Lo Trễ Lịch Thời Vụ
Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đến cuối tháng 11, nước lũ trên sông ở Tân Châu và Châu Đốc vẫn duy trì quanh mức báo động 1. Chính vì vậy, mà nhiều diện tích ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên (ĐTM, TGLX) vẫn còn ngập sâu trong nước, gây khó khăn cho việc xuống giống vụ lúa ĐX 2011-2012. Nhiều nơi bà con đang lo trễ lịch thời vụ.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký công văn số 2056/TTg-KNT để chỉ đạo sản xuất vụ lúa ĐX 2011-2012 ở vùng ĐBSCL. Theo đó, năm 2011 là năm xảy ra lũ lớn ở vùng ĐBSCL, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và làm nhiều vùng bị ngập sâu trong thời gian kéo dài. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất vụ lúa ĐX thắng lợi, góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành ĐBSCL khẩn trương triển khai gấp các việc sau:
1- Cần theo dõi sát tình hình nước rút, khẩn trương tu sửa bờ bao, hệ thống kênh nội đồng, các trạm bơm, phân vùng mực nước, huy động mọi nguồn lực để bơm tát nước, nhất là ở khu vực vùng trũng, ngập sâu, đảm bảo gieo sạ lúa ĐX đúng khung thời vụ của Bộ NN- PTNT, tránh tình trạng ngập úng đầu vụ nhưng lại bị hạn mặn vào cuối vụ.
2- Đảm bảo cung ứng đủ lúa giống, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả vật tư nông nghiệp.
3- Tiếp tục nhân rộng việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, mở rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” để tạo kiện liên kết bốn nhà, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân.
4- Căn cứ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chủ động ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời cho nông dân bị thiệt hại do lũ để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất lúa ĐX. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT tổng hợp tình hình thiệt hại, đề xuất nhu cầu hỗ trợ của các địa phương để trình Thủ tướng phê duyệt.
ThS Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, theo kế hoạch, vụ lúa ĐX năm nay toàn tỉnh sẽ gieo sạ 285.000 ha. Đến nay, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng đã xuống giống được 55.000 ha, do đây là vùng không bị ảnh hưởng nước lũ và thường bị hạn mặn vào cuối vụ nên phải làm sớm. Diện tích còn lại dự kiến sẽ gieo sạ trong tháng 11 này khoảng 50-60%, còn lại qua tháng 12.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nước lũ vẫn còn gây ngập sâu nhiều nơi, nhất là ở khu vực TGLX và một phần tây sông Hậu gây trở ngại cho việc xuống giống. Nếu để nông dân xuống giống đúng như lịch thời vụ thì tỉnh cần hỗ trợ nông dân bơm tát khoảng 200.000 ha. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương gia cố đê bao, chuẩn bị máy móc phương tiện, nhiên liệu bơm tát để rút nước ra nhằm đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ. Cố gắng gieo sạ trong tháng 11 này với diện tích cao nhất có thể, vì đây là thời điểm tốt nhất trong năm để lúa cho năng suất cao và phòng tránh được nắng hạn, thiếu nước vào cuối vụ.
Huyện Hòn Đất là địa phương có diện tích đất sản xuất lúa lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, với 73.500 ha (chiếm gần 1/4 diện tích của toàn tỉnh) nhưng do nằm giữa vùng lũ của TGLX nên gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đào Xuân Nha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, do tình hình năm nay nước lũ dâng cao nhưng lại xuống chậm nên huyện không thể xuống giống trong đợt 1 (từng ngày 1-15/11) theo kế hoạch của tỉnh.
Với tình hình nước lũ như hiện nay thì huyện Hòn Đất chỉ có thể xuống giống đợt 2 (từ ngày 15/11-5/12) nhưng cũng chỉ tập trung cho những diện tích ven biển, chiếm khoảng 30% diện tích toàn huyện, còn lại phải đợi đến đợt 3 (từ 23/12-5/1 năm sau). Rất may là mùa khô năm nay huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cống ngăn mặn Vàm Răng, đảm bảo khép kín toàn bộ tuyến đê ven biển nếu không sẽ rất nguy hiểm.
+ Ông Dương Nghĩa Quốc – GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp:
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ thì kế hoạch sản xuất vụ đông xuân và hè thu năm 2011-2012 sẽ có nguy cơ bị xáo trộn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cố gắng xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 12 để có thời gian cách ly thời vụ cho vụ hè thu tới. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận gieo sạ. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại.
Thực hiện các chương trình, dự án sản xuất lúa theo VietGAP, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các ngành chức năng cần cân đối đủ nhu cầu vốn vay cho sản xuất, đặc biệt ưu tiên cho hộ nghèo, hộ chính sách. Đồng thời có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, nhất là những hộ bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt.
+ Ông Nguyễn Hữu An – Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang:
An Giang cũng đang gặp khó khăn về vốn để khắc phục những tuyến đê bao bị vỡ vừa qua. Theo đó, nguồn kinh phí phục vụ cho việc tu sửa cần hơn 100 tỷ đồng. Dù vậy, bà con không nên vội vàng làm đất và xuống giống ngay để tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ từ rơm rạ. Ở những nơi lúa vừa thu hoạch xong, bà con nên tranh thủ cho nước vào để tiêu hủy rơm rạ và vệ sinh đồng ruộng.
Đặc biệt, khi lúa đã gieo sạ trong khoảng 40 ngày đầu, nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV theo chương trình “1 phải 5 giảm”, giúp bảo vệ thiên địch và cân bằng sinh thái.Tại Hậu Giang, tình hình nước lũ ngập sâu kéo dài cũng đang gây ảnh hưởng lớn đến lịch xuống giống. Ông Lê Văn Đời, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, ngành đã lên kế hoạch gieo sạ lúa ĐX làm 2 đợt: đợt 1 từ 17-24/11 và đợt 2 từ 15-22/12. Tuy nhiên do nước lũ rút chận nên trong đợt 1 chỉ có thể xuống giống được tối đa 35.000/82.000 ha theo kế hoạch. Vì đây là những diện tích đã được đầu tư hệ thống đê bao khép kín, chủ động được việc bơm tát. Diện tích còn lại phải chờ tình hình nước rút mới xuống giống được.
Tại An Giang, tiến độ thu hoạch lúa thu đông đang rất chậm. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh mới thu hoạch khoảng 40.000 ha, đạt hơn 30% diện tích. Với tiến độ này, đến cuối tháng 12, gần 70% diện tích còn lại mới thu hoạch dứt điểm. Trong khi đó, nước lũ vẫn còn đang ngập sâu trên nhiều cánh đồng trong vùng trũng Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, qua kết quả giám định của Trung tâm BVTV phía Nam trên các mẫu rầy nâu của tỉnh thì tỉ lệ rầy nâu nhiễm virus bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá chiếm gần 47%. Cá biệt có nơi tỉ lệ nhiễm virus bệnh rất cao đến 80%. Điều này cho thấy rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn diễn biến phức tạp trong vụ ĐX 2011-2012. Tuy nhiên, do năm nay lũ lớn kéo dài và xuống chậm nên diện tích phải bơm tát để xuống giống sẽ nhiều hơn và cường suất cũng cao hơn. Trong khi khó khăn đầu vụ là việc bơm rút nước ra thì cuối vụ lại là tình trạng thiếu nước ngọt, dẫn đến xâm nhập mặn.
Việc xuống giống lúa ĐX trễ không chỉ gây ảnh hưởng đến năng suất, khung thời vụ của các vụ lúa khác trong năm mà còn có nguy cơ bị hạn mặn vào cuối vụ, gây thiệt hại lớn. Theo Cục Trồng trọt, lịch xuống giống lúa ĐX hàng năm ở các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL đều chịu tác động do lũ, nhất là vùng ĐTM và TGLX, cần phải chủ động bơm tát mới có thể gieo sạ được.
Theo tính toán của Cục Trồng trọt, nếu gieo sạ trễ khung thời vụ thì nguy cơ khoảng 620.000 ha lúa ĐX (chiếm 40% diện tích toàn vùng) thuộc các tỉnh ven biển như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sẽ bị nhiễm mặn. Trong đó, diện tích có nguy cơ nhiễm mặn cao là khoảng 100.000 ha, chiếm 16% diện tích của các tỉnh nói trên, rất dễ bị thất mùa nếu xâm nhập mặn diễn ra sớm.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Cầu Hai, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với huyện Phú Lộc thả hơn 2,5 vạn tôm giống tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khe Đập Làng, xã Lộc Bình (Phú Lộc).
Được biết, trai tai tượng có tên khoa học Tridacnagigas, là loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam và quốc tế cần được bảo vệ. Thời gian qua một số ngư dân ở Bình Châu đã khai thác với số lượng lớn để cung cấp theo nhu cầu mua bán của chủ nậu mà không biết đây là loài thủy sinh bị cấm khai thác.
Năm 2014, thành phố Cà Mau đề ra kế hoạch mở rộng nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích 1.100 ha; hiện nay, đã phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp được trên 812 ha, đạt 73% kế hoạch.
Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thành công với mô hình nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, điển hình là mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở xã An Bình và xã Nhị Mỹ.
Gần một tháng nay, hàng chục hộ nuôi cá lóc đầu vuông trong vèo ở xã Phước Chỉ (Trảng Bàng - Tây Ninh) lao đao vì cá bị ghẻ lở mà chưa rõ nguyên nhân.