nay, nhiều hộ nông dân vùng cù lao huyện Phú Tân đang tiếp tục đẩy mạnh nghề nuôi cá tra ao, hầm. Hai xã Hòa Lạc và Phú Bình có hơn 150 hộ, với gần 200 ha đất mặt nước nuôi cá ao, hầm. Hàng ngày các hộ nuôi cứ mặc tình thải lượng nước khổng lồ ra sông một cách vô tội vạ…
Trong nước ao, hầm nuôi cá tra có chứa nhiều chất hữu cơ, nếu hộ nuôi xả trực tiếp xuống sông hay xuống ruộng, không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nguồn nước mà còn gây nguy hiểm đến cây lúa và hoa màu của nhiều hộ nông dân xung quanh. Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, ngụ tại ấp Bình Tây 1, xã Phú Bình (Phú Tân) có thâm niên trong nuôi cá đã mạnh dạn đầu tư mô hình xử lý nước thải qua ao lắng.
Ông Ẩn đầu tư vốn trên 6 tỷ đồng, cho đào 4 hầm, mỗi hầm có diện tích 4.000m2, với khoảng 3.000m3 nước, 2 hầm ông Ẩn thả nuôi hơn 200 ngàn con cá tra thịt xuất khẩu, mỗi ngày cho ăn hơn 2 tấn thức ăn tự chế, còn lại 2 hầm lắng ông Ẩn dùng để xả nước thải. Với kinh phí đầu tư cho 2 hầm xử lý nước thải lên đến gần 500 triệu đồng, liệu ông Ẩn có đầu tư một cách vô ích không ?
Ông Ẩn cho biết: "Ban đầu tui chỉ đào 2 hầm nuôi cá tra thịt, nhưng gặp khó khăn trong khâu xả nước, vì trong nước ao hầm nuôi cá tra có chứa nhiều chất hữu cơ nên khi xả một lượng nước hơn 2.000m3 mỗi ngày thì cây lúa trong vùng sẽ ngộ độc chất hữu cơ và nếu thải nước hầm trực tiếp ra sông sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đối với nhiều hộ dân.
Trước tình hình đó, tui cho đào thêm 2 hầm nữa để xử lý nước thải từ 2 ao nuôi cá và nó mang lại hiệu quả bất ngờ. Với 2 ao lắng này tôi còn dùng nó trong việc ươn thêm 100 nghìn con cá tra bột, khi nào cá thịt bán tôi sang nguồn cá tra từ 2 ao lắng để đỡ tốn chi phí trong khâu mua giống từ bên ngoài…".
Quy trình nước thải thông qua ao lắng phải đợi một thời gian khá dài (thời gian từ khi xả nước ao hầm qua ao lắng phải mất 12 giờ) sau đó mới xả trực tiếp xuống ruộng hoặc thải xuống sông. Anh Cao Văn Bô, một nông dân có thâm niên trồng lúa cho biết: "Tôi làm ruộng được 1 ha chủ yếu là trồng lúa, khỏi lo trong khâu bơm nước vì nhờ nước ao lắng của ông Ẩn xả trực tiếp xuống ruộng nên lúa rất xanh tốt, ít tốn chi phí mua phân, không bị ngộ độc hữu cơ…".
Anh Cao Thành Tâm, ngụ ấp Bình Tây 1, xã Phú Bình (Phú Tân) thấy rõ hiệu quả từ việc làm của ông Ẩn nên mạnh dạn đầu tư gần 6 tỷ đồng đào 1,2 ha đất mặt nước với 2 ao cá tra, thả 200 nghìn con cá tra thịt. Song song đó, anh Tâm còn đầu tư đào thêm 1 ao nữa với diện tích 3.500m2 dành riêng cho khâu xử lý nước thải và nạo vét bùn đáy đảm bảo cho môi trường nước không bị ô nhiễm, đồng thời thả thêm cá trê, trồng rau nhút, rau muống và cây lục bình. Khi chúng tôi hỏi trồng rau nhút, rau muống và cây lục bình trong ao lắng có tác dụng gì cho môi trường ?
Anh Tâm cho biết: "3 loại cây rau này có tác dụng hấp thụ chất hữu cơ rất cao trong nước và lọc những chất cặn bã nên làm cho nguồn nước được cải thiện tốt hơn…". Anh còn cho biết thêm: "Gia đình tôi nuôi 2 ao, mỗi ngày cho ăn trên 2 tấn thức ăn tự chế, đồng nghĩa với việc hằng ngày con cá sẽ thải ra nguồn nước hàng tấn chất dơ bẩn".
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường Phú Tân Lê Thanh Nhã nhận xét: "Với hai hệ thống xử lý nước thải của 2 hộ nuôi cá tra gồm hộ ông Nguyễn Ngọc Ẩn và Cao Thành Tâm, không những giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường mà còn bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân.
Đây là một hệ thống xử lý nước thải đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường tốt". Sắp tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Tân sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình xử lý cho các hộ nuôi cá tra ao, hầm một cách đồng bộ.
Có thể bạn quan tâm

Tham gia vào Hội có 50 thành viên. Mục đích chính của Hội là xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh có tổ chức theo hướng thương mại hóa, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các hội viên trong sản xuất, kinh doanh "cá Tràu tiến vua".

Nguyên nhân diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh là do mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, nhằm tăng thu nhập.

Là vùng đất có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản, cùng với việc đầu tư phát triển nuôi tôm, nuôi cá lồng bè, những năm gần đây, Quảng Ninh phát triển mạnh nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu, ốc nhảy, ốc hương, hàu biển... góp phần xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 ngành thuỷ sản đóng góp khoảng 3,7% vào GDP chung của cả nước. Lĩnh vực này hiện đang giải quyết việc làm cho trên 4,5 triệu lao động. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2014 ước khoảng 6,2 triệu tấn cho giá trị sản xuất vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng.

Chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cũng đã hỗ trợ cho nông dân vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng ốc hương, hướng dẫn người dân tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá". Mặc dù ốc hương là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng hiện nay chưa thể khuyến khích phát triển đại trà. Các ngành chức năng đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi ốc hương và khuyến khích người dân nuôi tại vùng đã quy hoạch.