Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sóc Trăng: Tự sản xuất vi sinh, nuôi tôm lãi lớn

Sóc Trăng: Tự sản xuất vi sinh, nuôi tôm lãi lớn
Tác giả: Xuân Trường
Ngày đăng: 30/10/2017

Bằng chế phẩm vi sinh do chính tay mình sản xuất, từ đầu vụ nuôi tôm nước lợ 2017 đến nay, cả 14 ao tôm của ông Võ Thanh Vân tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đều thành công, với tổng sản lượng thu hoạch 65,5 tấn, lợi nhuận 3 tỷ 965 triệu đồng.

Ông Vân bên ao tôm sử dụng chế phẩm vi sinh của mình   Ảnh: Mai Trường

Mạnh dạn ứng dụng

Ông Thanh Vân kể: “Khi nghe ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) ở tỉnh Bạc Liêu kể về hiệu quả của việc sử dụng vi sinh từ bùn bã mía, tôi liền quyết định tự sản xuất chế phẩm vi sinh này để hạ giá thành cho nghề nuôi tôm của mình và bà con trong tỉnh. Tôi cũng may mắn được nghe một tiến sĩ chuyên ngành vi sinh ở Cà Mau nói về cách nuôi dưỡng cũng như sử dụng chế phẩm này và được Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Nguyễn Anh Huy nhận lời trợ giúp”.

Với tiềm lực kinh tế sẵn có, cộng thêm nguồn bùn bã mía dồi dào từ nhà máy đường Sóc Trăng và kiến thức chuyên ngành của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Nguyễn Anh Huy nên quá trình thực hiện diễn ra khá thuận lợi. Ông Vân kể: “Theo quy trình được nghiên cứu sinh tiến sỹ Nguyễn Anh Huy tư vấn, bùn bã mía khi mua về phải được ủ với nấm tricoderma trong 30 ngày cho oai mục, sau đó đem phơi mát trong 20 ngày, rồi nghiền mịn (2 mm). Công đoạn chuẩn bị này mất khoảng 2 tháng”.

Công việc còn lại với ông Vân là tìm đúng chủng vi sinh cần thiết để nhân mật độ trước khi phối trộn vào bùn bã mía để sử dụng. Ông Vân chia sẻ: “Tôi chọn phương án an toàn và nhanh nhất là mua vi sinh đơn (từng chủng loại) của Công ty CP Quốc tế sinh học Nani ở TP Hồ Chí Minh về nuôi riêng từng con đến khi mật độ đạt yêu cầu thì đem phối trộn vào bùn bã mía đã được chuẩn bị sẵn, cùng với bột xương, cám (được nấu chín nhằm tránh tạo khuẩn - PV) và một số khoáng vi lượng”.

Chế phẩm vi sinh do ông Vân sản xuất không chỉ cung cấp một mà nhiều chủng vi sinh vật có ích trong nuôi trồng thủy sản, như: Bacillus subtilic, Bacillus megaterium, Lactobacillus acidophilus, Sacharomyses cerevisea, Nitrosomonas spp, Nitrobacter ssp, Rhodocus sp, Thiobacillus spp, Rhodopseudomonas sp, parecocus denitrificans, Bukkoderia ssp, Pseudomonas sp, Tricoderma ssp... Các kết quả kiểm nghiệm tại các đơn vị có uy tín ở Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đều cho thấy, tổng mật độ vi sinh trong chế phẩm hơn 5 tỷ con/kg sản phẩm (5 tỷ CFU/kg).

Với sự đa dạng chủng loại vi sinh vật như vậy, sản phẩm có khả năng phân hủy thức ăn dư thừa, phân tôm, cá, võ tôm lột (kitin), chất hữu cơ lắng tụ trong nước gây thối; khử các khí độc như: H2S, SO2, NH3, NO2, NO3… trong nước và bùn đáy ao; đối kháng và ức chế sự vi khuẩn Vibrio và các vi khuẩn gây bệnh; hạn chế sự phát tiển của các loại tảo độc; làm giá thể cho vi sinh vật, các sinh vật phù du sinh trưởng và phát triển tốt tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, nhất là giai đoạn post; tạo ra hệ Bicacbonat (khoảng 20%) giúp duy trì và ổn định độ kềm, pH, tạo môi trường tốt và ổn định cho tôm cá phát triển.

Lợi nhuận cao

Ông Vân chia sẻ: “Đầu năm đến nay, tôi sản xuất thử được khoảng 20 tấn, trong đó sử dụng cho ao nuôi gia đình 10 tấn, còn lại 10 tấn cho không 10 hộ nuôi khác dùng thử nghiệm để đánh giá kết quả. Hiện, tôi còn 5 ao tôm đã đạt cỡ 50 - 75 con/kg, ước sản lượng khoảng 22 tấn và đang chuẩn bị thả lại những ao khác cũng bằng chế phẩm vi sinh của mình. Qua sử dụng, ngoài việc môi trường tốt, tôm phát triển nhanh, nhận thấy tôm rất ít bị bệnh đốm đen - một loại bệnh thường xuất hiện trong ao nuôi có độ mặn thấp”.

Cách sử dụng chế phẩm vi sinh (tính cho 1.000 m2) được ông Vân tóm tắt như sau: Khi cải tạo ao sử dụng 10 kg chế phẩm vi sinh; trước khi thả giống 4 ngày tiếp tục sử dụng 5 kg để gây màu nước, tạo tảo, phù du sinh vật làm thức ăn cho tôm post. Trong tháng đầu tiên, cách 5 ngày bổ sung chế phẩm vi sinh 1 lần 2 - 3 kg (tùy theo chất lượng nước), từ tháng thứ 2 trở đi cho đến lúc thu hoạch, cách 5 ngày bổ sung 1 lần nhưng liều lượng sử dụng 4 - 6 kg. Ông Vân hướng dẫn thêm: “Chế phẩm này có thể đưa xuống ao bằng cách tạt khô hoặc hòa với nước để tạt đều cho kết quả như nhau và tính chung trong cả vụ nuôi, lượng chế phẩm sử dụng vào khoảng 120 kg/1.000 m2 trở lại”.

Theo họach toán của ông Vân, giá thành sản xuất mỗi kg chế phẩm chỉ vào khoảng 7.000 đồng, nên tới đây, nếu có thương mại hóa thì giá bán cũng chỉ ở mức 10.000 đồng/kg trở lại. Như vậy, nếu sử dụng chế phẩm này, 1.000 m2 ao nuôi, người nuôi chỉ tốn 1,2 triệu đồng, trong khi nếu sử dụng vi sinh từ các công ty khác trên thị trường phải tốn 4 - 5 triệu đồng.

>> Ông Võ Thanh Vân cho biết: “Từ đầu vụ nuôi 2017 đến nay, tôi đã sử dụng chế phẩm vi sinh tự sản xuất cho 14 ao nuôi của mình (mỗi ao khoảng 5.000 m2), thu hoạch 65,5 tấn, lãi gần 4 tỷ đồng. Hiện tôi đã hoàn tất hồ sơ để gởi về Tổng cục Thủy sản xin phép lưu hành sản phẩm này ngay trong vụ nuôi tôm nước lợ 2017 - 2018 tới đây của tỉnh Sóc Trăng”.


Có thể bạn quan tâm

Lãi cao từ nuôi cá lóc trong ao lót bạt Lãi cao từ nuôi cá lóc trong ao lót bạt

Nhờ áp dụng phương pháp lót bạt để nuôi cá lóc, ông Ung Tấn Lịch (Quảng Nam) đã thu về gần 200 triệu đồng/năm.

21/10/2017
Người nuôi nhím thành công nhất Khánh Hòa, thu tỷ đồng/2 năm Người nuôi nhím thành công nhất Khánh Hòa, thu tỷ đồng/2 năm

Với sự kiên trì và đầu tư theo hướng lâu dài, từ 2 cặp nhím rừng may mắn mua được ban đầu, ông Võ Văn Đức đã gây dựng được một đàn nhím với số lượng hơn 100 con

24/10/2017
Làm giàu từ mô hình “gọi ngược” kiểu Làm giàu từ mô hình “gọi ngược” kiểu "THÍCH ĐỦ THỨ"

Hàng năm, lão nông Trần Văn Thật xuất bán trên vài trăm con lợn thịt, thu về hơn trăm triệu đồng bởi ông rất am hiểu về kỹ thuật chăn nuôi

27/10/2017