Làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng
Với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ An Thành Phú (TX Quảng Yên) đã đưa HTX trở thành đầu tàu trong lĩnh vực nuôi tôm thẻ chân trắng, phát triển kinh tế địa phương.
Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao của anh Nguyễn Hữu Phước.
Sinh năm 1976 tại TX Đông Triều, nhưng Nguyễn Hữu Phước lại chọn phường Quảng Yên (TX Quảng Yên) để sinh sống, lập nghiệp. Anh cho biết: Khi lập gia đình vào năm 2000 và chuyển tới TX Quảng Yên sinh sống, đó là thời điểm khó khăn nhất với tôi. Nhận thấy một số khu vực của phường Hà An có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản, năm 2007, tôi xin địa phương chuyển đổi diện tích 2,6ha tại khu 3, phường Hà An để nuôi thuỷ sản, phát triển kinh tế.
Theo anh Phước, lúc đó, toàn bộ khu vực này là đầm lầy, lau sậy mọc um tùm, chỉ có một vài hộ nuôi tôm sú theo phương thức tự nhiên. Anh đã vừa làm, vừa thuê người phát lau, đào ao để nuôi tôm. Sau khoảng 4 năm, đến năm 2011, toàn bộ khu ao nuôi của anh đã được cải tạo với 8 ao nuôi hoàn chỉnh để nuôi tôm sú. Tuy nhiên, sau vài vụ nuôi, tôm sú phát triển rất chậm, năng suất thấp, 1ha chỉ được vài tạ, thậm chí vài chục kg, hiệu quả kinh tế thấp, vì thế anh chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo anh, tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, năng suất cao hơn, 1ha có thể đạt 10 tấn/năm, thậm chí cao hơn. Để tìm hiểu kỹ hơn, anh đến các địa phương có nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển như: Hải Phòng, Nam Định, Nha Trang xem cách nuôi, cách chăm sóc, học hỏi thêm kinh nghiệm. Anh nhận thấy do trước đây việc đào đắp ao nuôi không phù hợp với kỹ thuật, bờ kè yếu dễ sạt lở, lòng ao nông... khó nuôi tôm thẻ thành công.
Năm 2013, anh bắt tay vào đầu tư lại toàn bộ hệ thống ao nuôi bằng cách sử dụng máy móc thu hẹp diện tích ao nuôi lại, nện chặt bờ kè và cuốn bê tông. Theo anh Phước, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng là xong, mà còn phải kết hợp kinh nghiệm sản xuất với công nghệ lồng ghép vào nhau. Đây là yếu tố quyết định thành công, bởi nuôi tôm thẻ chân trắng rất hay phát sinh dịch bệnh, ngoài việc đảm bảo nguồn nước, ngoài ao để nuôi trực tiếp còn phải có 2 ao phụ trợ để trữ nước và xử lý nước. Đồng thời, nguồn giống phải được sàng lọc, lấy ở cơ sở chất lượng đảm bảo con giống khoẻ mạnh không bị nhiễm bệnh. Với kinh nghiệm sử dụng công nghệ mới, tôm thẻ chân trắng phát triển ổn định, thời gian nuôi 90 ngày đạt 50 con/kg; sản lượng đạt 10 tấn/ha/năm. Doanh thu từ nuôi tôm của gia đình anh đạt 1,5 tỷ đồng/năm.
Với mục tiêu tập hợp các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn, phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó giúp đỡ hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ, đầu năm 2015, HTX Sản xuất và Dịch vụ An Thành Phú được thành lập gồm 7 hộ thành viên. Từ khi thành lập, anh Nguyễn Hữu Phước làm Giám đốc, đồng thời giúp đỡ hỗ trợ thành viên HTX chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp. Năm 2016, sản lượng tôm thẻ chân trắng của HTX đạt 40 tấn. Không chỉ nuôi tôm, HTX còn cung ứng thức ăn thuỷ sản cho thành viên và người dân trên địa bàn, mỗi năm cung cấp khoảng 300 tấn. Năm 2016, doanh thu của HTX đạt 14 tỷ đồng.
Anh Phước cho biết: Thời gian tới, HTX sẽ phát triển sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất và sản lượng hơn nữa; đảm bảo duy trì đại lý cung cấp thức ăn cho các hộ nuôi trên địa bàn và các địa phương khác. Đồng thời, xây dựng hệ thống xét nghiệm phát hiện dịch bệnh nhanh cho tôm thẻ chân trắng. Với ý chí và lòng quyết tâm dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Hữu Phước là một trong những gương sáng vươn lên làm giàu và góp phần phát triển kinh tế HTX của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Với những dấu hiệu tích cực về thị trường trong năm nay, 2017 được dự báo sẽ là một năm thuận lợi cho thủy sản Việt Nam
Tận dụng tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân của xã Nậm Ét đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhờ áp dụng những kiến thức học được từ lớp dạy nghề nuôi cá, tôi không chỉ nuôi cá lớn nhanh, ít bệnh tật mà còn biết ương, san cá giống