Lỗ Hổng Quản Lý Thuốc, Thức Ăn Thủy Sản
Ngày 19.11, tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xung quanh tình trạng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Tại Quảng Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên lĩnh vực này cũng khá phổ biến, khi công tác quản lý nhà nước còn nhiều lỗ hổng.
Nhiều rủi ro
Đảo qua các cửa hàng kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản trên địa bàn TP.Tam Kỳ hay các vùng ven như Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng đều không khó để bắt gặp các mặt hàng thuốc thủy sản, hóa chất, thức ăn được bày bán tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đại lý như Nghĩa Thương (Tam Hải, Núi Thành), Hồng (Tam Thanh, TP.Tam Kỳ)… đã từng bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc, hóa chất dùng trong nuôi thủy sản. Việc một doanh nghiệp lớn như Công ty Thức ăn Hoa Chen Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, Núi Thành) bị phát hiện thức ăn bị mốc, nhiễm aflatoxin – độc tố gây hại nguy hiểm cho các loài thủy sản nuôi vào giữa tháng 11 này cũng đã “báo động đỏ” về chất lượng của các mặt hàng phục vụ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Thanh Sơn, chủ hộ nuôi tôm nước lợ trên diện tích 10.000m2 ở thôn Kim Thành (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, ở cả 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng vừa rồi, tôm nuôi của gia đình đều bị nhiễm bệnh. Để cứu tôm nuôi, ông đã mua nhiều loại thuốc, hóa chất dùng trong nuôi thủy sản từ các đại lý trên địa bàn xã nhưng đều không hiệu quả. Gửi mẫu đi xét nghiệm, gia đình mới “chưng hửng” vì các loại thuốc được dùng đã nhiễm khuẩn, chứa các chất gây bệnh cho tôm nuôi. Chuyện của gia đình ông Sơn không là ngoại lệ. Ông Đỗ Văn Lãnh (xã An Phú, TP.Tam Kỳ) thì cho biết: “Nuôi tôm nhiều năm, tôi vẫn rối bời vì không biết chọn mua các loại hóa chất, thuốc, thức ăn cho tôm nuôi nào vì chúng đều na ná. Nếu khi may mắn thì mua được thuốc tốt còn gặp rủi thì đành chịu chứ người ta đâu ép mình phải mua”.
Ông Phan Bá Hội - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, tình trạng kinh doanh thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học nói riêng, thú y thủy sản nói chung trên địa bàn thành phố rất phức tạp. “Không thể đánh đồng tất cả các cơ sở kinh doanh, nhưng nhìn chung, thuốc thú y, thức ăn dùng trong nuôi tôm giả, kém chất lượng vẫn còn xuất hiện trên địa bàn Tam Kỳ. Nhiều nông hộ còn chủ quan, thiếu cảnh giác mua và sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn kém chất lượng nên ảnh hưởng xấu, “tiếp tay” cho bệnh và dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm. Về công tác quản lý, trong thời gian qua có triển khai nhưng còn lỏng lẻo. Nguyên nhân là trang thiết bị thiếu, con người cũng thiếu mà kinh phí kiểm tra, xét nghiệm thì quá cao” - ông Hội nói. Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam phân tích, do tích tụ chất mùn bã hữu cơ lâu năm nên các vùng nuôi tôm ven sông trên địa bàn tỉnh rất dễ xảy ra dịch bệnh. Trong quá trình cải tạo ao nuôi cũng như kiểm soát môi trường nước khi đã thả nuôi, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học… đảm bảo chất lượng mới có hy vọng khống chế các yếu tố gây bệnh và dịch bệnh. Việc sử dụng thức ăn kém chất lượng, thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc của người nuôi càng khiến cho tôm nuôi yếu sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh hoặc sinh trưởng không tốt. “Tôm nuôi phát triển tốt hay còi cọc hoặc nhiễm bệnh liên hệ mật thiết với thức ăn, thuốc, hóa chất dùng trong quá trình nuôi. Bởi vậy các nông hộ cần tiếp cận các thức ăn, thuốc, hóa chất có chất lượng để đảm bảo nuôi tôm hiệu quả” - bà Yến nói.
“Lổ hổng” quản lý
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, để kiểm soát các mặt hàng kinh doanh về thủy sản, đơn vị đã thành lập tổ thanh tra. Tuy nhiên do chưa có thanh tra viên nên tổ thanh tra của chi cục mới chỉ có thể phối hợp với đơn vị chủ quản là Sở NN&PTNT tiến hành thanh tra các cơ sở, đại lý kinh doanh các mặt hàng này mỗi năm một lần. Vào mỗi đợt thanh tra, khi bắt gặp sai phạm, thường thì chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở chứ hiếm khi xử phạt. Bà Yến cho biết thêm: “Thời gian trước đây, chúng tôi đã tiến hành thanh tra các đại lý, cơ sở kinh doanh lớn. Còn gần đây, chúng tôi tổ chức thanh tra các điểm bán nhỏ. Các sai phạm thường thấy là các chủ kinh doanh bày bán các mặt hàng chưa qua đăng ký. Với các sai phạm như vậy, chúng tôi nhắc nhở họ “cập nhật” các mặt hàng thường xuyên chứ khó xử phạt”.
Trong 2 năm (2012 - 2013), dịch bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh. Các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp đã phá hủy hàng trăm héc ta ao nuôi, gây thất thu lớn cho người nuôi. Một nguyên nhân không thể không nhắc đến là bộ máy quản lý thú y thủy sản chưa thống nhất nên chưa huy động được lực lượng cán bộ làm công tác thú y trực tiếp hoặc tham gia triển khai công tác thú y đến cấp xã, phường. Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, việc quản lý thuốc, hóa chất, thức ăn trên địa bàn thành phố còn bất cập. Địa phương chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về thủy sản cho cấp xã, phường. Để quản lý tốt hơn công tác này, thành phố đề xuất Sở NN&PTNT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đại lý kinh doanh thuốc, hóa chất, thức ăn thủy sản để tránh việc bày bán tràn lan, gián tiếp “tiếp tay” cho dịch bệnh hoành hành. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Kim Yến cho biết: “Đơn vị chỉ có thể lấy mẫu thức ăn xét nghiệm chứ không thể lấy mẫu thuốc, hóa chất trên thị trường vì việc này do Cục Thú y tỉnh trực tiếp quản lý. Mỗi khi cần lấy mẫu xét nghiệm theo đề nghị, chúng tôi phải liên hệ với Cục Thú y tỉnh bố trí làm việc, tốn nhiều thời gian mà chưa biết hiệu quả công việc sẽ thế nào?”.
Có thể bạn quan tâm
Trong vụ nuôi tôm năm 2013 này, đa số bà con nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân là do khi nuôi tôm, dịch bệnh hoại tử gan tuỵ vẫn còn đe doạ đến sự phát triển của tôm nuôi.
Mô hình nuôi tôm hầm đất (còn gọi là tôm oxy) đang được nông dân vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) áp dụng mang lại hiệu quả cao do rút ngắn thời gian thả nuôi, hạn chế thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.
Từ ngày 6-9 tới, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện, nơi có cơ sở nuôi chim yến, trường hợp đã nuôi chim yến trước ngày 6-9 thì phải khai báo chậm nhất vào ngày 31-12-2013. Khi có sự thay đổi về quy mô diện tích và số lượng của cơ sở nuôi chim yến, tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải khai báo chậm nhất vào ngày 30-10 hàng năm.
Lúc 15 giờ 10 phút ngày 15-10-2013, tại địa bàn ấp Phước Thọ, xã Đa Phước (An Phú), hàng loạt bè cá của người dân bị dòng nước lũ cuốn trôi và nhấn chìm (tại khu vực gần cầu Cồn Tiên). Phóng viên Báo An Giang đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu vụ việc.
Chuối tiêu hồng được biết đến là giống chuối đặc sản, ngày xưa thường được dùng để cung tiến cho vua chúa. Thời gian vừa qua, giống này đã được Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn, phục tráng và nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.