Lợi Hải (Ninh Thuận) nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm trong mùa hạn

Đến thăm gia đình anh Phan Tấn Thái, ở thôn Kiền Kiền 2 vào những ngày nắng hạn đầu tháng 5, chúng tôi thật sự bất ngờ khi toàn bộ diện tích hơn 1,2 sào rau của gia đình phát triển tốt, cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày.
Để có được kết quả này, từ cuối năm 2014 đến nay, gia đình anh đã “tích cóp” đầu tư gần 30 triệu đồng khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên toàn bộ diện tích đất sản xuất. Anh Thái cho biết: Từ khi lắp đặt hệ thống, gia đình không chỉ tiết kiệm được nước tưới mà còn giảm được công lao động, tăng năng suất và chất lượng rau nên bạn hàng rất thích, thu nhập của gia đình vì thế tăng cao so với trước.
Tương tự, hộ bà Đinh Thị Phụng, cùng em trai là ông Đinh Thành Hiệp, ở thôn Kiền Kiền 1 cũng vừa đầu tư 10 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 2 sào đậu phộng và trồng cỏ. Bà Định cho biết: Từ khi lắp đặt hệ thống, lượng nước tưới được tiết kiệm khá nhiều, thời gian tưới giảm, hệ thống phun nước tưới đều khắp mặt ruộng nên đậu phộng phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch với năng suất khá.
Ông Lê Minh Khang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi Hải, cho biết: Nhằm tiết kiệm nước sản xuất, trong vụ đông-xuân vừa qua, toàn xã đã có 5 gia đình “tiên phong” đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trong đó, có 3 gia đình được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện tạo điều kiện cho vay vốn, với số tiền 5 triệu đồng/hộ. Việc lắp đặt hệ thống tưới giúp tiết kiệm khoảng 70% công lao động, 50% lượng điện và nước tưới so với phương pháp truyền thống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rút ngắn thời vụ, năng suất cây trồng tăng khoảng 20% nên các nông hộ hết sức phấn khởi.
Với mục tiêu nhân rộng mô hình, cuối tháng 4 vừa qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng cho các nông hộ tiêu biểu thuộc địa bàn, với các hoạt động chính là tuyên truyền, giới thiệu lợi ích, hướng dẫn quy trình lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng và tham quan các mô hình điểm tại địa phương.
Qua đó, góp phần giúp nông dân hiểu đúng lợi ích của hệ thống tưới nước tiết kiệm, trên cơ sở đó có kế hoạch đăng ký lắp đặt để được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện hỗ trợ vay vốn, hoặc tự lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên đất sản xuất của mình nhằm đảm bảo sản xuất có hiệu quả, nhất là trong điều kiện khô hạn kéo dài như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Hiện hàng chục hộ nông dân ở xã Đông huyện Kbang (Gia Lai) đang khóc dở, mếu dở khi đã trồng giống bắp NK67, là sản phẩm mới của Công ty Syngenta, do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang phân phối. Tưởng chừng như được vụ mùa thắng lợi nhờ thời tiết thuận lợi, nhưng chưa kịp vui mừng thì hàng chục ha bắp khi đến giai đoạn trổ cờ có dấu hiệu bị hư hỏng và đến nay coi như là mất trắng.

Khoai lang có xuất xứ từ Nhật Bản đang được bà con nông dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện - Gia Lai) trồng xen canh vào hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu cho năng suất và thu nhập khá cao. Trung bình 1 ha khoai lang đạt sản lượng 15-20 tấn, giá bán bình quân 5-6 triệu đồng/tấn, mỗi ha khoai lang trồng trừ chi phí còn lãi khoảng 45-55 triệu đồng.

Đến thời điểm này, các vùng nuôi tôm thương phẩm tỉnh Ninh Thuận đã vào vụ chính từ 1 đến 2 tháng, với diện tích đang nuôi khoảng 385 ha, chủ yếu tập trung ở các hộ có tiềm lực, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh.

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Kiên Giang đã triển khai mô hình nuôi cá chình trong ao tại huyện Vĩnh Thuận.

Phát huy lợi thế 127km chiều dài của hệ thống sông ngòi chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, những năm qua mô hình nuôi cá lồng trên sông đã từng bước được hình thành và phát triển. Do được nuôi trong môi trường nước lưu thông tự nhiên, hàm lượng ô-xi cao nên cá lớn nhanh, cho chất lượng thịt thơm ngon và rất được thị trường ưa chuộng.