Loạn thị trường giống chuối cấy mô

Vài năm trở lại đây, chuối tiêu nổi lên là giống cây trồng cho lợi nhuận cao vì nhu cầu thị trường xuất khẩu lớn. Diện tích chuối tiêu ngày càng mở rộng, nông dân đầu tư trồng giống nuôi cấy mô vì giống này cho năng suất cao, chất lượng đồng đều nên đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhờ đó, thị trường sản xuất, kinh doanh giống chuối nuôi cấy mô cũng ngày càng sôi động. Không chỉ ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa tham gia sản xuất, mà các đại lý thu mua chuối cũng chào bán cây giống nuôi cấy mô nhập khẩu từ Trung Quốc, Philippines...
* Phát triển nhanh
Theo nhiều nông dân trồng chuối tại Đồng Nai, cây chuối tiêu được quan tâm phát triển từ năm 2011. Đặc biệt, năm 2013 giá chuối tiêu có thời điểm “sốt”, lên đến 13 - 14 ngàn đồng/kg do thị trường Trung Quốc hút hàng, nông dân đua nhau chuyển đổi sang trồng giống chuối này. Do giống chuối nuôi cấy mô có những lợi thế, như: thu hoạch đồng loạt, chất lượng đồng đều, năng suất cao... đáp ứng tiêu chuẩn hàng xuất khẩu nên đa số người dân chọn trồng giống cây này.
Ông Ngô Quang Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ươm Mầm Việt (TP. Biên Hòa), chuyên sản xuất cây giống nuôi cấy mô, cho biết trước đây chuối tiêu chủ yếu xuất sang Trung Quốc, thường nhu cầu nhập khẩu chuối cao vào những tháng sau tết Nguyên đán nên vụ gieo trồng chính khoảng tháng 5, tháng 6.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu mở rộng sang nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu chuối quanh năm, như: Nga, các nước Trung Đông... nên lúc nào cũng có đơn hàng đặt mua giống chuối. Ông Hưởng dẫn chứng: “Trung bình những tháng thấp điểm, DN vẫn cung cấp ra thị trường khoảng 20 ngàn cây giống/tháng; cao điểm tăng đến 150 - 200 ngàn cây giống/tháng cho các thị trường Đồng Nai, các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên….
Tuy sản lượng cây giống của đơn vị dù tăng nhanh qua từng năm, nhưng vẫn không đủ cung cấp do nhu cầu thị trường ngày càng lớn. Chỉ riêng thị trường Đồng Nai đã tiêu thụ đến 1,4 - 1,5 triệu cây giống/vụ”.
Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú), giới thiệu hợp tác xã đang xây dựng mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây chuối cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Đến nay, hợp tác xã đã phát triển được khoảng 50 hécta, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng lên hàng trăm hécta.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đón cả chục đoàn DN Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông... đến làm việc về vấn đề xuất khẩu sản phẩm này. Từ yêu cầu sản xuất, hợp tác xã đã đặt hàng giống cấy mô, tổ chức vườn ươm và hiện đang cung cấp ra thị trường 2 giống chuối là chuối tiêu và đặc sản chuối La ba cho các xã viên và bà con nông dân tại địa phương.
* Cần sự quản lý
Ông Thuận cũng chia sẻ thêm, để đảm bảo chất lượng cây giống, hợp tác xã đã nhập nguồn giống nuôi cấy mô từ công ty uy tín, tổ chức vườn ươm theo đúng quy chuẩn, có kỹ sư của DN cung cấp giống về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật…Trong khi đó, nhờ lợi thế giá rẻ, lợi nhuận cao, giống chuối nuôi cấy mô nhập từ Trung Quốc đang được bán tràn lan ngoài thị trường, lấn lướt cây giống do DN trong nước sản xuất. Xuất phát từ lợi nhuận, các đại lý thu mua chuối cũng tham gia cung cấp cây giống nuôi cấy mô không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Và mọi rủi ro đều do nông dân gánh chịu.
Điều đáng lo ngại hiện nay là thị trường giống chuối nuôi cấy mô nhập khẩu từ Trung Quốc chưa được quản lý, kiểm soát về chất lượng.
Nhiều nông dân vẫn vô tư tiêu thụ cây giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ này. Ông Nguyễn Đức Tạo, nông dân tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), cho hay: “Có những giai đoạn thị trường cây giống chuối nuôi cấy mô “sốt” hàng vì nhà nhà đua nhau trồng chuối. Nhiều nông dân chọn mua giống chuối nuôi cấy mô nhập từ Trung Quốc vì lúc nào nguồn hàng này cũng có sẵn, các đại lý thu mua chuối chào bán tận nơi đến nông dân. Trong khi đó, để có cây giống với nguồn gốc rõ ràng, được đảm bảo về chất lượng, tôi thường phải đặt hàng trước cả tháng trời với DN sản xuất vì mặt hàng này không có sẵn”.
Theo các doanh nghiệp sản xuất giống chuối nuôi cấy mô trong nước, sự bỏ ngỏ trong công tác quản lý thị trường cây giống này gây rủi ro lớn cho nông dân và ảnh hưởng đến ngành sản xuất chuối của cả nước. Vì giống chuối nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Philippines... có thể đem nguồn dịch bệnh trên cây chuối từ các nước này lây lan cho các vùng trồng chuối tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ trong vòng 10 năm qua, các xã phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phát triển nhanh diện tích vườn cây ăn trái với hơn 18.500 ha, sản lượng hàng năm trên 260.000 tấn trái cây.

Vụ mía 2012 - 2013, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gặp không ít khó khăn do giá bán thấp. Trong khi, chi phí đầu tư tăng cao nên nông dân ít lợi nhuận. Tuy nhiên, có không ít hộ đã biết cách để nâng cao chất lượng mía, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Trong nhiều ngày qua, hàng tấn cá nuôi trong các lồng bè của gần 30 hộ dân tại khu vực vịnh Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị chết ngửa bụng, phơi trắng một vùng vịnh và bốc mùi hôi thối. Thiệt hại lớn khiến các hộ dân hết sức lo lắng vì số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng.

Các xã An Long, Phú Thành A (Tam Nông, Đồng Tháp) có hàng chục hộ nuôi lươn trong hồ lót bạt nilon và hồ xi măng. Mỗi đợt nuôi từ 8 - 12 tháng, xuất bán hàng chục tấn lươn thương phẩm, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Thời điểm này, nông dân xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bước vào thu hoạch lứa rau cần đầu tiên, năng suất bình quân đạt hơn 1 tấn/sào, với giá bán 8 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 7 triệu đồng/sào.