Liên kết đưa trái cây vươn ra biển lớn
Hiện nay, nhiều người dân ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) rất vui mừng vì cây xoài nơi đây có nhiều khởi sắc khi nhiều công ty, đơn vị nước ngoài tìm đến ký hợp đồng, thu mua. Phần lớn diện tích xoài được thu mua là nằm trong HTX và được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
HTX xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) hiện có 25 xã viên tham gia sản xuất trên 21ha. Mới đây, 4 tấn xoài của HTX đã được bán sang Hàn Quốc. “Sở dĩ sản phẩm bán được là do các xã viên đồng tình, trồng xoài theo tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP. Chúng tôi lúc nào cũng đổi mới cách làm, cải tiến kỹ thuật. HTX được tiếp tục đặt hàng mua xoài trong thời gian tới” – ông Huỳnh Thanh Bá - Phó Chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương cho biết.
Xoài của HTX trên được bán với giá từ 34.000-36.000 đồng/kg (cao hơn bên ngoài khoảng 2.000 đồng/kg). Những trái xoài xuất khẩu đạt trọng lượng từ 600g trở lên, da sáng đẹp.
Về tín hiệu vui trong sản xuất và xuất khẩu xoài ở địa phương, ông Nguyễn Minh Tiền – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cao Lãnh cho biết: “Phần lớn bà con trồng xoài trong huyện đã thay đổi tư duy rõ rệt, chủ động xử lý cho trái rải vụ quanh năm. Vì vậy, sẽ không xảy ra tình trạng thừa nguồn cung hay thiếu hàng”.
Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, hiện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến địa phương đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu xoài xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh này có hơn 9.000ha trồng xoài, chủ yếu là xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc, được trồng tập trung theo quy mô của HTX, THT. Do phần lớn diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nên thuận lợi cho việc tìm thị trường tiêu thụ.
Người dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ cũng vô cùng phấn khởi vì 3.500 tấn chuối thương phẩm được trồng theo công nghệ cao đã được các đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản bao tiêu với giá 7.000 đồng/kg (gấp 5 lần so với chuối được sản xuất theo cách truyền thống) đối với chuối đạt 20- 30kg/buồng.
Ông Lâm Văn Hộ - Chủ nhiệm HTX Lâm Phát Hưng ở xã Phước Hưng cho biết: HTX có 8 người trồng 90ha chuối theo sự hướng dẫn của chuyên gia nông nghiệp từ Philippines, Hàn Quốc.
Không chỉ có xoài và chuối có tín hiệu vui trong sản xuất và xuất khẩu, nhiều nông dân trồng thanh long ở ĐBSCL cũng vào HTX, THT để hùn vốn, phối hợp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Vì vậy, sản phẩm của họ dần đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường khó tính. Có thể kể đến như: HTX Thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An), HTX Lương Phú, HTX Quơn Long, HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An (Tiền Giang)… Riêng HTX Thanh long Tầm Vu có đến 70 xã viên liên kết sản xuất trên 90ha. Năm 2015, HTX này đã xuất khẩu hơn 6.000 tấn thanh long đến Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Có thể bạn quan tâm
Sau 5 năm gắn bó với nghề nuôi ong, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xóm Khe Hương, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) có hơn 300 thùng ong, mỗi năm thu hoạch 30 tấn mật ong.
Nuôi gà kiếm tiền đã khó, nuôi “gà khủng” – đà điểu như Nguyễn Văn Trung ở xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) thì ít ai dám. Sau mấy năm chật vật, giờ đây, anh Trung đã có thể nhàn nhã ngồi ngắm đà điểu và đếm tiền.
Hiện nay, nông dân nhiều nơi sử dụng phân bón NPK Văn Điển - loại phân bón chứa đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng cho cây củ đậu, giúp hạn chế tác hại sâu bệnh, tạo điều kiện cho củ to, vỏ mỏng, thịt củ giòn, chắc và ngọt đậm hơn.